Kế toán trưởng nói gì trong vụ tranh chấp 790 tỷ?

Chủ nhật - 03/07/2022 07:47
Đó là bà Ngô Thị Thanh Loan (SN 1977, ngụ xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TPHCM; là kế toán trưởng của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng thương mại sản xuất Nhựt Thành, gọi tắt là Công ty Nhựt Thành). Chính bà Loan đã ký vào giấy xác nhận mượn số tiền “khủng” nên Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) H.Bình Chánh yêu cầu đưa bà này tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là có căn cứ. Thế nhưng tòa án lại quyết định bỏ đương sự quan trọng này ra khỏi vụ án.
Khu công nghiệp An Hạ do Công ty Nhựt Thành làm chủ đầu tư
Khu công nghiệp An Hạ do Công ty Nhựt Thành làm chủ đầu tư

Giám đốc chi nhánh ngân hàng tư vấn vay bên ngoài

Kế toán trưởng Ngô Thị Thanh Loan trình bày: Công ty Nhựt Thành được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103000416, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp ngày 18-5-2001, với vốn điều lệ là 90 tỷ đồng. Căn cứ Văn bản số 1747/TTg-CN ngày 07-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29-01-2008, UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty Nhựt Thành làm chủ đầu tư Dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp An Hạ tại xã Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh), quy mô 159,06 héc-ta, tổng vốn đầu tư là 526,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 50 năm. Đến ngày 22-8-2011, dự án được chuyển thành Khu công nghiệp (KCN) An Hạ.

Để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN An Hạ, ngoài nguồn vốn của doanh nghiệp, Công ty Nhựt Thành phải vay thêm của các tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh Bình Chánh (gọi tắt là Agribank Bình Chánh). Ngày 22-9-2005, Giám đốc Agribank Bình Chánh thời điểm này là ông Lý Văn Chức ký Văn bản số 638/NHNoBC-KHKD, chấp thuận cho Công ty Nhựt Thành vay 200 tỷ đồng trong 3 năm. Ngày 27-12-2006, Agribank Bình Chánh có Văn bản số 830/NHNo-KHKD, tái khẳng định cho Công ty Nhựt Thành vay 200 tỷ đồng, với thời hạn là 5 năm.

790 ty 3
Khu công nghiệp An Hạ

Ngày 05-9-2007, ông Chức đại diện Agribank Bình Chánh ký hợp đồng tín dụng, cho Công ty Nhựt Thành vay 65 tỷ đồng, lãi suất là 1,18%/tháng, thời hạn vay trong 60 tháng, ân hạn 36 tháng. Thực hiện hợp đồng tín dụng và giải ngân theo tiến độ dự án, từ ngày 06-9-2007 đến 21-7-2009, Agribank Bình Chánh đã cho Công ty Nhựt Thành vay 59,1 tỷ đồng. Công ty này đã tất toán đầy đủ nợ vay và tiền lãi với ngân hàng.

Bà Loan cho biết, mặc dù đã cam kết cho Công ty Nhựt Thành vay 200 tỷ đồng, nhưng Agribank Bình Chánh chỉ giải ngân 59,1 tỷ đồng rồi tìm cách gây khó dễ để không cho vay số tiền còn lại. Trong khi đó, ông Chức lại tư vấn cho Công ty Nhựt Thành vay tiền từ Công ty Đầu tư xây dựng Hòa Phong (gọi tắt là Công ty Hòa Phong), do ông Cao Minh Tân làm Giám đốc.

Nữ kế toán trưởng của Công ty Nhựt Thành nói: “Lúc đầu, Công ty Nhựt Thành không đồng ý, bởi tại thời điểm này, công ty vẫn còn hạn mức tín dụng hơn 140 tỷ đồng với Agribank Bình Chánh, lãi suất là 1,18%/tháng, trong khi vay bên ngoài thì lãi suất cao. Hơn nữa, Công ty Hòa Phong mới thành lập ngày 28-7-2009, chúng tôi không biết như thế nào, còn ông Tân thì hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, ông Chức giải thích rằng, hạn mức của Agribank Bình Chánh cho các khách hàng vay năm 2009, trong đó có Công ty Nhựt Thành đã hết. Chờ sang năm sau, ngân hàng mới tiếp tục cho Công ty Nhựt Thành vay như đã cam kết; việc vay tiền từ Công ty Hòa Phong chỉ là tạm thời trong vài tháng, lãi suất cũng không cao hơn ngân hàng bao nhiêu”.

Tin lời ông Chức, Công ty Nhựt Thành chấp nhận vay của Công ty Hòa Phong. Ngày 07-8-2009, ông Chức đại diện Agribank Bình Chánh ký văn bản “bảo lãnh thanh toán” cho Công ty Hòa Phong (bên nhận bảo lãnh) và Công ty Nhựt Thành (bên được bảo lãnh). Theo đó, Agribank Bình Chánh bảo lãnh cho Công ty Nhựt Thành thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng hợp tác thi công số 01 ngày 06-8-2009, với số tiền là 38,4 tỷ đồng. Thời gian bảo lãnh đến ngày 15-6-2010. Bà Loan khẳng định: “Toàn bộ thủ tục và văn bản bảo lãnh đều do Agribank Bình Chánh thực hiện. Thực tế, Hợp đồng hợp tác thi công số 01 không có thật, Agribank Bình Chánh soạn thảo làm căn cứ để Công ty Hòa Phong cho Công ty Nhựt Thành vay tiền lãi suất cao”.

10 lần vay, 66 lần trả nợ

Trên cơ sở văn bản “bảo lãnh thanh toán” của Agribank Bình Chánh, ngày 05-8-2009, vợ chồng ông Tân - bà Phạm Thị Linh Phượng đã chuyển cho Công ty Nhựt Thành khoản vay đầu tiên là 15 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của Công ty Nhựt Thành mở tại Agribank Bình Chánh. Bằng phương thức trên, ông Tân - bà Phượng đã chuyển tiền qua Agribank Bình Chánh cho Công ty Nhựt Thành vay tiếp 5 lần, cụ thể: ngày 08-8-2009 chuyển 22 tỷ đồng, ngày 25-8-2009 chuyển 10 tỷ đồng, ngày 29-8-2009 chuyển 4,5 tỷ đồng, ngày 14-9-2009 chuyển 19 tỷ đồng, ngày 30-10-2009 chuyển 7 tỷ đồng. Cộng cả 6 lần, ông Tân - bà Phượng chuyển qua tài khoản Agribank Bình Chánh cho Công ty Nhựt Thành vay số tiền là 77,5 tỷ đồng.

Văn bản “xác nhận nợ” ngày 15-6-2020 do ông Cao Minh Tân ký

Ngoài ra, ông Tân - bà Phượng còn cho Công ty Nhựt Thành vay 4 lần bằng tiền mặt, với số tiền là 12 tỷ đồng. Cả 4 lần cho vay và giao tiền, ông Tân - bà Phượng đều lập phiếu thu tiền, ghi chi tiết và ký hợp đồng công chứng vay tài sản. Cụ thể, ngày 17-11-2009, bà Phượng (Công ty Hòa Phong) cho vay 1 tỷ đồng. Công ty An Thịnh (thuộc hệ thống Công ty Nhựt Thành) lập phiếu thu tiền mặt, có chữ ký của giám đốc và kế toán trưởng Ngô Thị Thanh Loan. Phiếu thu còn có chữ ký của người nộp tiền là bà Phượng. Ngày 26-11-2009, bà Phượng cho vay 1 tỷ đồng, Công ty An Thịnh cũng lập phiếu thu tiền mặt tương tự. Liên quan khoản vay 5 tỷ đồng vào ngày 04-4-2011, hai bên lập hợp đồng vay tài sản, rồi đến văn phòng công chứng chứng nhận. Đối với khoản vay 5 tỷ đồng vào ngày 07-4-201, hai bên cũng lập hợp đồng vay tài sản tương tự.

Bà Loan cho biết: “Ông Tân - bà Phượng đã cho Công ty Nhựt Thành vay 10 lần (gồm 6 lần qua ngân hàng và 4 lần tiền mặt), với tổng số tiền là 89,5 tỷ đồng. Từ ngày 05-10-2009 đến ngày 16-7-2015, Công ty Nhựt Thành đã trả nợ cho ông Tân - bà Phượng 66 lần, với tổng số tiền là hơn 97,2 tỷ đồng. Trong đó, có 15 lần chuyển khoản và 51 lần trả tiền mặt. Tất cả những lần trả nợ này đều có chứng từ đầy đủ”.

Lạ kỳ cho vay hơn 790 tỷ đồng bằng lòng tin (?)

Bà Loan khẳng định, số tiền 89,5 tỷ đồng mà vợ chồng ông Tân - bà Phượng chuyển cho vay cũng như số tiền hơn 97,2 tỷ đồng mà Công ty Nhựt Thành trả nợ đều có chứng từ hẳn hoi. Đến ngày 15-6-2010, Giám đốc Công ty Hòa Phong Cao Minh Tân ký văn bản xác nhận nợ, nêu rõ sau khi đối chiếu các chứng từ, Công ty Nhựt Thành nợ và phải thanh toán cho Công ty Hòa Phong số tiền là hơn 71,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, số tiền hơn 71,7 tỷ đồng được tính với lãi suất cao nên Công ty Nhựt Thành không đồng ý. Đây chính là bằng chứng rõ ràng về sự cẩn thận, tính toán chi li đến từng đồng của ông Tân.

Trong khi số tiền “khủng” 790,433 tỷ đồng mà ông Tân - bà Phượng cho rằng Công ty Nhựt Thành nợ, để khởi kiện đòi thanh toán một lần, chỉ có duy nhất “giấy biên nhận nợ và phương thức thanh toán” đề ngày 15-01-2015. Ngoài ra, ông Tân - bà Phượng không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh việc vay mượn, giao nhận tiền. Nguyên đơn khai do “tin tưởng, quen biết” nên cho bị đơn vay tiền mặt nhiều lần, không nhớ rõ thời gian, không lập thành văn bản, nhưng cho ra con số 790,433 tỷ đồng (?!).

Tòa án nhân dân (TAND) H.Bình Chánh do thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn làm chủ tọa Hội đồng xét xử khẳng định rõ ràng trong Bản án sơ thẩm số 16/2022/DS-ST ngày 13-01-2022: “nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ về việc giao nhận tiền”. Theo bà Loan, đây là sự thật khách quan, vì ông Tân - bà Phượng không có bất kỳ chứng từ nào để chứng minh đã giao số tiền trên cho Công ty Nhựt Thành. Vậy mà Hội đồng xét xử lại tuyên cho vợ chồng ông Tân - bà Phượng thắng kiện.

Bà Loan phản ứng: “Tôi làm kế toán trưởng Công ty Nhựt Thành, nắm rất rõ các khoản tiền vay liên quan đến ông Tân - bà Phượng. Tôi cũng là người ký vào “giấy biên nhận nợ và phương thức thanh toán”, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Công ty Nhựt Thành. Vậy mà tòa án cấp sơ thẩm lại loại tôi ra khỏi vụ án. Viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh phát hiện, yêu cầu đưa tôi tham gia tố tụng, nhưng thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn và Hội đồng xét xử vẫn phớt lờ, ra bản án sơ thẩm có nhiều “lỗ hổng”. Vì thế nên tôi đã có đơn gửi Chánh án TAND TPHCM và Viện trưởng Viện KSND TPHCM đề nghị xem xét, giải quyết yêu cầu chính đáng của tôi, để vụ án được giải quyết khách quan, cán cân công lý không bị lệch”.

NHÓM PV CHUYÊN ĐỀ

(Theo Báo Công An TP.HCM)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây