Triển lãm Gốm Atlantis và Họa tại Bảo tàng Mỹ thuật
Chủ nhật - 10/03/2024 15:19
'Gốm Atlantis và Họa' là triển lãm đặc biệt của 3 tác giả: Nhà giáo Ưu tú - Họa sĩ Lê Đàn (Nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật TP.HCM), Họa sĩ Trần Chí Lý và Họa sĩ Võ Văn Việt vừa được khai mạc chiều 9/3/2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Cả ba đều là cựu sinh viên, giáo viên xuất thân từ trường mỹ thuật và vẫn giữ lửa đam mê sáng tạo cháy bỏng đến hiện tại. Cả ba họa sĩ đang cùng thực hành nghệ thuật tại studio Vườn Art.
Triển lãm giới thiệu 146 tác phẩm Gốm và Họa, gồm 106 tác phẩm gốm atlantic và pandora cùng 40 tác phẩm hội họa sơn dầu và acrylic, được ba họa sĩ sáng tác trong hơn một năm qua.
Cuộc hội ngộ của ba họa sĩ là một cơ duyên đặc biệt trong nghệ thuật. Mỗi người một gia đình, một nơi chốn và công việc riêng, nhưng đã gặp nhau ở tâm hồn đồng điệu, cùng hướng về cái đẹp với tất cả cảm xúc và nhiệt thành. Sự hội tụ này không chỉ khiến không gian nghệ thuật của phòng triển lãm thêm phong phú và đa dạng, mà còn nổi bật nét thi vị bởi sự kết hợp của Gốm và Họa.
Gốm Atlantic là dòng gốm độc đáo không phải do ba họa sĩ đặt tên, mà được chính khách hàng quốc tế yêu thích dàng tặng bởi bề mặt matière đầy hiệu ứng như những hiện vật cổ trong những chiếc tàu đắm trên vùng biển Đại Tây Dương. Gốm Pandora gây ấn tượng bởi nét đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát của màu sắc và chất men lung linh, tiềm ẩn và mềm mại như vẻ đẹp của người thiếu nữ...
Ngoài vẻ đẹp tạo hình, các tác phẩm Gốm này còn đòi hỏi kỹ thuật phải rất nghiêm ngặt và đúng quy trình, đặc biệt là kỹ thuật 2 lần nung thủ công bằng củi ở nhiệt độ cao khoảng 1000 độ C. Đây là yêu cầu khắt khe vì ở nhiệt độ cao tác phẩm sẽ dễ vỡ hoặc không như ý, phải sáng tác rất nhiều nhưng sau khi nung đôi khi chỉ được một tác phẩm, không thể đạt được với những ai không tâm huyết và thiếu nghị lực.
Họa sĩ Lê Đàn mang đến chất sơn dầu đầy nhiệt huyết, lúc mạnh mẽ, dứt khoát, khi lại nhẹ nhàng, êm ái. Họa sĩ Trần Chí Lý có lối tạo hình rõ ràng, mạch lạc với các mảng, nét và màu được bố cục một cách chặt chẽ và độ tương phản mạnh.
Gốm và Họa là sự kết hợp tưởng chừng không khớp nhưng lại mang đến giai điệu hài hòa cho triển lãm. Điều này có lẽ nằm ở chính các tác giả vừa vẽ tranh vừa sáng tác gốm, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Một cảm xúc, hai chất liệu; hai chất liệu nhưng cùng một câu chuyện. Đó là câu chuyện về cuộc đời, về những trải nghiệm mà chính các tác giả đã đi qua, và khiến người xem đồng cảm vì thấy mình trong đó.
Triển lãm độc đáo này còn được xem như một nghĩa cử thể hiện trách nhiệm và tâm huyết với nghề của các thế hệ giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM trong việc tiếp nối mỹ thuật truyền thống và truyền lửa đam mê cho các sinh viên, làm giàu đẹp thêm vốn nghệ thuật dân tộc.