CEO VSC: Cần phát triển các trung tâm dịch vụ logistics

Thứ sáu - 31/12/2021 22:04
Đầu năm mới 2022 chúng tôi đã "xông đất" Công ty VSC và gặp gỡ CEO Nguyễn Quý Châu. Đây là thời điểm khá bận rộn của công ty nhưng anh vẫn niềm nở tiếp chúng tôi và cũng có những trăn trở về dịch vụ logistics.
CEO VSC Nguyễn Quý Châu và các nhân viên của công ty
CEO VSC Nguyễn Quý Châu và các nhân viên của công ty
* Chào anh Nguyễn Quý Châu, chúc anh và Công ty VSC năm mới sẽ gặp nhiều thuận lợi và ngày càng phát triển hơn nữa. Đây có phải thời điểm bận rộn nhất của công ty phải không anh?

- CEO NGUYỄN QUÝ CHÂU: Cám ơn anh. Đúng rồi, thời điểm đầu năm mới và cận Tết bao giờ lượng hàng hóa cũng nhiều hơn nên đây cũng là lúc bận rộn nhất của công ty.

*
Được biết công ty anh chuyên về dịch vụ giao nhận nội địa và quốc tế. Tình hình dịch Covid-19 hai năm qua có bị ảnh hưởng nhiều không?

- Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hai năm qua thì Công ty VSC cũng ảnh hưởng khá nặng nề do nhiều nhà máy và công ty sản xuất của khách hàng tạm ngưng do chỉ thị của Chính phủ nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm. Đặc biệt doanh nghiệp cũng giảm nguồn thu đáng kể từ dịch vụ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Chau 1


* Hiện công ty anh có bao nhiêu chi nhánh và tình hình thông quan hiện nay đã thông thoáng hơn chưa?

- Công ty VSC chỉ có 1 chi nhánh ở Bình Thạnh (TP.HCM) và các chi nhánh đối tác ở Hải Phòng. Hiện tình hình thông quan cũng thông thoáng hơn trong các đợt dịch cao điểm nhưng vào thời điểm cuối năm việc xuất nhập hàng hóa để tiêu thụ dịp lễ tết đã dẫn đến việc tàu thuyền không cập cảng cũng như khởi hành theo đúng như kế hoạch nên cũng dẫn đến nhiều khó khăn và giá cước tàu cũng tăng chóng mặt.

* Lĩnh vực giao nhận hiện nay cũng đang cạnh tranh gay gắt. Công ty mình có những lợi thế nào trong việc tìm đối tác?

- Với lĩnh vực giao nhận hiện nay ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mọc lên như nấm với đầy đủ các dịch vụ cung cấp trọn gói cho khách hàng thì việc cạnh tranh gay gắt là điều không thể tránh khỏi. Đối với VSC đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề cùng đội ngũ nhân sự thế hệ trẻ không ngừng học hỏi và sáng tạo, linh động trong công việc, VSC luôn đảm bảo làm hài lòng tất cả khách hàng. Đặc biệt với tiêu chí làm việc có "Tâm" thì sẽ có "Tầm" nên VSC luôn đặt chất lượng dịch vụ và uy tín lên hàng đầu.

Chau 2

* VSC đang có những dự định nào hay hợp tác nào trong tương lai để đẩy mạnh ưu thế trên thị trường?

- Hiện VSC trong những năm tới sẽ đặt chi nhánh văn phòng tại Hải Phòng, Đà Nẵng và các nơi có cảng biển lớn để thu hút thêm nhiều khách hàng và mở rộng quy mô kinh doanh. Cũng trú trọng vào các hiệp hội logistics tại Việt Nam để mở rộng đối tác cũng như khách hàng tiềm năng tại đó.

* Anh có thể nói thêm về những trăn trở hay có những đề xuất gì để ngành giao nhận của VSC nói riêng và của Việt Nam nói chung có thể cạnh tranh với các ông lớn quốc tế?

- Về ngành giao nhận thì việc năng lực cạnh tranh còn thấp, chi phí logistics còn cao sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Chau 3

Chúng tôi có một số đề xuất cho ngành giao nhận của công ty và Việt Nam nói chung:

Thứ nhất: tăng cường gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tiếp tục giảm thuế, chi phí cho các Doanh nghiệp logistics. Đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác… Đề nghị các Bộ ngành liên quan phối hợp cùng VLA và các Hiệp hội ngành hàng trao đổi thông tin nhằm giảm giá cước, giảm phụ phí hàng hải và chi phí logistics. 

Thứ hai: đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng logisitcs: Hệ thống hạ tầng logistics hiện nay chưa đồng bộ và hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu dịch vụ logistics, nhất là vận tải đa phương thức. Đề nghị Chính phủ tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc gia như Quy hoạch phát triển đến năm 2030 đạt 5.000km. Trước hết là tuyến Bắc Nam, các tuyến nối Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối với các cảng biển nước sâu; phát triển cảng biển đầu mối và các trung tâm địch vụ logistics ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ ba, đề nghị sớm tiến hành điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics. Cần đưa thêm các nội dung liên quan như thương mại điện tử, logistics điện tử, logistics xanh, các trung tâm dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics phát triển đòi hỏi phải hình thành các trung tâm dịch vụ logistics, nhưng các quy định về phát triển trung tâm logistics chưa theo kịp, thông tư cũ đã hết hiệu lực nhưng Bộ Công Thương chưa có quy định quản lý mới phù hợp.

Chau 11

Chau 5

* Cám ơn anh. Một lần nữa xin chúc anh và toàn thể nhân viên VSC cùng các đối tác năm mới an khang thịnh vượng và vạn sự như ý!

 
HỒNG SƠN thực hiện
 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây