KTT tiếp tục khiếu nại, bởi bà không chỉ “nắm hầu bao” của bị đơn, mà còn là người ký vào giấy xác nhận món nợ “khủng” nên có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh việc thu - chi, vay - trả tiền. Chính Viện kiểm sát đã nhiều lần xác định tư cách của bà là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”...
Từ nhân chứng “bất đắc dĩ” (?!)...
Có mặt tại tòa soạn sáng 09- 9-2022, bà Ngô Thị Thanh Loan cảm ơn Ban Chuyên đề CATP đã có loạt bài điều tra, phản ánh nhiều bất thường và hàng loạt điểm “mờ” của vụ án đòi món “nợ khủng” kèm “lãi khiếp” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Cao Minh Tân - bà Phạm Thị Linh Phượng với bị đơn là Công ty Nhựt Thành. Trong đó, KTT của Công ty Nhựt Thành đã bị tòa sơ thẩm loại khỏi vụ án là điểm bất thường và “mờ” nhất của vụ án đã được loạt bài báo phân tích, chỉ rõ.
Nữ KTT lên tiếng: “Thật khó tin, nguyên đơn đòi bị đơn món nợ đến 790,433 tỷ đồng kèm “lãi” hơn 535,3 tỷ đồng, nhưng Tòa án nhân dân (TAND) H.Bình Chánh với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn ngồi ghế chủ tọa, lại loại bỏ người “nắm hầu bao” của bị đơn ra khỏi vụ án. Phát hiện bất thường, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) H.Bình Chánh yêu cầu đưa tôi vào tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” nhưng thẩm phán Sơn và HĐXX sơ thẩm quyết ngăn chặn, không cho tôi tham gia vụ án để trình bày rõ sự thật”. Bà Loan bày tỏ: Loạt bài điều tra của Ban Chuyên đề CATP không chỉ khích lệ tinh thần mà còn tạo thêm động lực mạnh mẽ cho Công ty Nhựt Thành cũng như KTT trên con đường đi tìm công lý và đã có kết quả bước đầu. HĐXX phúc thẩm từ chỗ bác bỏ kiến nghị của luật sư và kháng nghị của Viện KSND H.Bình Chánh, đã chấp nhận cho KTT tham gia tố tụng.
Nữ KTT bức xúc: “Nhận được thư của TAND TPHCM, tôi rất mừng. Tuy nhiên, tôi mở bì thư ra xem thì một lần nữa lại thất vọng khi “giấy triệu tập đương sự” do thẩm phán Phan Nguyên Nguyên ký ngày 18-8-2022, xác định tôi là “người làm chứng” của vụ án theo đơn yêu cầu. Thực tế trong đơn, tôi tha thiết đề nghị Chánh án TAND TPHCM cùng HĐXX phúc thẩm xem xét, đưa tôi tham gia tố tụng với vai trò “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” đúng theo quy định của pháp luật”.
... Đến “cãi lý” với chủ tọa (!)
Kèm tài liệu, chứng cứ, nữ KTT trình bày: Dù không đồng ý làm “nhân chứng” nhưng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bà Loan đã đến TAND TPHCM sáng 26-8-2022 theo giấy triệu tập, gặp thẩm phán Nguyên và thư ký Hồ Quỳnh Trâm để khiếu nại về tư cách tố tụng của mình.
Bà Loan nêu ý kiến: “Tôi là KTT của Công ty Nhựt Thành. Trong đơn gửi tòa, tôi yêu cầu đưa tôi vào tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, nhưng tòa án triệu tập làm “nhân chứng” nên tôi không đồng ý”.
Bà Loan dẫn lời của thẩm phán Nguyên: “Tòa sơ thẩm không mời bà tham gia với bất kỳ tư cách gì. Tại vì có cái đơn, nên chúng tôi triệu tập bà để xem ý kiến của bà như thế nào. Nếu bà thấy rằng không cần thiết tham gia tố tụng, tòa chấp nhận, vậy thôi”.
Nữ kế toán đáp lại: “Tôi không nói là không cần thiết tham gia tố tụng. Nếu tòa mời tôi với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” thì tôi sẽ tiếp tục phiên làm việc hôm nay. Nếu tòa mời làm “nhân chứng”, tôi không làm việc!”.
Bà Loan tiếp tục dẫn lời thẩm phán Nguyên: “Tùy bà thôi, hôm nay chúng tôi mời bà với tư cách “người làm chứng”, bà có hiểu không? Do vậy, bà biết cái gì bà khai vào đây, còn nếu bà cho rằng không có nghĩa vụ phải khai nữa thì bà cứ việc ra về!”.
Bà Loan tái xác định, bà chỉ làm việc với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Thẩm phán Nguyên giữ nguyên quan điểm triệu tập bà Loan với tư cách “nhân chứng”. Đối với yêu cầu của bà Loan, sẽ được HĐXX xem xét tại phiên tòa. Thẩm phán chỉ đạo thư ký lập biên bản, ghi lại ý kiến của bà Loan.
Tại biên bản được lập lúc 9 giờ 10 ngày 26-8-2022, bà Loan trình bày: Là KTT của Công ty Nhựt Thành, bà Loan trực tiếp quản lý dòng tiền, thanh toán tiền cho nguyên đơn thông qua ông Cao Phạm Tấn Minh và bà Cao Phạm Phương Linh (hai con của ông Tân - bà Phượng). Bà Loan đề nghị tòa án triệu tập bà với vai trò “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, chứ không phải “người làm chứng”. Bà Loan không đồng ý làm việc với tư cách là “người làm chứng” vì không đúng với bản chất sự việc.
Bà Loan đề nghị tòa án triệu tập ông Cao Phạm Tấn Minh, bà Cao Phạm Phương Linh tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” vì bà Loan trực tiếp thanh toán tiền cho 2 người này. Ông Minh và bà Linh nhận tiền từ bà Loan, chuyển lại cho ông Tân - bà Phượng.
“Đủ căn cứ để tòa chấp nhận yêu cầu của kế toán trưởng”
Đó là ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phía bị đơn. Theo luật sư, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm ngày 02-8-2022, có đủ căn cứ để tòa đưa bà Ngô Thị Thanh Loan tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Ngoài KTT, luật sư đề nghị đưa ông Cao Phạm Tấn Minh, bà Cao Phạm Phương Linh, Văn phòng Công chứng Thủ Đức (công chứng hợp đồng vay tài sản)... vào vụ án với tư cách giống bà Loan.
Trong đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TPHCM và HĐXX phúc thẩm, bà Loan tiếp tục yêu cầu đưa bà vào tham gia tố tụng với vai trò “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Theo dõi vụ án và qua loạt bài của Chuyên đề CATP, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) có cùng quan điểm với luật sư của bị đơn, đồng thời đưa ra 5 điểm để chứng minh yêu cầu của bà Loan là có căn cứ.
Thứ nhất, bà Loan là KTT, nắm rõ toàn bộ việc thu - chi, vay - trả nợ của Công ty Nhựt Thành. Bà Loan cũng là người trực tiếp trả cho nguyên đơn một phần nợ gốc 89,5 tỷ đồng và một phần lãi trên số nợ gốc. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 02-8-2022, rất nhiều câu hỏi liên quan đến các khoản tiền mà bị đơn đã vay, trả và còn nợ nguyên đơn, chỉ KTT Loan mới có câu trả lời.
Thứ hai, bà Loan nắm rõ việc Công ty Nhựt Thành giao cho ông Tân, bà Phượng hai giấy chứng nhận QSDĐ số BA 326455 và BA 326449 (được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp ngày 26- 3-2012) để đảm bảo cho khoản vay 89,5 tỷ đồng.
Thứ ba, bà Loan cùng Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựt Thành là bà Nguyễn Thị Quí, ký vào giấy “xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ” ngày 15-01-2015 (gọi tắt “giấy xác nhận nợ”) khoản tiền 790,433 tỷ đồng. Việc bà Loan cùng ký vào “giấy xác nhận nợ” có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Nhựt Thành. Nay, bà Quí đã qua đời, việc đưa bà Loan vào tham gia tố tụng là cần thiết, nhằm làm sáng tỏ khoản tiền “khủng”, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị đơn, cũng là quyền lợi và danh dự cá nhân bà.
Thứ tư, căn cứ vào “giấy xác nhận nợ” ngày 15-6-2010 do chính ông Tân ký tên, đóng dấu, bà Loan đã tính ra được như sau: Từ khoản vay 89,5 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% - 6,8%/tháng, nếu chưa thanh toán hết lãi thì nhập lãi thành vốn mới; tháng sau dựa trên vốn mới để tính lãi tiếp. Với lãi suất cao, lãi nhập vốn, lãi chồng lãi..., món tiền vay 89,5 tỷ đồng dù đã trả được 97,25 tỷ nhưng vẫn “phình” thành 790,433 tỷ. Để làm rõ vấn đề mấu chốt này, bà Loan có nghĩa vụ chứng minh nên không thể nào là “nhân chứng”.
Thứ năm, sâu sát vụ án, Viện KSND H.Bình Chánh đã nhận rõ vai trò của KTT Công ty Nhựt Thành nên ra văn bản yêu cầu TAND H.Bình Chánh đưa bà Loan tham gia tố tụng với vai trò “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, lấy lời khai, làm rõ các sự kiện pháp lý. TAND H.Bình Chánh không thực hiện mà mở phiên tòa, tuyên Bản án sơ thẩm số 16/2022/ DS-ST ngày 13-01-2022. Bản án này đã bị Viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh “tuýt còi”.
Tại Quyết định kháng nghị số 03/QĐ-VKS-DS ngày 27-01-2022, Viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh xác định: Trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng vay tài sản, bà Loan ký vào “giấy xác nhận nợ” ngày 15-01-2021 với tư cách là KTT của Công ty Nhựt Thành. Trong vụ án này, bà Loan không có nghĩa vụ phải trả nợ nhưng bà Loan có nghĩa vụ chứng minh những nội dung liên quan đến việc ký “giấy xác nhận nợ”. Căn cứ khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bà Loan phải được đưa vào tham gia tố tụng để làm rõ những tình tiết trong vụ án. Tòa án không đưa bà Loan vào vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Kháng nghị của Viện KSND H.Bình Chánh với những tài liệu, chứng cứ thuyết phục. Kháng nghị này đã được đại diện Viện KSND TPHCM giữ nguyên tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Đức nêu quan điểm: “Có đầy đủ căn cứ để tòa đưa bà Loan tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xác định bà Loan làm “nhân chứng” là không có cơ sở. HĐXX phúc thẩm cần nhìn thẳng vào sự thật khách quan, hủy bản án sơ thẩm của TAND H.Bình Chánh; giữ lại hồ sơ vụ án để TAND TPHCM xét xử sơ thẩm do có yếu tố nước ngoài, đồng thời xác định đúng tư cách tố tụng của KTT Ngô Thị Thanh Loan”...
(Theo Báo Công An TP.HCM)
Ý kiến bạn đọc