Khai sinh giả cho người đã… tử
Kèm tài liệu, cụ Trần Thị Ngọc Thanh trình bày: Năm 1963, cụ được lãnh đạo Ban An ninh T4 phân công hoạt động nội thành, bố trí đến nhà thuốc số 866-868 (nay là số 722-724 Điện Biên Phủ – (ĐBP) P10Q10), do cụ Bùi Hữu Ngự làm chủ. Địa điểm này là nơi giao nhận tài liệu bí mật của Khu ủy Sài Gòn – Gia định. Để tạo vỏ bọc hợp pháp, cụ trong vai vợ cụ Ngự. Quá trình hoạt động, hai cụ phát sinh tình cảm, rồi chung sống với nhau từ năm 1963.
Văn bản chứng nhận ngày 23-12-1983 của Công an TPHCM, nêu rõ: “Trong thời gian từ năm 1963 – 1975, lãnh đạo Ban An ninh T4 chấp nhận cho chị Trần Thị Ngọc Thanh dùng nhà thuốc 866 – 868 của ông Bùi Hữu Ngự làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt và giao, nhận tài liệu bí mật. Đề nghị chính quyền địa phương các cấp quan tâm, giúp đỡ gia đình ông Ngự”. Với những đóng góp cho cách mạng, năm 1984, cụ Thanh được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất.
Cụ Thanh nhớ lại: Quá trình chung sống, với vai trò người vợ, cụ hết lòng chăm lo cho cụ Ngự. Năm 1985, cụ Ngự qua đời, một mình cụ lo tang lễ, chôn cất, thờ cúng cho đến nay. Năm 1979, cụ Ngự đưa một cậu bé từ Vũng Tàu về ở tại căn nhà 722-724 ĐBP, giới thiệu là con trai của mình tên Bùi Hữu Đức (SN 1966), nhưng không nói người mẹ là ai. Sống chung một nhà, cụ luôn xem Đức như con ruột của mình, lo thủ tục nhập hộ khẩu, chăm sóc, ăn học. Đến khi ông Đức lâm bệnh, nhập viện, qua đời ngày 30-9-2013, cụ cũng là người trực tiếp và duy nhất lo cho Đức, rồi thờ cúng cùng với cụ Ngự.
Cụ Thanh bày tỏ: “Tình cảm giữa tôi và cháu Đức thật sự là “tình mẹ con”, chăm sóc yêu thương lẫn nhau. Vì thế nên trước khi qua đời, cháu Đức đã làm di chúc cho tôi được thừa hưởng căn nhà 722-724 ĐBP. Rắc rối phát sinh ngay sau khi Đức qua đời, tất cả đều nhắm đến căn nhà này”.
Sau khi ông Bùi Hữu Đức mất, bà Võ Thị Cảnh (VO CANH THI, SN 1928, Việt kiều Mỹ) đứng ra nhận ông Đức là con ruột của mình để “khai nhận di sản thừa kế” căn nhà 722-724 ĐBP. Chứng cứ quan trọng nhất mà cụ bà Việt kiều trưng ra là giấy khai sinh được cấp lại ngày 08-5-2010, nội dung: “Bùi Hữu Đức sinh ngày 05-02-1966, tại Bệnh viện Ninh Kiều, Cần Thơ; cha Bùi Hữu Ngữ (SN 1929, nơi thường trú “Quân Nhân”), mẹ Võ Thị Cảnh (SN 1928, nơi thường trú 110 Lò Hột, TX.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Nơi đăng ký: Ủy ban hành chánh tỉnh Trà Vinh; ngày, tháng, năm đăng ký: 16-02-1966. Người đi khai sinh: Nguyễn Huân. Ngày cấp lại bản chính 08-5-2010, người ký cấp Nguyễn Công Tài – P.Tư pháp T.Trà Vinh.
Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết đây là giấy khai sinh được làm giả mạo. Thứ nhất, ở tỉnh Trà Vinh không tồn tại cơ quan hay cán bộ giữ chức vụ “P.Tư pháp T.Trà Vinh” để ký, cấp giấy khai sinh. Thứ hai, cha của ông Đức tên Bùi Hữu Ngự, không phải Bùi Hữu Ngữ. Thứ ba, ở Việt Nam không tồn tại địa chỉ “Quân nhân”. Ngoài ra, còn nhiều tài liệu xác thực chứng minh giấy khai sinh trên là giả mạo. Trong số này có tờ “Thế vì khai sinh” của ông Đức lập ngày 06-12-1972, do cụ Ngự làm đơn xin (do giấy khai sinh đã bị thất lạc). Bản chính tờ Thế vì khai sinh” do cụ Thanh lưu giữ, xác định rõ: “Bùi Hữu Đức sinh ngày 05-02-1966 tại xã Trường Long, quận Thuận Nhơn, tỉnh Phong Dinh (nay là TP.Cần Thơ), là con của Bùi Hữu Ngự và Nguyễn Thị Cảnh (mất tích)”. Như vậy, mẹ ông Đức không phải “Võ Thị Cảnh” mà là Nguyễn Thị Cảnh đã mất tích từ hơn nửa thế kỷ trước (!).
Căn nhà 722-724 Điện Biên Phủ
Mọi thứ đã ngã ngũ khi Trưởng phòng Tư pháp TP.Trà Vinh Dương Tài Năng, khẳng định: “Giấy khai sinh cấp lại ngày 08-5-2010 mang tên Bùi Hữu Đức sinh ngày 05-02-1966, cha Bùi Hữu Ngữ, mẹ Võ Thị Cảnh, là giả mạo”. Giấy khai sinh được làm giả rất lộ liễu nhưng dễ dàng qua mắt Phòng Công chứng số 4, TPHCM. Công chứng viên Nguyễn Kim Chi căn cứ giấy khai sinh giả để chứng nhận văn bản “khai nhận di sản thừa kế” số 48954 ngày 28-11-2013 cho cụ Cảnh, dẫn đến tố cáo của cụ Thanh.
Tại buổi làm việc ngày 19-6-2014 với cụ Thanh, Phó trưởng phòng Phòng Công chứng số 4 Hoàng Trọng Nghĩa xác định: Theo hồ sơ khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng viên chứng nhận thì người yêu cầu công chứng là cụ Võ Thị Cảnh, do bà Lê Thị Bạch Yến Hương làm đại diện, theo văn bản ủy quyền cũng do Phòng Công chứng số 4 chứng nhận ngày 04-11-2013. Bà Hương đã xuất trình giấy khai sinh của ông Bùi Hữu Đức thể hiện mẹ là Võ Thị Cảnh chứ không phải Nguyễn Thị Cảnh.
Văn bản “khai nhận di sản thừa kế” nêu trên được niêm yết tại UBND P10Q10 từ ngày 13-11-2013, trong thời hạn 15 ngày, không nhận được khiếu nại tố cáo nào thì Phòng Công chứng số 4 đã tiến hành chứng nhận. Như vậy, về trình tự thủ tục, công chứng viên đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp cụ Thanh có cơ sở cho rằng cụ Cảnh đã làm giả bản khai sinh của ông Đức thì liên hệ với cơ quan công an để tố cáo hành vi “sử dụng giấy tờ, tài liệu giả”.
Kiện đòi người chết 9,5 ký vàng (?!)
Cụ Thanh có đơn tố cáo cụ Cảnh cùng một số người liên quan đã có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước. Không thể chối cãi, cụ Cảnh thừa nhận giấy khai sinh Bùi Hữu Đức là giả và lý giải: Cụ giao cho dịch vụ hợp thức hóa một căn nhà ở Q.Bình Thạnh; phía dịch vụ đã tự làm giả giấy khai sinh của ông Đức chứ cụ không biết (?!).
Đã là mẹ con ruột thì mãi mãi là tình mẫu tử thiêng liêng, hà cớ gì lại “bùa phép” giấy khai sinh giả? Cụ Cảnh không thừa nhận làm giả nhưng không thể nào chối bỏ việc đưa giấy khai sinh giả cho bà Hương mang đến Phòng Công chứng số 4 để khai thừa kế. Đây rõ ràng là hành vi “sử dụng giấy tờ, tài liệu giả” mang tính cố ý, cụ Thanh phản ứng.
Cho đến nay, vụ giả mạo này vẫn chưa được làm rõ, xử lý. Trong khi đó, dù đã “đoàn tụ ông bà” nhưng ông Đức liên tục được réo tên trong 3 vụ kiện đều do TAND quận Bình Thạnh, TPHCM thụ lý.
Giấy khai sinh ông Bùi Hữu Đức được kết luận giả mạo
Vụ kiện thứ nhất: Nguyên đơn Võ Thị Phước (SN 1927, chị ruột cụ Cảnh, ngụ thôn 3, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) kiện cụ Cảnh đòi “tiền công nuôi dưỡng ông Đức” được TAND Q.Bình Thạnh thụ lý ngày 23-4-2014. Đến ngày 26-6-2014, thẩm phán Vũ Đức Toàn ký Quyết định số 595/2014/QĐ-HNGĐ ngày 26-6-2014 “công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”, nội dung: Cụ Cảnh là mẹ ông Bùi Hữu Đức. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bà Võ Thị Cảnh có trách nhiệm liên hệ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm khai sinh theo quy định của pháp luật. Cụ Cảnh thanh toán cho cụ Phước 200 triệu đồng “tiền công nuôi dưỡng cháu Bùi Hữu Đức khi còn nhỏ”. Các bên đã thi hành xong nghĩa vụ.
Ngày 16-2-2016, cụ Phước đã làm “tờ cam kết”, khẳng định: “Tôi không biết và cũng không liên quan đến việc bà Võ Thị Cảnh làm thủ tục nhận con là ông Bùi Hữu Đức”. Tờ cam kết được Trưởng Công an xã Đức Phú Nguyễn Văn Lợi ký xác nhận.
Vụ kiện thứ hai: Cụ Cảnh bị ông Nguyễn Văn Hải (SN 1959, ngụ xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) khởi kiện ngày 21-4-2014, đòi nợ 2 tỷ đồng. Còn ông Bùi Hữu Đức bị con gái cụ Cảnh là bà Lam Loan Nguyen (SN 1956, địa chỉ 8765 Brooke Ave Wesminster CA, USA – Hoa Kỳ) khởi kiện, đòi 254 lượng vàng SJC (hơn 9,5kg).
Cả 2 vụ đòi nợ này được TAND Q.Bình Thạnh gom thành một, thụ lý ngày 25-4-2014. Thẩm phán Nguyễn Thanh Vân (được phân công giải quyết vụ án), đưa ông Hải thành nguyên đơn; cụ Cảnh là bị đơn. Bà Lam Loan Nguyen cũng là người khởi kiện nhưng được thẩm phán Vân đưa vào diện “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Cụ Trần Thị Ngọc Thanh và một số thành viên trong gia đình được thẩm phán Vân đưa vào vụ án với tư cách giống bà Lam Loan Nguyen.
Vụ kiện được TAND Q.Bình Thạnh tuyên bản án sơ thẩm ngày 19-01-2016 và TAND TPHCM tuyên bản án phúc thẩm ngày 21-11-2017.
Vụ kiện thứ ba: Năm 2019 cụ Võ Thị Cảnh lúc này đã 91 tuổi mới có đơn đề nghị xác định ông Bùi Hữu Đức là con ruột của cụ. TAND Q.Bình Thạnh thụ lý ngày 18-3-2019, đến ngày 11-4-2019, thẩm phán Nguyễn Viết Xuân ký Quyết định số 529/2019/QĐST-VHNGĐ công nhận cụ Cảnh là mẹ ruột ông Đức. Quyết định này cũng bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy vào ngày 25-1-2021…
(Theo Công An TP HCM)
Ý kiến bạn đọc