“Sài Gòn độc bản” và những điều chưa biết

Chủ nhật - 08/03/2015 14:27
Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM đã đi qua, nhưng có lẽ dư âm sẽ còn đọng lại mãi. Điểm nhấn của Ngày Thơ không nằm ở sân khấu hoành tráng, hay sự trang trí nhiều màu sắc ở các lều thơ, những chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu... mà đó chính là "Sài Gòn độc bản". Chiếm một góc rất nhỏ trong khuôn viên Hội Nhà văn TP, nhưng "Sài Gòn độc bản" đã tạo được sự chú ý, tò mò về cuốn thơ có một không hai này. Sau đây là những câu chuyện chưa biết về "Sài Gòn độc bản".
Các nhà thơ trẻ bên cuốn thơ "Sài Gòn độc bản"
Các nhà thơ trẻ bên cuốn thơ "Sài Gòn độc bản"
Sài Gòn độc bản được ra đời từ bàn tay khuyết tật 

Sài Gòn độc bản ra đời bắt nguồn từ ý tưởng của một nhóm cây bút trẻ trong Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM. Mục đích chính của tập thơ là bán đấu giá lấy tiền để hỗ trợ các cây bút trẻ có năng lực nhưng khó khăn về kinh tế có thêm kinh phí để xuất bản sách. 
Người tuyển chọn tác phẩm đưa vào Sài Gòn độc bản là nhà thơ trẻ Hạnh Ngộ, thiết kế và trình bày là nhà thơ Vương Chi Lan.

Cuốn Sài Gòn độc bản được trưng bày tại gian thơ trẻ


Nhà thơ Ngô Thị Hạnh - người biên tập và tuyển chọn thơ cho Sài Gòn độc bản
Nhìn cuốn sách được thiết kế công phu mỹ thuật rất trang trọng. Mỗi bài thơ được lồng ghép hình ảnh từng góc phố thân quen của Sài Gòn trên khổ lớn 35x55cm ít ai nghĩ rằng Sài Gòn độc bản được thiết kế hoàn toàn thủ công bởi bàn tay khuyết tật của nữ nhà thơ Vương Chi Lan.
Nhà thơ Vương Chi Lan cho biết: Tôi hân hạnh được Hội Nhà văn TP.HCM giao phụ trách thực hiện thiết kế cuốn thơ Sài Gòn độc bản - 40 năm lớn lên cùng Thành Phố. Bên cạnh cái vinh dự đó đồng thời gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề không đơn giản, trong vòng 4 ngày phải có sách để triển lãm và bán đấu giá trong Ngày Thơ VN tại Sài Gòn cho sân thơ trẻ TP.HCM”.


Nhà thơ Vương Chi Lan bên cuốn Sài Gòn độc bản
Do thời gian thực hiên quá ngắn. Vương Chi Lan đã làm việc không ngừng nghỉ trong ba ngày ròng rã thức trắng hai đêm một mình lặng lẽ giữa khuya thiết kế và dàn trang cho xong nội dung cuốn thơ Sài Gòn độc bản. Sáng ngày 3/3 sách được Vương Chi Lan in ruột. Đêm ngày 3/3 Vương Chi Lan thức suốt đêm cắt dán và mài từng chi tiết của cuốn sách. Do thức suốt đêm và bàn tay khuyết tật của chị yếu và rất mỏi nên cắt bị lệch ba tấm của sáu trang đầu trong cuốn sách nên buộc lòng phải làm lại cho hoàn chỉnh. Cứ như thế bàn tay khuyết tật chị dù rất đau đớn nhưng vẫn miệt mài, thắp lên cho mình, cho người khác ngọn lửa sống, sáng tạo và cống hiến bằng một tình cảm nồng thắm dành cho Sài Gòn độc bản, cho đứa con tinh thần của 40 tác giả trẻ một cách miệt mài quên cả thời gian.
Cuốn thơ được hoàn thành lúc 18g ngày 14 tháng giêng (4/3/2015), cách một giờ trước buổi khai mạc.
Nhà thơ Vương Chi Lan tâm sự: “Tôi thật vui và hân hạnh cùng với các bạn Sân thơ trẻ cùng 39 đồng tác giả có được một tác phẩm thơ Sài Gòn độc bản đẹp như mong đợi. 40 tác giả hòa cùng nhịp vào cuộc sống ở Sài Gòn. Mỗi người trẻ có một góc nhìn về thành phố gắn với cuộc sống mình, tạo thành nét đẹp tinh thần nhiều màu sắc. Những góc nhìn mới lạ, sự phát hiện đổi thay từng ngày… và tiếng nói nội tâm của mỗi tác giả trẻ về Sài Gòn thể hiện qua thơ theo cảm xúc nhiều cung bậc. 40 nhà thơ trẻ gửi gắm vào tập thơ này một tình yêu chân thành khao khát, tập thơ là một kỷ vật đáng yêu của 40 tác giả được thiết kế công phu và dễ thương đến lạ”.


Vương Chi Lan ký tên vào Sài Gòn độc bản
Nhà thơ Vương Chi Lan tên thật là Vương Thiên Nga, sinh năm 1976, quê quán ở Quảng Nam, lớn lên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Chị là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM từ năm 2013. Do bị nhiễm chất độc da cam khi sinh ra bàn tay phải của chị bị dị tật, bàn tay trái cũng bị biến dạng. Bằng nghị lực phi thường của mình chị đã vượt lên rất nhiều cản trở để thành một nữ giám đốc, một nhà thơ góp tiếng nói của mình vào dòng chảy văn học rất sôi động tại TP.HCM và tạo nhiều công ăn việc làm cho những người đồng cảnh ngộ.
 
Có gì trong Sài Gòn độc bản 
 
Là tập sách duy nhất và đầu tiên có trong Ngày Thơ VN từ trước đến nay của Sân thơ trẻ thuộc Ban Nhà văn trẻ TP.HCM thực hiện dành tặng Sài Gòn nhân kỷ niệm 40 năm lớn lên cùng thành phố. Tập thơ hội tụ 40 nhà thơ trẻ, cây viết trẻ có năm sinh từ 1975 đến 1993. Góc nhìn của người trẻ viết về thành phố thời bình, những góc phố thân quen, những câu chuyện tình hay những trăn trở của người trẻ về thành phố mình đang sống và đang hàm ơn… Nói như cách nói của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu: "Đây là tập thơ hoàn toàn yên bình không có tiếng súng bởi những tác giả sinh ra và lớn lên trong thời bình. Toàn bộ tập thơ chỉ có những suy nghĩ trăn trở hay những lời than thở về cuộc sống về tình yêu của họ qua những góc nhìn khác nhau của họ về Sài Gòn”.


Bìa trước sách Sài Gòn độc bản
Sài Gòn độc bản tuyển chọn 40 bài thơ của các tác giả: Trần Lê Sơn Ý, Ly Hoàng Ly, Trương Gia Hòa, Lê Thiếu Nhơn, Phùng Hiệu, Trần Hoàng Nhân, Đồng Chuông Tử, Hoa Níp, Kiều Maily, Ngô Thúy Nga, Ngô Liêm Khoan, Hạnh Ngộ, Vương Chi Lan, Nguyệt Phạm, Chiêu Anh Nguyễn, Khương Hà Bùi, Lê Thùy Vân, Minh Đan, Tiểu Quyên, Thục Linh, Miên Du, Anh Khang, Ngọc Anh, Lê Văn Lâm, Nguyễn Phong Việt, Đào Lê Na, Trần Ngọc Khánh Dư, Sâm Cầm, Hồ Huy Sơn, Nguyễn Thị Bích Phụng, Song May, Trần Võ Thành Văn, Bùi Tuyết Nhung, Phạm Phương Lan, Trần Huy Minh Phương, Phương Huyền, Thanh Bình Nguyên, Nồng Nàn Phố, Tiểu Châu, Tiểu Vũ.


Từ trái sang: các nhà thơ trẻ Tiểu Quyên, Minh Đan, Trần Lê Minh Phương, Phùng Hiệu, Hạnh Ngộ
40 bài thơ như 40 bức tranh với những gam màu sáng tối về một Sài Gòn sáng nắng chiều mưa, đến đi bất chợt, nhưng để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trong lòng người trẻ hôm nay. Họ đã gởi gửi gắm những góc nhìn Sài Gòn mộc mạc mà chứa chan yêu thương. Đó là những tâm sự của đôi lứa yêu nhau, của cô hàng quán ở góc công viên, chị lao công quét rác bên đường, anh công nhân trên công trường cùng những trăn  trở trong mưu sinh về tình yêu, về cuộc sống của chính bản thân họ. Đọc Sài Gòn độc bản của người làm thơ trẻ ta hiểu thêm về những phận người, phận đời qua lăng kính đa chiều của họ và ta cũng hiểu thêm thế hệ trẻ nghĩ gì. 


Vương Chi Lan, Minh Đan, Hạnh Ngộ, Miên Du


"Có thể Sài Gòn độc bản không là đại diện cho tất cả, nhưng là một góc nhìn, một tiếng nói qua thơ mà hiển diện. Với tình yêu Sài Gòn - nơi dung dưỡng ước mơ hoài bão của bao nhiêu thế hệ. Nơi chấp nhận tất cả những cá tính để sống chung chan hòa và mạnh mẽ. Những người viết trẻ đã gửi gắm vào tập thơ này bằng một tình yêu chân thành và khao khát của mình, hoặc chỉ là kỷ vật đáng yêu của người làm thơ được thiết kế mộc mạc và dễ thương" (Trích: Lời ngỏ - Sài Gòn độc bản)
Sài gòn của họ có gì ? Đó có thể chỉ là:
Tiếng quét rác dưới đường Trần Quang Diệu quận ba
lập trình lại cho trái tim đập hiền hòa
em khóc vì người hát rong bên đường phố
làm việc ở Sài Thành không cần nữa cả thói quen?
mỗi ngày mỗi khác
quán vỉa hè toang hoác những vào ra
chút tình quê hững hờ rơi vãi
em nhặt vào thơ…
(Mánh khóe của trái tim – Tác giả: Hạnh Ngộ)
 
Hay những cái nhìn rất thật về một Sài Gòn náo nhiệt phồn hoa nhưng đầy những bất an:
Sài Gòn chiều nắng rớt bên hiên
Bao ảo vọng phồn hoa
Chợt đến chợt đi rồi tan biến 
Góc công viên run run nhìn gã nghiện 
Ngồi co ro hình như đang suy nghĩ cách kiếm tiền
(Sài Gòn “2 in 1” – Tác giả: Tiểu Vũ)
 
Dù là người tứ xứ tụ về Sài Gòn nương náu, nhưng với họ Sài Gòn luôn có những điều rất đổi yêu thương:
Ai yêu Sài Gòn sẽ không thể dửng dưng
mắt phố đa đoan
chớm cười chợt khóc
như tình yêu em
anh
khó nhọc
mới thành.
(Sài Gòn chớm Hạ - Tác giả Nguyễn Đăng Thành)

Và rất nhiều những dòng thơ khác nữa được tuyển chọn đưa vào Sài Gòn độc bản.

Sài Gòn độc bản và cuộc đấu giá mang đậm tình thơ tình người nhưng...buồn
 
Chiều ngày 5/3 tại sân khấu chính của của hội thơ, Sài Gòn độc bản được đem ra đấu giá dưới sự chứng kiến của nhiều người yêu thơ và các nhà thơ trẻ. Trước khi cuốn thơ sắp về chủ mới, những nhà thơ góp mặt trong Sài Gòn độc bản tranh thủ để lại dấu tích của mình bằng những chữ ký dưới mỗi bài thơ của mình với nhiều tâm trạng khác nhau.


Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu đang ký tên vào Sài Gòn Độc bản
Nhà thơ trẻ Tiểu Quyên ao ước: "Ước gì có một Mạnh Thường Quân nào đó mua cuốn thơ này rồi tặng lại cho các bạn có thơ in trong tập này để chúng ta lưu giữ và có cơ hội nhìn lại nhưng vẫn có tiền giúp đỡ các bạn thơ khác xuất bản sách".
Nhà thơ trẻ Hạnh Ngộ tâm sự: “Dù rất luyết tiếc tác phẩm duy nhất và không có nhiều cơ hội để nhìn lại nhưng mình rất mong cuốn thơ được những nhà hão tâm mua với giá cao để có thể hỗ trợ được nhiều nhà thơ trẻ có cơ hội được in sách”.
Mặc dù Sài Gòn độc bản gây sự chú ý trong hội thơ nhưng có một điều rất khác lạ. Buổi đấu giá Sài Gòn độc bản diễn ra khá trầm lặng. Giá khởi điểm của tập thơ chỉ 19,5 triệu (số tiền vừa đủ xuất bản 2 tập sách). Ban Văn trẻ cũng đã làm nhiều cách để thu hút các mạnh thường quân nhưng suốt thời gian đấu giá chỉ có hai cánh tay giơ lên. Cánh tay của hai người làm thơ và yêu thơ. Một là lão nhà thơ của thế hệ trước và một của nhà thơ trẻ thế hệ 7x cũng là người có tác phẩm trong Sài Gòn độc bản.
Sau phần đấu giá chan chứa tình thơ "tay đôi" giữa nhà thơ trẻ Phùng Hiệu (sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, hiện đang công tác tại báo Nhà Báo & Công Luận) và nữ nhà thơ lão thành Thanh Sử như là một sự cứu cánh cho bản thơ độc đáo và đầy công phu này.
Cuối cùng Sài Gòn độc bản thuộc về lão nhà thơ Thanh Sử với giá 22 triều đồng.


Nhà thơ Thanh Sử trong buổi đấu giá
Nhà thơ Thanh Sử cho biết bà quyết định mua cuốn thơ với mục đích ủng hộ những tài năng trẻ dám dấn thân vào con đường nghệ thuật thơ dù còn rất nhiều khó khăn trong việc mưu sinh. “Tôi nhận thấy rằng có nhiều người in đến ba bốn tập thơ, trong khi có người làm thơ mà không đủ điều kiện để in dù chỉ một cuốn. Tôi quyết định mua tập thơ này là để giữ ngọn lửa và tình yêu văn chương trong lòng các cháu. Dân tộc VN là dân tộc yêu thơ và thơ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chúng ta”.
Nhà thơ Thanh Sử sinh năm 1936 tên thật là Nguyễn Thị Nữ. Ngoài làm thơ bà còn là một lương y chữa bệnh cho mọi người theo phương pháp y học dân tộc. Hiện bà cư ngụ tại địa chỉ 47/24/9 Bùi Đình Túy, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đó cũng chính là nơi lưu giữ Sài Gòn độc bản.


Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu trao Sài Gòn độc bản cho nhà thơ Thanh Sử


Niềm vui của hai thế hệ thơ


Niềm vui của nhà thơ Thanh Sử
Ngày Thơ VN lần thứ 13-2015 ở TP.HCM vẫn đó những câu chuyện để bàn luận về cách tổ chức và hình thức thể hiện, nhưng phải thừa nhận rằng Ban Nhà văn trẻ đã tạo nên một điểm nhấn bất ngờ từ cuốn thơ Sài Gòn độc bản bằng một tình yêu nồng cháy bằng thơ ca với Sài Gòn dấu yêu, nơi đã nuôi nấn dung dưỡng cho những tâm hồn thơ đầy khát vọng của thế hệ trẻ.
(Theo Một Thế Giới)
 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây