Thay đổi thời gian cũng thế
Trong đơn khởi kiện ngày 29-7-2022, và bổ sung ngày 19-8-2022, cụ Thanh trình bày: Cụ nguyên là cán bộ An ninh T4. Năm 1963, cụ được lãnh đạo Ban An ninh T4 (Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) phân công hoạt động nội thành, bố trí đến nhà thuốc do cụ Bùi Hữu Ngự làm chủ, tọa lạc số 866-868, nay là 722-724 Điện Biên Phủ (ĐBP), P10Q10, TPHCM. Căn nhà này trở thành nơi giao nhận tài liệu bí mật của Khu ủy. Để tạo vỏ bọc, cụ Thanh trong vai là vợ cụ Ngự. Quá trình hoạt động, hai người phát sinh tình cảm, trở thành vợ chồng từ năm 1963 nhưng không đăng ký kết hôn do chiến tranh và bảo vệ bí mật công tác.
Sau giải phóng, căn nhà 722-724 ĐBP bị kê biên, xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Chính cụ Thanh đã khiếu nại xin lại nên mới giữ được căn nhà đến nay.
Năm 1985, cụ Ngự qua đời nhưng không để lại di chúc. Cụ Ngự có con trai tên Bùi Hữu Đức (SN 1966), mất năm 2013. Từ khi cụ Ngự và ông Đức qua đời đến nay, cụ Thanh là người thờ cúng, giỗ hai người tại căn nhà 722-724 ĐBP.
Căn nhà 722-724 ĐBP là di sản của cụ Ngự chết để lại. Về hàng thừa kế thứ nhất của ông Ngự gồm có cụ Thanh và ông Đức. Trước khi qua đời, ông Đức viết di chúc để lại căn nhà trên cho cụ Thanh.
Nay cụ Thanh yêu cầu tòa án xác định căn nhà 722-724 ĐBP là di sản thừa kế, chia làm 3 kỷ phần. Trong đó, cụ Thanh được hưởng 2 kỷ phần, bao gồm 1 phần của cụ Ngự và 1 phần công sức "giữ gìn di sản". Cụ Võ Thị Cảnh hưởng thừa kế 1 kỷ phần của ông Đức. Nguyên đơn yêu cầu được nhận hiện vật, đồng thời hoàn trả giá trị kỷ phần thừa kế của ông Đức để lại cho cụ Cảnh.
Ngày 03-8-2022, TAND TPHCM ra thông báo thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm số 304/2022/TLST-DS. Tiếp đến, ngày 07-9-2022, toà án ra thông báo số 11817/TB-TLVA "bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện" của cụ Thanh thành "tranh chấp di sản thừa kế".
Ngay khi tòa án ra thông báo số 11817/TB-TLVA, cụ Thanh có đơn gửi Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q10, yêu cầu hoãn thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 1039/2017/DSPT (Bản án số 1039) ngày 21-11-2017 của TAND TPHCM.
Trước đó, cụ Thanh và gia đình liên tục có đơn xin hoãn thi hành án (THA) nhưng chưa được xem xét. Chấp hành viên Chi cục THADS Q10 Trần Công Hữu đã ký quyết định "cưỡng chế THA" ấn định thời gian cưỡng chế lúc 8 giờ 30 sáng 08-9-2022, buộc cụ Thanh và những người đang ở trong nhà số 722-724 ĐBP phải giao trả căn nhà cho cụ Cảnh.
Gia đình cụ Thanh kêu cứu, Chuyên đề CATP đã lên tiếng bằng loạt bài "Diễn biến bất ngờ vụ cựu cán bộ An ninh T4 kêu cứu ở tuổi 90" (đăng ngày 31-8 và 01-9-2022), trong đó chỉ rõ 3 lý do để Chi cục THADS Q.10 hoãn cưỡng chế THA.
Ngày 06-9-2022, chấp hành viên Trần Công Hữu ký thông báo số 1842/TB-THADS, nêu rõ: "Xét thấy cần thay đổi thời gian thực hiện cưỡng chế để đảm bảo việc cưỡng chế thành công, an toàn và đúng quy định pháp luật". Từ đó, chấp hành viên ấn định lại thời gian cưỡng chế lúc 8 giờ 30 ngày 27-9-2022 với kinh phí dự trù 251,75 triệu đồng, buộc người phải THA (cụ Thanh) phải chịu toàn bộ.
Có căn cứ để hoãn thi hành án
Trong đơn kêu cứu mới nhất, cụ Thanh một lần nữa gửi lời cảm ơn và bày tỏ tri ân đối với Chuyên đề CATP đã có loạt bài điều tra, nêu ra toàn bộ chân tướng vụ kiện liên quan đến nhà số 722-724 ĐBP.
Cụ Thanh nhắc lại: "Lấy danh dự của một cựu An ninh T4, cả đời tin tưởng theo cách mạng, được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, tôi khẳng định, Bản án số 1039 của TAND TPHCM gây oan sai ngút trời! TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) hủy Bản án số 1039, để xét xử lại vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật. Thế nhưng, Quyết định GĐT này đã bị Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du ký kháng nghị. Rồi lại cũng chính ông này ngồi ghế chủ tọa phiên tòa GĐT, chấp nhận kháng nghị do chính mình ký trước đó bằng Quyết định GĐT số 37/2021/DS-GĐT ngày 23-9-2021, giữ nguyên Bản án số 1039 của TAND TPHCM. Quyết định GĐT Tối cao không chỉ "đè” Quyết định GĐT Cấp cao mà còn chặn đứng đường khiếu nại, kêu oan của tôi. Tôi rất mừng vì đã tìm ra được chứng cứ chứng minh vụ kiện đòi nợ cụ Cảnh là một "siêu kịch bản" được dàn dựng. Một lần nữa, tôi khẩn thỉnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, chỉ đạo xem xét, giải quyết lại vụ án, nhằm thượng tôn luật pháp, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa...".
Tuy đã được TAND TPHCM thụ lý vụ kiện mới nhưng cựu An ninh T4 vẫn bày tỏ sự lo ngại vì đến nay chưa nhận được phản hồi từ Chi cục THADS Q10.
Luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TPHCM, nêu quan điểm: Có đủ căn cứ để Chi cục THADS Q10 hoãn THA. Bởi, TAND TPHCM đã ra thông báo thụ lý vụ án "tranh chấp di sản thừa kế" số 11817/TB-TLVA ngày 07-9-2022 liên quan đến căn nhà 722-724 ĐBP. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS, trường hợp "tài sản để THA đã được tòa án thụ lý để giải quyết" thì hoãn THA. Căn cứ Điều 75 Luật THADS, trường hợp "tài sản bị cưỡng chế để THA mà có người khác tranh chấp" thì chấp hành viên có trách nhiệm thông báo cho các đương sự khởi kiện tại tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Cũng theo Luật sư Đức, việc ra quyết định THA, tổ chức cưỡng chế THA trong thời gian ngắn để di chuyển chỗ ở là chưa hợp tình, hợp lý, đặc biệt đối với cụ Thanh hơn 90 tuổi, già yếu, là người có công với cách mạng, đã gắn bó căn nhà suốt 60 năm, hiện chưa có chỗ ở mới. Mặt khác, khi chưa xác minh đầy đủ tính pháp lý cũng như điều kiện THA mà tổ chức cưỡng chế lấy nhà, có thể dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục. Với tình trạng sức khoẻ của cụ Thanh như hiện tại, tính mạng có nguy cơ bị đe doạ khi buộc rời khỏi mái ấm, sống cảnh màn trời chiếu đất...
(Theo Báo Công An TP.HCM)
Ý kiến bạn đọc