Cộng đồng phản ứng nhạc sĩ Quốc Trung

Thứ tư - 11/09/2013 11:17
Phát biểu trong bài phỏng vấn của mình với VTC New nhạc sĩ Quốc Trung đã có những nhận xét hơi quá lời với những người yêu dòng nhạc “Sến”, anh cho rằng: “Những thanh niên trí thức trẻ tuổi, sành điệu nhưng lại đắm đuối với nhạc sến liệu có gọi là bình thường?”. Sau khi bài phỏng vấn được đăng tải trên VTC New đã có nhiều phản ứng khác nhau trong cộng đồng mạng. SGGT xin tổng hợp một số ý kiến để phục vụ bạn đọc
Nhạc sĩ Quốc Trung
Nhạc sĩ Quốc Trung

Trước những phát biểu nêu trên của nhạc sĩ Quốc Trung ngay lập tức cộng động mạng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này, trong đó có lẽ nổi bật nhất  là nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Vinh đang lan truyền trên mạng
 Chúng tôi xin mạn phép nhà văn Nguyễn Quang Vinh  trích dẫn 6 nhận xét của ông trên Blog cá nhân “Vinh Khoai Lang" với nhan đề “Nói với nhạc sĩ Quốc Trung”  với độc giả SGGT.

 Quốc Trung: Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường
» Nhạc sến hồi sinh hay bình phong cho sự bế tắc?
» Quốc Trung không ngại tung hô, chẳng sợ 'ném đá'

 Những nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Vinh:

1.Nghệ thuật (gồm cả âm nhạc, sân khấu, điện ảnh) hay rộng ra là văn chương, điều cốt tử cuối cùng là hay. Hay trước hết là khán giả, đọc giả.

Người sáng tác, sáng tạo nói với nhau tác phẩm tôi hay mà ra công chúng không hoặc ít người chấp nhận thì có thể hoặc là anh hàn lâm quá, anh tài tới độ sáng tác hôm nay cho vài trăm năm nữa người xem mới hiểu, mới thấm, mới thấy hay, hoặc là anh ngạo, anh phớt, anh chểnh chọe, anh tự sướng chứ không hề...hay.


Blog của nhà Văn Nguyễn Quang Vinh (Ảnh chụp màn hình)

2. Với âm nhạc, trông khi chê thế hệ trẻ và lớp khán giả vẫn mê nhạc xưa, vẫn mê những tiết tấu và ca từ mùi mẫn và cho rằng đó là sự lệch lạc, là kém văn minh, là điều nguy hiểm cho xã hội...thì rõ là Quốc Trung quá hàm hồ rồi. Sự sáng tạo trong nghệ thuật khó nhất là để công chúng thích thú, mê đắm.

Những bài hát xưa cũ, giai điệu xưa cũ, ừ thì có nỉ non, ừ thì có ủy mị, nhưng mà trời ơi, đông, rất đông, hầu hết lớp khán giả của nhiều thế hệ vẫn mê thì sao? Thì họ hỏng ư? Thì họ thấp ư? Thì họ lệch lạc trong cảm xúc hoặc nhân cách ư? Nhầm to.

Có những bác học, những vị trí thức lớn vẫn mê mẩn nghe những lời nỉ non, nhạc xưa, có làm cho họ lệch lạc đi đâu, vì đơn giản là giai điệu nó hay, ca từ nó thuần chất, ngọt, chân thực với tâm trạng, đó là sự lựa chọn, như chúng ta thích ăn cơm còn người nước ngoài có thể họ thích ăn bánh mỳ, sự lựa chọn đó chẳng ảnh hưởng gì hết. Tác phẩm miễn hay. Hay thì khán giả thích. Hay thì khán giả nhớ. Hay thì sống bền.

3. Nghệ sĩ là sáng tạo. Đúng rồi. Nhưng trong khi chúng ta chưa đủ tài, thậm chí tác phẩm chúng ta làm ra chưa đủ thời gian trải nghiệm, chưa đủ ngấm, thì khán giả người ta có quyền lựa chọn, không được chê trách họ, không nên lo lắng theo kiểu " lo bò trắng răng" như thế.

Trong khi chúng ta sáng tạo cái mới, có thể đang được ít người chấp nhận, có thể vì chưa hay, có thể vì thói quen, có thể vì ức chế cuộc sống, có thể vì tâm trạng sống.....thì chúng ta phải kiên nhẫn, phải biết chờ đợi, chứ không nên phủi tay mắng khán giả sao không nghe của tôi mà nghe của ông kia bà nọ cách đây cả trăm năm. Nói thế là nói liều.

4. Mình chẳng lo lắng gì khi lớp trẻ, hoặc giới trí thức chẳng hạn, vào những lúc cần thư giãn, họ nghe nhạc sến, họ đọc chuyện tình yêu tay ba tay tư, họ đọc truyện lãng mạn thời xưa, cách đây cả trăm năm....chẳng có gì phải lo, chẳng có gì lệch lạc, chẳng có gì nguy hiểm cho xã hội văn minh. Mọi thứ cuộc sống tự sàng lọc, và các thế hệ khán giả cũng tự sàng lọc, hay thì xưa cũ vẫn quý, vẫn được chuộng, vẫn được trân trọng, dở thì hàn lâm đến mấy, sáng tạo đến mấy, mà không lọt tai, lay tim cũng vứt.

5. Vì sao khán giả thờ ơ với dòng nhạc Việt mới? Hoặc là quá nhợt nhạt về ca từ, về giai điệu, hoặc là quá xa vời về tâm thức người nghe. Anh có tài anh cứ thử nghiệm, anh cứ sáng tạo, nhưng anh không thể ép công chúng chấp nhận ngay cái thử nghiệm sáng tạo của anh được đâu, và càng không được phép bỉu môi, lè lưỡi coi thường thẩm mỹ của họ được đâu.

6. Trước khi cầm bút, điều số 1 là phải biết tôn trọng công chúng sử dụng, đọc, hát, xem tác phẩm của mình. Nếu nhìn công chúng bằng đôi mắt của kẻ bè trên, khinh khỉnh, coi thường thì chính anh sẽ bị công chúng vùi xuống hố.

 Một số ý kiến khác:


Ảnh chụp từ màn hình trên trang VTC New


Một ý kiến khác trên diễn đàn

SGGT

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây