Trao đổi với PV Báo CATP đầu xuân Nhâm Dần 2022, bà Trần Thị Việt Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty HP), nhớ lại: 12 năm trước, đúng dịp xuân Canh Dần 2010, Công ty HP đã gởi đơn kêu cứu Báo CATP vì bị Công ty China Policy Limited (gọi tắt "CPL") lợi dụng việc tranh chấp, bày "mưu sâu, kế độc", đâm đơn tố cáo Công ty HP "chiếm đoạt 15,6 triệu USD". Rõ ràng, đây là hành vi vu khống của CPL nhằm đẩy người đứng đầu Công ty HP vào vòng lao lý để độc chiếm dự án tại tỉnh Long An.
Ngay khi tiếp nhận đơn, Ban biên tập Báo CATP đã cử PV xác minh, làm rõ và có loạt bài điều tra, đăng kỳ đầu tiên vào ngày 31-8-2010, dẫn chứng bằng kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an: "Công ty HP không chiếm đoạt tiền của CPL". Đồng thời, Báo CATP đã điểm trúng "huyệt" của CPL cùng Công ty mẹ là Chuangs Consortium International Limited (Công ty "Chuangs") đã "đánh lận con đen" để trục lợi hàng chục triệu USD từ dự án của HP.
Trăn trở với vùng đất nghèo…
Qua tìm hiểu của PV, nữ doanh nhân Trần Thị Việt Thanh là con của Mẹ Việt Nam anh hùng. Cha của bà là cán bộ lão thành, nguyên Phó Chủ nhiệm Thanh tra TP.HCM và hai ông bà đều là cựu tù Côn Đảo, có hai con trai (anh của bà Thanh) là liệt sĩ. Bà Thanh cũng từng là cán bộ nhà nước. Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1990, bà bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.
Ngược thời gian gần 20 năm về trước, khi đó, nữ doanh nhân đang ăn nên làm ra ở khu vực miền Đông Nam bộ. Bất ngờ, bà chuyển hướng về tỉnh Long An, dồn hết tâm huyết để đầu tư Dự án "Khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa" (gọi tắt "Dự án") quy mô gần 500ha đất (5 triệu m2), trải rộng trên địa bàn hai xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ, thuộc H.Đức Hòa. Trong đó, giai đoạn I triển khai "Khu dân cư cao cấp" (trước đây có tên "Khu đô thị mới Hồng Phát"), được UBND tỉnh Long An giao đất ngày 11-7-2005 với 273 ha (2,73 triệu m2).
Nữ doanh nhân nêu lý do khiến bà chọn tỉnh Long An để đầu tư: "Tôi rất yêu mến, quý trọng sự bình dị, nghĩa tình cũng như sự hy sinh của người dân Long An. Vào những năm đầu thế kỷ 21, dù giáp ranh với TPHCM nhưng Long An vẫn chậm phát triển so với hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nhiều gia đình ở hai xã vùng Dự án (giáp H.Củ Chi, TPHCM) cuộc sống vẫn còn khó khăn. Công ty HP kỳ vọng sẽ biến vùng đất bưng trũng, hoang hoá, thành một khu đô thị hiện đại cùng với một trường đua ngựa lớn nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án hoàn thành không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo diện mạo mới cho tỉnh Long An mà còn tạo thêm công ăn việc làm, mở ra cơ hội cho người dân nghèo...".
Trên tinh thần chia sẻ cộng đồng, khi mới về Long An triển khai dự án, dù chưa có lợi nhuận nhưng khi UBND tỉnh Long An mở cuộc vận động, bà ủng hộ ngay 1 tỷ đồng để tỉnh chăm lo cho bà con nghèo, gia đình chính sách... Suốt hơn 20 năm qua, chỉ riêng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết mà nữ doanh nhân tặng đã gần 300 căn (riêng nhà tình nghĩa 140 căn) tại nhiều địa phương, trong đó tỉnh Long An chiếm số lượng lớn nhất.
"Saigon beverly hills" ở… Long An (!)
Nhận thấy dự án có quy mô rất lớn, mang tính khả thi cao, nằm vị trí đắc địa nên nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn hợp tác với Công ty HP để cùng triển khai. Qua giới thiệu của ông chủ một tập đoàn kinh tế đa quốc gia, Công ty HP đã chọn CPL và Công ty mẹ Chuangs làm đối tác.
Sau khi thảo luận, đàm phán, ngày 1-6-2007, đại diện Công ty Hồng Phát và CPL cùng ký "Thỏa thuận khung" (TTK), xác định tổng số vốn đầu tư ban đầu cho Dự án là 140 triệu USD. Hai công ty dự định ký kết một hợp đồng, thành lập "Công ty liên doanh" với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Công ty HP góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ); CPL góp 70% bằng tiền mặt. CPL sẽ tạm ứng 15 triệu USD để trả cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp QSDĐ. Trong số 15 triệu USD, CPL chấp thuận cho chủ đầu tư tuỳ nghi sử dụng 2 triệu USD. Khoản tạm ứng này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập Công ty liên doanh.
Vừa ký TTK thì phía CPL đã liên tục vi phạm có hệ thống. Cụ thể:
Thứ nhất, tại Điều 4.1 và 4.2 của TTK xác định rõ thời gian CPL phải chuyển số tiền tạm ứng 15 triệu USD, chia thành 2 đợt. Trong đó, đợt đầu là 9 triệu USD, CPL phải chuyển toàn bộ vào tài khoản của Trung tâm Dịch vụ tư vấn Nhà đất tỉnh Long An (gọi tắt "Trung tâm") trước 12-6-2007. Đợt 2, CPL chuyển 6 triệu USD còn lại vào Trung tâm trước ngày 30-6-2007. Thực tế, mãi đến cuối tháng 2-2008, CPL mới chuyển đủ khoản tạm ứng 15 triệu USD và hơn 600.000 USD chi phí cho công tác rà phá bom mìn, lập quy hoạch 1/2000...
Ý kiến bạn đọc