Chủ thầu khoán chuyên trang trí nội thất cho dinh Độc Lập là biệt động Sài Gòn

Thứ sáu - 05/05/2023 07:50
Ông Trần Văn Lai (biệt danh Mai Hồng Quế, Năm Lai, Năm U.SOM...) là một chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, đã đi vào lịch sử với "căn hầm bí mật" chứa hơn 2 tấn vũ khí phục vụ tấn công Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) và một số cơ quan đầu não của chính quyền chế độ cũ. Căn hầm này đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968...
Anh hùng LLVT Trần Văn Lai (ảnh do gia đình cung cấp)
Anh hùng LLVT Trần Văn Lai (ảnh do gia đình cung cấp)
"Sớm muộn Bắc - Nam thề hiệp một"...Một ngày của năm 1955, Ty Cảnh sát Hậu Nghĩa (tỉnh Long An) gọi điện lên Sài Gòn để xác nhận nhân thân một thanh niên trạc 30 tuổi xin xuất cảnh sang Campuchia chơi vì "giận vợ". Đầu dây bên kia là cô Phạm Thị Chinh (bí danh Phạm Thị Phan Chính), em gái Trưởng ty Cảnh sát Nha Trang, gọi chủ tiệm vàng nổi tiếng Phú Xuân - Vĩnh Xuân (đường Trưng Nữ Vương, nay là Hai Bà Trưng, Q1, TPHCM) là cậu ruột.

Người đàn ông được "cô vợ" xinh đẹp xuống tận nơi xin lỗi, đón về Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên 2 chiến sĩ biệt động Phạm Thị Chinh - Năm Lai gặp nhau trên danh nghĩa vợ chồng, tất cả đều do tổ chức sắp đặt sau Hiệp định Genève 1954, nhằm tạo vỏ bọc hợp pháp, đưa Năm Lai trở lại Sài Gòn, tiếp tục hoạt động trong nội thành.

Chu thau khoan 1
Nữ biệt động Sài Gòn Phạm Thị Chinh thời kỳ hoạt động tại nội thành Sài Gòn - Gia Định

Chiến sĩ biệt động Năm Lai tên thật là Trần Văn Lai (SN 1920) trong một gia đình nghèo ở Kiến Xương, Thái Bình. Năm 1942, ông rời quê vào Nam làm phu cao su tại Đồn điền Phú Riềng của Pháp. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia công tác trừ gian diệt ác của tổ chức Tự vệ Quyết tử 950, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng tại Sài Gòn. Sau cuộc gặp tại Ty Cảnh sát Hậu Nghĩa, ông cùng bà Chinh "sánh đôi" theo lệnh của tổ chức.

Bằng sự khéo léo, mưu trí của bản thân cùng sự hỗ trợ tích cực của tổ chức và hậu thuẫn của gia đình "vợ" giàu có, ông Lai dần tạo được vỏ bọc vững chắc là "nhà thầu khoán" và trở nên nổi tiếng trong giới tư sản Sài Gòn với cái tên Mai Hồng Quế. Là chủ thầu khoán chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập (cơ quan đầu não của chính quyền chế độ cũ), ông Lai được cấp giấy tự do ra vào dinh.

Thời gian này, ông Lai và bà Chinh bí mật xây dựng nhiều cơ sở cách mạng nội thành. Cùng chiến đấu trong lòng địch, 2 người dần yêu nhau, biến tình giả thành vợ chồng thật. Năm 1964, bà Chinh bị bắt do tình nghi là Việt cộng, sau khi 2 cán bộ tù Côn Đảo được bà nhận họ hàng, bảo lãnh về Sài Gòn làm ăn, đột ngột mất tích (đã được tổ chức đưa ra căn cứ an toàn). Tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì nên địch phải thả bà.

Dù được chồng hết lòng chạy chữa nhưng bà Chinh không qua khỏi bởi những trận đòn tra tấn dã man. Uất hận, ông Lai khắc bài thơ "Tận đáy lòng khóc vợ" trên bia mộ người vợ trẻ; trong đó có 2 câu "Sớm muộn Bắc - Nam thề hiệp một/ Đừng hờn, đừng tủi nữa nghe Chinh" như lời thề quyết chiến đấu cho ngày Bắc - Nam sum họp, theo tâm nguyện người đã nằm xuống.

"Cô nhân tình trẻ” và căn hầm bí mật

Phạm Thị Chinh hy sinh, người ta vẫn tưởng bà còn sống. Đó là sự sắp đặt, có vậy ông Lai với bà Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai) mới dựng được vở kịch cô giúp việc qua mặt bà chủ đang đi xa, quyến rũ nhà tỷ phú hào hoa hơn mình 20 tuổi. Tháng 5/1966, tổ chức chấp thuận cho ông Lai - bà Thiệp "xây dựng vợ chồng trong hoàn cảnh sinh hoạt đơn tuyến ở đô thị, cùng nhau bảo vệ cơ sở cách mạng".

Bà Thiệp sinh ra trong gia đình cách mạng tại Quảng Ngãi, được tổ chức bố trí tiếp xúc với ông Lai, dựng nên vở kịch trên để tham gia quản lý hầm, nuôi cán bộ và giấu vũ khí giữa nội thành. Một lần nữa mối tình do tổ chức sắp đặt lại nảy nở. Yêu nhau nhưng 2 người phải "đóng kịch", chịu sự dè bỉu của dư luận. Chồng làm thầu khoán, vợ bán đồ Mỹ viện trợ, số tiền thu được cung cấp cho tổ chức, bảo vệ tài liệu mật, chạy căn cước giả...


Ông Trần Văn Lai (hàng trên, thứ 2 từ trái sang) bên gia đình đầu thàng 5/1975


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng Trần Văn Lai) ngày 31/1/2018

Đầu năm 1967, dưới sự chỉ huy của đơn vị Biệt động 159, ông Lai lấy cớ sửa căn nhà mới mua tại số 287/68-70-72 Trần Quý Cáp (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q3) để đào hầm chứa vũ khí, chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Để có căn hầm tuyệt đối bí mật nhưng thoáng khí, chống ngập nước, an toàn cho các loại khí tài, ông phải tính toán rất chi li. Hàng đêm, ông tỉ mẩn đào từng cục đất đưa lên xe, chở đi thật xa đổ để tránh bị phát hiện.

Thời gian này, bà Thiệp chuyển về Q.Phú Nhuận, đứa con đầu lòng ra đời năm ấy không biết mặt cha. Hầm đào xong, bà Thiệp quay về tiếp tục cùng chồng cất vũ khí, nuôi giấu cán bộ. Để qua mặt hàng xóm, vợ chồng giả vờ to tiếng, ẩu đả, ném đồ đạc loảng xoảng nhằm át tiếng động khi chuyển vũ khí xuống hầm. Rồi 2 người vờ giận dỗi, ngủ riêng mỗi nhà để trông coi...

Cuối năm 1967, hơn 2 tấn vũ khí từ vùng ven được tập kết đến căn hầm bí mật, phục vụ các đơn vị biệt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đánh vào các mục tiêu trọng yếu của chính quyền chế độ cũ như Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ, Bộ tư lệnh Hải quân...

Sau trận đánh đó, chủ thầu khoán Mai Hồng Quế bị truy nã, gia sản bị tịch thu, riêng căn hầm vũ khí vẫn là bí mật. Bà Thiệp nhớ lại: "Lúc đó, để không bị địch phát giác, gia đình liên tục thay chỗ ở. Các con đều không mang họ cha và phải gọi nhà thầu khoán là "bác Năm". Ông Lai lánh về quê tôi ở Quảng Ngãi. Năm 1972, ông bị địch bắt với tên giả Phạm Sửu, giam cầm tại nhà tù Chi khu Sơn Tịnh, tra tấn dã man. Một mình tảo tần nuôi đàn con, tôi còn tất tả chạy lo giấy chứng nhận bệnh tâm thần cho chồng. Không khai thác được gì, địch phải thả ông Lai, nhưng vẫn theo dõi sát người "điên" này".

Sau ngày giải phóng, ông Lai công tác ở Bộ Tư lệnh TPHCM rồi chuyển sang Phòng Tổng kết chiến tranh. Là thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, ông được nghỉ hưu năm 1981 và qua đời tháng 6/2002. Năm 2015, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hai người vợ của ông, bà Chinh được công nhận Liệt sĩ năm 1984, bà Thiệp được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 3. Ông và bà Thiệp có 6 người con.

Những chiến công của Anh hùng Trần Văn Lai cũng như chuyện tình của ông với 2 nữ chiến sĩ hoạt động trong lòng địch được các nhà làm phim lấy cảm hứng xây dựng thành các nhân vật Hoàng Sơn (ông chủ Hãng sơn Đông Á) - Ngọc Mai - Huyền Trang trong bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn"...



Biệt động Sài Gòn bất diệt!

Lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và sự hy sinh của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận bằng sự ngưỡng mộ và cảm kích, khi đến thăm gia đình ông Trần Văn Lai ngày 31/01/2018 tại hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu, Q3, TPHCM, cũng là căn hầm chứa vũ khí bí mật.

Tổng Bí thư xúc động viết: "Đến thăm gia đình cố Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai - một trong những cơ sở tiêu biểu nhất nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, hầm chứa vũ khí, khí tài phục vụ đắc lực cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào Dinh Độc Lập của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; được chứng kiến những hiện vật tại Di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn bất diệt!

Tôi hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã gìn giữ, lưu giữ những kỷ vật trưng bày vô cùng quý giá này. Mong rằng chính quyền thành phố tiếp tục đầu tư, tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này không chỉ là nơi mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau".

Trao đổi với phóng viên trong những ngày tháng 4 lịch sử, ông Trần Vũ Bình (con trai ông Trần Văn Lai) xúc động: "Đến nay, gia đình tôi đã sưu tầm, lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đặc biệt, gia đình đã tìm lại được 2 chiếc ôtô (hiệu Citroen biển số NCE-345 và Hino Pickup biển số EC-6045) của cha tôi được Đội 5 Biệt động Sài Gòn sử dụng chở quân và vũ khí tấn công Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Hiện 2 ôtô đang được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - TPHCM và Bảo tàng Binh chủng Đặc công - Hà Nội. Nhiều ôtô đưa đón cán bộ, lãnh đạo quân khu ra vào thị sát Sài Gòn, vận chuyển vũ khí, tài liệu, chất nổ phục vụ cuộc tổng tiến công cũng được tìm thấy, lưu giữ. Lời căn dặn của bác Tổng Bí thư đã tiếp thêm sức mạnh cho những người làm công tác tôn tạo, xây dựng di tích lịch sử, văn hóa, sưu tập, lưu giữ kỷ vật của Biệt động Sài Gòn...".

SGGT

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây