Tết Nguyên đán là thời điểm mạnh của văn hóa lễ hội người Việt. Truyền thống Tết Nguyên đán thường kéo dài từ khoảng 20 tháng Chạp cho tới mùng 10 tháng Giêng với nhiều lễ nghi, tục lệ, sinh hoạt đan xen với nhau rất phong phú và đa dạng.
Không khí tết, có lẽ bắt đầu từ những ngày giáp năm, khi mà các chợ tết rộn rịp dần lên khác hẵn ngày thường, hàng hóa được đổ về các chợ để bày bán nhiều hơn, dòng người đi chơi, đi xem, đi mua sắm tết cũng càng lúc càng hối hả, tập nập hơn.
Với quan niệm:
* Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, hưởng lộc cầu no đủ, sung túc và hết khổ cực. Cho nên để không phải tất bật làm việc nhiều trong dịp tết, người ta thường mua sắm, chế biến, chuẩn bị trước đủ đầy các loại đồ ăn, thức uống để cúng kiến tổ tiên, để dùng cho gia đình hay để tiếp đãi khách trong những ngày đầu năm.
* Tết là dịp mừng năm mới, cầu cái mới nên cái gì cũng phải mới và đẹp. Cho nên người ta thường mua sắm nhiều vật phẩm có màu sắc, kiểu dáng đẹp, có ý nghĩa may mắn, tốt lành để trang hoàng nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, mồ mả ông bà, hay sắm quần áo mới…
Mua sắm lương thực, thực phẩm để ăn uống đáp ứng nhu cầu vật chất, mua sắm vật phẩm trang trí, làm đẹp đáp ứng nhu cầu tinh thần, đó chính là hai nhu cầu cốt lõi của đời sống con người, lại trùng vào thời điểm mạnh là dịp “ăn, chơi tết” nên nó trở thành một nhu cầu tất yếu rất lớn trong những ngày cuối năm.
Theo đó, từ làng quê cho tới chốn đô hội, từ miền núi cao cho tới hải đảo xa xôi đâu đâu cũng xuất hiện những chợ tết rộn rịp vào những ngày cuối năm. Phiên chợ cuối năm là một sinh hoạt văn hóa độc đáo, đã thành thông lệ đẹp trong chuỗi hoạt động của Tết Nguyên đán.
Chợ cuối năm không chỉ là nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán các nhu yếu phẩm thông dụng như hàng ngày thường thấy; mà nó đã trở thành một cuộc hội xuân khởi đầu cho Tết Nguyên đán; bày ra một không gian văn hóa Tết Việt với khung cảnh rực rỡ màu sắc của đa dạng các loại hàng hóa; hòa cùng âm thanh náo nhiệt của tiếng rao, tiếng nói, tiếng cười của người mua kẻ bán; dòng người thì cứ nối tiếp nhau ngược xuôi, đông vui, tấp nập từ sớm sáng tinh mơ cho tới muộn chiều giáp tối.
Chợ tết với đa dạng các mặt hàng, phong phú các chủng loại xuất xứ và linh hoạt về giá cả. Cuộc mua bán được tiến hành trong thế ứng xử kiểu thuận mua vừa bán; vừa bán vừa cho; vừa mua vừa chúc… Cứ thế mà chợ tết có thể đáp ứng cho hầu hết nhu cầu mua sắm cuối năm của đa loại khách hàng, bất kể hèn sang.
Lẽ vậy, nên từ bao đời nay, người Việt ai cũng mặn mà, tha thiết với chợ tết, trông cho tới cuối năm để được đi chợ tết, để được mua được bán, được nói được cười, được nhận được cho, được cầu được chúc… Thế ứng xử nhân ái, nghĩa tình đó đã làm cho chợ tết cuối năm trở thành một sinh hoạt văn hóa thấm đượm tinh thần nhân ái của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về.
Tiến sĩ TRỊNH ĐĂNG KHOA