Nhà văn Đoàn Giỏi qua ký ức của HS Đoàn Việt Tiến
Thứ hai - 23/10/2023 14:21
Thời gian gần đây những thông tin về bộ phim điện ảnh 'Đất rừng phương Nam' đang gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Phần lớn các tranh luận đề cập đến yếu tố lịch sử hay nói về đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất mà ít đề cập đến nhà văn Đoàn Giỏi, cha để của tác phẩm văn học 'Đất rừng phương Nam'.
Mới đây, tôi tình cờ gặp Họa sĩ - Kỷ lục gia Thế giới Đoàn Việt Tiến và biết anh chính là cháu ruột của nhà văn Đoàn Giỏi. Thế là tôi liền hỏi thêm những thông tin về tác giả của 'Đất rừng phương Nam' và được họa sĩ Đoàn Việt Tiến kể qua những ký ức mà anh còn nhớ như in những ngày được gần gũi và trò chuyện thân tình với Bác của mình.
Dòng sông Tiền vẫn chảy mãi nhưng không bao giờ ngăn cách được hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Tôi nhớ lại lời kể của cha vẫn còn in sâu đậm trong ký ức của mình... Cha tôi tên là Đoàn Hưng, người em thứ 8 và là em ruột của nhà văn Đoàn Giỏi.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1949), khi cha tôi bước vào tuổi vừa trưởng thành ông đã rung động trước sắc đẹp và sự dịu dàng thùy mị của một cô gái được xem là hoa khôi của vùng đất Phú Đức, Châu Thành, Bến Tre. Thế và cha và mẹ tôi tác hợp nhân duyên và xây dựng gia đình chung sống tại vùng ven sông Cửu Long. Năm 1961, đứa con trai thứ năm của ông bà ra đời, đó chính là tôi, sau những ngày đồng khởi nổi dậy tại Bến Tre.
Mỗi lần vào dịp nghỉ hè tôi được cha dẫn về thăm nội tại Thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Từ Bến Tre qua sông bằng chiếc đò máy dầu tiếng khua ầm ỉ. Mỗi lần được về quê nội chơi tôi luôn mang trong lòng tâm trạng háo hức, rạo rực vì được gặp bác Đoàn Giỏi, một người có nhân cách điềm tĩnh, từ tốn và quan tâm, hay sờ vai nắm tay đứa cháu mà ông thương mến.
Nhà văn Đoàn Giỏi
Được gặp bác Năm với đuôi mắt hay híp lại và kéo một hơi thuốc lào bằng ống tre nhả làn khói bay vẩn vơ, ông nói: "Bác nhìn cuộc đời bằng một không gian khác từ nội tâm sâu hơn, cốt lõi hơn, vì thế bác vui và hiểu, có niềm tin và sự an ủi tinh thần cho cuộc sống".
Tôi đưa những bức vẽ về Bác Hồ cho ông xem, xem qua xem lại ông nói: "Vẽ Bác Hồ cho giống và có thần, con phải tập trung đôi mắt sâu chứa nhiều tâm cảm và vầng trán cao kết nối bộ nhớ thông thái rộng lớn của Bác". Ông kể rất nhiều lần được Bác Hồ mời đến để gặp gỡ và được Bác dặn dò, quan tâm về những tác phẩm, bài viết...
Không chỉ xem tranh, bác Đoàn Giỏi còn chỉnh sửa những bản thảo mà tôi đã nắn nót trao cho ông xem. Những truyện ngắn như Chiếc bình ông cố, Lực hút và lực đẩy... lànhững hồi ký về đời lính chiến trường khốc liệt ở Campuchia 1979 và tôi đã từng trãi qua và sau đó trở thành một thương binh tại chiến trường này.
Bác Đoàn Giỏi mỉm cười và nói: "Dòng họ mình cháu có năng khiếu viết và sáng tạo nhân sinh quan khác biệt với tuổi tác, còn trẻ cố gắng theo đuổi nghệ thuật văn chương này nhé". Bác kể cho tôi nghe về những năm tháng thời cùng cha Đoàn Hưng tham gia kháng chiến về công tác ở vùng U Minh, tỉnh Cà Mau. Những câu chuyện về cá sấu, con đỉa, con trăn nghe mà rùng mình. Cha và bác, hai anh em say xưa kể lại những kỷ niệm xưa, nhắc lại chuyện con kỳ đà phóng từ trong hang ra và hai ông đuổi theo tóm được để đãi bạn bè đồng chí trong đêm sương lạnh của rừng khuya thắp sáng.
Nhà văn Đoàn Giỏi (hàng ngồi, thứ ba từ phải) bên người thân - Ảnh tư liệu gia đình
Năm 1983 khi tôi làm trọn nhiệm vụ đời lính, ngày giỗ của ông nội được xem bác Năm vẽ bức ký hoạ cho cha mà lòng ham thích, vì bác chính là 1 hoạ sĩ theo học ở Trường cao đẳng Đông Dương Sài Gòn Gia Định. Ông tay phải thì vẽ, tay trái cầm ly rượu cùng cha uống cho cảm xúc thêm hưng phấn. Ông nói: "Cái bình rượu nầy bằng loại sứ đặc biệt được 1 chính khách của Liên Xô tặng, có ngã rơi cũng không vỡ".
Điều tôi nhớ nhất ở bác Năm là trong túi xách bằng vải kaki màu xám bạc màu, ông lấy ra cuốn vở ghi chép cẩn thận tên tuổi và bút danh của tôi - Đoàn Việt Tiến - và những tác phẩm mà ông ngợi khen. Đặc biệt là bài thơ Con gà trống vắng của tôi sáng tác năm 12 tuổi: Lang thang qua bờ củi nhỏ, con thỏ chớp mắt sợ chú gà...
Tôi thì khỏi phải nói, là người rất ngưỡng mộ văn chương của bác Năm. Từ sau ngày đất nước thống nhất 1975, tôi đã học tác phẩm thời phổ thông, Cây tre cây tầm vông của bác. Tôi cũng đã đọc và ấn tượng với nhiều tác phẩm khác nữa, như: Đất rừng phương Nam, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Những chuyện lạ về cá, Cuộc truy tìm kho vũ khí…
Mỗi tác phẩm đều đặc tả một sắc thái riêng điềm tĩnh và mộc mạc như tính cách của ông, sự móc xích vẫn là dòng chảy của khí tiết Nam bộ theo dòng sông mạch đất thầm lặng, dấu kín và bật dậy. Đặc biệt tác phẩm Đất rừng phương Nam, các nhân vật chính và phụ yếu tố con người vẫn hằn ghi kết nối với không gian, ngoại cảnh bởi từng giai đoạn vẫn mang cái ngộ nghĩnh lạ lạ, cái bật dậy của chí khí như trong dòng máu của ông chảy ra. Tôi tâm đắc và hiểu ý bác mô tả và tâm sự như vậy.
Bác Năm từng vỗ vai và động viên tôi: “Cháu phải có tác phẩm ấn tượng cho đời, cứ viết đi để kế tiếp con đường sự nghiệp và văn chương của bác”. Những lời hứa với bác đến nay đã trở thành hiện thục khi tác phẩm "Dòng chảy từ nguồn sâu thẳm“ của tôi vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành, đó cũng là tác phẩm đầu tay của mình.
Tâm trạng vẫn bồn chồn dòng hồi tưởng trỗi dậy, như lời hứa với bác năm nào, giờ đây tôi nâng niu tác phẩm trên tay trong niềm hạnh phúc vỗ về và vẫn luôn nhớ bao kỷ niệm về sự chân tình và nhân cách đặc biệt khó quên của bác Năm tôi - nhà văn Đoàn Giỏi.