Tranh chấp 14 năm, chủ đầu tư thiệt hại nặng nề
Từ năm 2004, Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát đã được UBND tỉnh Long An cấp phép là chủ đầu tư dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa (500ha, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Ngày 1/6/2007, giữa Hồng Phát và Công ty China Policy Limited (tiết tắt CPL, thuộc vùng lãnh thổ British Vigin Islans) có ký "Thỏa thuận khung" về việc hợp tác phát triển dự án trên. Giai đoạn 1 là 273ha và giai đoạn 2 là 220ha.
Sau khi ký "Thỏa thuận khung" cùng hợp tác thực hiện dự án, mặc dù không thực hiện đăng ký thủ tục đầu tư, CPL đã chuyển 15,6 triệu USD chi phí giải phóng, đền bù, tại diện tích 273ha của giai đoạn 1.Tuy nhiên, sau đó, chi phí bồi thường phát sinh, Hồng Phát đề nghị CPL bổ sung thêm chi phí. Nhưng, CPL từ chối, kiên quyết không đổ thêm tiền… Trước nguy cơ chậm tiến độ sẽ bị chính quyền thu hồi dự án, nên chủ đầu tư Hồng Phát đã chạy vạy khắp nơi, kiếm tiền (hơn 1.000 tỷ đồng) đổ vào để duy trì dự án. Nhờ vậy, dự án không bị thu hồi và được duy trì đến tận hôm nay.
Trong khi đó, mặc dù suốt 14 năm, ngoài số tiền 15,6 triệu USD ban đầu, CPL không bỏ thêm tiền, nhưng gần đây lại đòi được chia đôi diện tích đất, trong giai đoạn 1 của dự án (273 ha). Yêu cầu không được chấp nhận, CPL khởi kiện Hồng Phát ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Bà Thái Thị Hồng Hậu – phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát – cay đắng cho biết: " Suốt 14 năm, kể từ khi ký "Thỏa thuận khung" với CPL, để giữ dự án không bị thu hồi, doanh nghiệp chúng tôi đã buộc phải vay mượn, thế chấp tài sản, mới có được cả ngàn tỷ đồng đổ vào bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng… CPL chỉ rót có 15,6 triệu USD, nhưng giờ đây khi dự án thành hình, lại đòi chia đôi dự án. Thật bất công, vô lý".
Theo Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 của VIAC: "Công ty Hồng Phát phải thực hiện tiếp tục "Thỏa thuận khung" để tuân thủ nghiêm ngặt điều 6.1 và các điều khoản khác của "Thỏa thuận khung", bao gồm thực hiện thủ tục xin phép cần thiết và có được Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh của dự án tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An như đã được thỏa thuận trong "Thỏa thuận khung"; và rằng Hồng Phát phải đóng góp quyền sử dụng đất của diện tích đất giai đoạn 1 đứng tên của Hồng Phát và Công ty liên doanh".
Oái oăm, thời điểm Hồng Phát và CPL ký "Thỏa thuận khung", hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005. Pháp luật về đầu tư tại thời điểm này có quy định về hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tại thời điểm ký "Thỏa thuận khung", công ty liên doanh giữa Hồng Phát với CPL vẫn chưa được thành lập.
Rồi sau đó, suốt 14 năm dài tranh chấp, là các giai đoạn ban hành Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021). Và đến nay, Luật Đầu tư 2020 không quy định hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Trong lúc đó, ông Alan Tong Kwok Lun – đại diện cho CPL – lại ý kiến: "CPL không còn niềm tin rằng Hồng Phát tôn trọng và tuân thủ "Thỏa thuận khung" và phán quyết của VIAC. Vì vậy, CPL đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng cho phép CPL được thực hiện dự án trên một phần diện tích đất (tương đương khoảng 130ha – PV) của diện tích đất giai đoạn 1 (270ha)…".
Theo ông Huỳnh Văn Sơn – Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Long An: Luật Đầu tư năm 2020 không quy định hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Song, với mong muốn chấm dứt tranh chấp giữa Hồng Phát và CPL, Sở KHĐT đã ra văn bản hướng dẫn 2 hình thức hợp tác thực diện dự án.
Cụ thể, tại văn bản số 2215/SKHĐT-KTĐN ngày 11/6/2021, Sở KHĐT cho rằng, Hồng Phát và CPL vẫn có thể hợp tác phát triển dự án bằng cách lựa chọn 1 trong 2 hình thức: "góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp vào tổ chức kinh tế" (nghĩa là CPL hoặc Hồng Phát góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp của nhau).
Cách thứ hai, nếu CPL đã thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, Hồng Phát thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế do CPL đã thành lập tại Việt Nam… Tuy nhiên, cả Hồng Phát lẫn CPL vẫn không đưa ra ý kiến về việc gợi ý trên của Sở KHĐT tỉnh Long An.
Trong khi đó, theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP.HCM): "Do khi ký "Thỏa thuận khung", CPL không đăng ký thủ tục đầu tư theo quy định của luật pháp Việt Nam, nên chưa phải là nhà đầu tư của dự án.
Vì vậy, phán quyết VIAC về cơ bản, không phải là căn cứ pháp lý để cơ quan đầu tư tiến hành thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư của Hồng Phát. Thủ tục thành lập công ty liên doanh thì không có quy định nào về việc phải thành lập công ty theo bản án, quyết định của tòa án, hay trọng tài.
Kinh doanh là quyền tự do của cá nhân, tổ chức nên phải xuất phát từ chính nguyện vọng, nhu cầu của cá nhân, tổ chức đó. Nên phán quyết trọng tài của VIAC yêu cầu thành lập công ty liên doanh là… đánh đố nhau, không thể thực hiện. Trớ trêu, không thành lập công ty liên doanh thì không thể thi hành được các nội dung còn lại trong phán quyết".
Không phải ngẫu nhiên mà văn bản số 2215/SKHĐT-KTĐN ngày 11/6/2021 của Sở KHĐT tỉnh Long An đã khẳng định Luật đầu tư năm 2020 không còn hình thức công ty liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này gián tiếp cho thấy phán quyết trọng tài của VIAC trong sự vụ này là không thể thực thi.
Còn muốn thực hiện dự án theo 2 hình thức mà Sở KHĐT gợi ý, bắt buộc Hồng Phát và CPL phải đồng lòng và có tiếng nói chung. Thế nhưng, dường như 2 đối tác trái ngược hoàn toàn; thậm chí căng thẳng về quan điểm suốt 14 năm tranh chấp.
Cho nên, dự án bất động sản "khủng", trị giá ngàn tỷ đồng, bị đắp chiếu suốt 14 năm qua vẫn chưa có dấu hiệu khả thi nào để hồi sinh.
(Theo Dân Việt)
Ý kiến bạn đọc