Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, chàng trai Nguyễn Đình Đạt, 24 tuổi - quê ở Hải Dương đã công phu chế tác chiếc khuyên tai để gửi tặng mẹ. Điều thú vị là tất cả vật liệu để làm nên chiếc khuyên chỉ là một đồng xu cũ cùng những viên đá bình thường nhưng qua tay chàng trai, nó trở nên long lanh, rực rỡ như những vật trang sức tiền tỷ.
Nguyễn Đình Đạt nguyên là hướng dẫn viên du lịch. Do ảnh hưởng của đại dịch, chàng trai đã bị thất nghiệp và trong thời gian rảnh rỗi, Đạt đã nảy ra ý tưởng chế tạo trang sức dành cho phụ nữ từ những vật liệu bỏ đi. Đầu tiên, Đạt lựa chọn chế tạo 1 chiếc nhẫn từ một vòi nước bằng đồng thau đã bị hỏng.
Theo Đạt cho biết chất liệu đồng thau rất bền, không bị ôxy hoá như một số kim loại khác và lại mềm, dễ sáng tạo. Tự lên mạng xem cách làm, Đạt đã dùng những loại công cụ đơn giản như máy khoan, cưa tay, giũa để làm. Đạt kể: “Rất nhiều lần tôi đã phải bỏ đi làm lại vì chưa có kinh nghiệm vì chiếc nhẫn làm xong bị méo, bị vênh nhìn rất thô. Còn chuyện cưa cắt vào tay là rất bình thường. Tôi đã từng tính bỏ cuộc nhưng rồi nghĩ lại, đã là trang sức làm đẹp thì cần phải có sự tinh tế, kiên nhẫn nên khi làm hỏng, tôi lại bắt tay làm lại. Phải làm tới làm lui mấy chục lần, tôi mới có được chiếc nhẫn ưng ý”.
Từ chiếc nhẫn đầu tiên, Đạt đã rút ra kinh nghiệm để có thể làm đồ trang sức, đó là người làm cần có sự tỉ mỉ, kiên trì và sáng tạo. Đạt mua thêm đèn soi, kính lúp, dụng cụ làm bóng, mài cạnh của những người thợ làm kim hoàn rồi thậm chí đi học thêm cả kỹ thuật thiết kế một cách bài bản.
Từ những lần thất bại, Đạt đã xây dựng được quy trình chế tác chiếc đồ trang sức bao gồm 5 giai đoạn: Xây dựng ý tưởng, chuẩn bị dụng cụ và công cụ cần thiết, thi công mài dũa, tạo hình sản phẩm, tạo nét chi tiết, mài bóng và hoàn thiện…
Tuy nhiên, độ chính xác của trang sức cần đòi hỏi tới vài phần trăm mm nên quá trình làm, Đạt luôn phải cẩn trọng từng tý một. Hơn 1 năm đánh vật với trang sức, từ đầu năm 2022 Đạt đã bắt tay vào làm chiếc khuyên tai để tặng mẹ nhân ngày 8/3.
Lựa chọn chất liệu là đồng xu bằng nhôm, theo Đạt vì nhôm có trọng lượng nhẹ lại có độ phản sáng thấp, phù hợp với những người thích sự dịu dàng. Đạt chọn thiết kế của chiếc khuyên tai là hình dạng của cánh hoa may mắn (4 cánh) cùng và 156 viên đá li ti được đính trên toàn bộ bề mặt của sản phẩm, điểm thêm ở giữa là phần nhuỵ hoa cũng là điểm nhấn chính giữa tạo cho bông hoa có sự cân đối và hài hoà.
“Tôi muốn làm chiếc khuyên tai để tặng mẹ. Mẹ tôi là nông dân, suốt đời chỉ lo hy sinh cho chồng con, quanh năm mẹ chỉ quen với việc đồng áng nắng mưa từ sáng tới chiều muộn, nên cũng không có thời gian diện cho bản thân một bộ quần áo mới và cả những món trang sức dù cho rẻ tiền. Và mẹ sẽ không hài lòng nếu con mình bỏ ra số tiền lớn để mua cho mẹ nên tôi đã quyết định làm tặng mẹ một món trang sức rẻ tiền thôi nhưng vẫn đẹp và tôi tin mẹ rất vui”- Đạt nói.
Gần 2 tháng trời tự thiết kế rồi thi công, Đạt gần như quên mất khái niệm về không gian và thời gian bởi đôi khuyên đã hút hết tâm trí của chàng trai. Nhiều tưởng như đã hỏng vì những chi tiết quá nhỏ khiến Đạt không có cách nào xử lý. May mắn sự kiên nhẫn và ước mong có một món quà tặng mẹ đã giúp Đạt tìm cách vượt qua thành công.
Toàn bộ quá trình chế tác đôi khuyên tai đã được Đạt ghi lại bằng clip và phát trên kênh cá nhân, vừa để quảng bá cho bản thân nhưng cũng để Đạt tự lưu giữ những kinh nghiệm của mình. Sau khi Đạt đưa clip lên, Đạt nhận được nhiều lời khen ngợi bởi ý tưởng sáng tạo cũng như sự độc đáo. Đạt cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng Đạt khẳng định vẫn chưa có ý định kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm mà chỉ duy trì, lan tỏa như một niềm đam mê tuổi trẻ.
Tương lai anh muốn đi học chuyên sâu hơn về nghề chế tác để chuyên tâm với nghề Đạt bảo: “Những sản phẩm tôi làm ra nếu xét về giá trị thì rất khó định giá bởi nó chỉ là những chất liệu rẻ tiền, tưởng như đã bỏ đi. Nhưng để bán rẻ thì không được bởi công sức của tôi đã bỏ ra rất nhiều. Vì thế tôi đã dự tính sẽ xây dựng 01 kênh riêng chỉ để khám phá sự đam mê của mình với việc chế tác đồ trang sức. Nhưng món hàng tôi làm ra sẽ để tặng bạn bè, người thân hay là xa hơn, tôi sẽ tổ chức đấu giá để trao tặng cho các quỹ Từ thiện hay là các mái ấm, nhà tình thương. Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp tôi duy trì được công việc cũng như góp chút sức mình cho cộng đồng”.