5 cách ghi nhớ nhanh dễ dàng áp dụng

Thứ tư - 01/12/2021 14:00
Có những người có thể ghi nhớ nội dung của một cuốn sách chỉ sau một lần đọc, thì cũng có người đọc nhiều lần vẫn chưa nhớ được hết. Chưa kể có người “nhớ trước quên sau”. Những điều này phụ thuộc vào kỹ năng ghi nhớ khác nhau của mỗi người.
CareerLink
CareerLink
Vậy làm thế nào đểghi nhớ nhanh hơn? Dưới đây là 5 cách ghi nhớ nhanhbạn có thể dễ dàng áp dụng để tạo ấn tượng trong các cuộc phỏng vấn việc làm gần đây.
 

Chăm chỉ ghi chú
 
Nếu là người quan sát tốt, bạn dễ nhận ra thói quen ghi chú của những người thành công, cụ thể như sếp, quản lý của bạn. Khi làm việc, khi trao đổi đối tác, khi lắng nghe thông tin, khi họp hành… họ thường chuẩn bị sẵn cuốn sổ và ghi lại những điều quan trọng. 
 
Đây là một “chiêu” giúp ghi nhớ nhanh hơn và lâu hơn. Bởi viết ra là cách khiến não bộ của bạn phải làm việc ít nhất hai lần. Thông tin được tiếp nhận, chuyển hóa sau đó được bạn sàng lọc và ghi chép.
 
Bạn cũng nên dành ra thời gian nhất định để viết ra giấy những gì bạn đã nhớ từ bộ nhớ của mình. Có thể kiến thức từ một cuốn sách, kiến thức ngành nghề mới… và hệ thống hóa nó. Khi xây dựng được thói quen này thì chắc chắn việc ghi nhớ nhanh với bạn là dễ dàng.
 

Sử dụng ghi âm
 
Cũng giống như ghi chép, ghi âm là cách giúp bạn được tiếp nhận thông tin thêm một lần. Đặc biệt, phương pháp này rất thích hợp khi tham gia hội nghị, hội thảo… hay cuộc họp mà lượng thông tin nhiều và đến từ nhiều nguồn khác nhau.
 
Sử dụng máy ghi âm giúpghi lại kiến thức mà bạn không kịp ghi chép bằng tay. Đồng thời các kiến thức có sự tiếp nối nênkhi nghe lại, bạn dễ dàng hệ thống thông tin, từ đó xâu chuỗi và ghi nhớ chúng theo logic. Hơn nữa, dẫu bạn là người ghi nhớ chậm thì việc nghe đi nghe lại nhiều lần, khả năng ghi nhớ cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
 
Ngoài ra, bạn còn có thể ghi âm chính giọng nói của mình. Khi bạn thích thú với một kiến thức nào đó, hãy đọc to chúng lên và ghi âm lại. Sau đó khi làm việc khác, bạn có thể tranh thủ để nghe lại, kể cả lúc làm việc nhà, đi trên đường hay trước khi đi ngủ. Vừa nghe giọng mình, vừa ghi nhớ kiến thức, cách ghi nhớ nhanh này rất thú vị nên các bạn đừng bỏ qua.
 

Giảng dạy cho người khác
 
Tại sao các thầy cô giáo thường có khả năng ghi nhớ nhanh và lâu? Tại sao trong giáo dục luôn có hoạt động chia nhóm để học sinh tự thảo luận, trao đổi kiến thức cho nhau? Cốt lõi của phương pháp này là khi bạn truyền đạt thông tin cho người khác, bạn sẽ ghi nhớ nhanh hơn và lâu hơn. 
 
Lúc truyền đạt cho người khác, bạn phải hệ thống kiến thức, nắm được bản chất của từng nội dung, cốt lõi của từng vấn đề. Điều này giúp bạn chủ động sắp xếp kiến thức hiệu quả. Bạn không khác gì “người thầy”, sử dụng ngôn ngữ của mình để truyền đạt cho người khác. 
Việc này có đôi chút áp lực nhưng rõ ràng, nó giúp khả năng ghi nhớ của bạn lên tới 90%. Vì thế, hãy sẵn sàng chia sẻ kiến thức, chủ động trình bày một vấn đề hay xung phong hỗ trợ đồng nghiệp mới… bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích.
 

Mô hình hóa bằng sơ đồ tư duy
 
Rõ ràng khi tiếp nhận thông tin bằng chữ viết với một hình ảnh thì bộ não sẽ nhanh chóng ghi nhớ hình ảnh hơn. Đó là lý do vì sao bạn nên dùng sơ đồ tư duy để ghi nhớ nhanh.
 
Sơ đồ tư duy giúp bạn sắp xếp kiến thức một cách có hệ thống chỉ bằng những hình ảnh và từ khóa chính, vừa ngắn gọn, vừa dễ nhớ và dễ hệ thống.
 
Để có được sơ đồ tư duy, bạn cần phải biết chọn lọc kiến thức cốt lõi. Từ đó dùng những hình ảnh, càng đơn giản càng tốt để mô hình hóa. Bạn đừng quá ngạc nhiên nếu một cuốn sách dày nghìn trang chỉ được tóm tắt trên một sơ đồ tư duy một trang. Tất nhiên, nó cũng đòi hỏi bạn phải ghi nhớ một cách chủ động theo tư duy logic.
 

Trải nghiệm thực tế
 
Não bộ liên tục phải tiếp nhận nội dung mới mỗi ngày nên nó cũng đào thải nội dung cũ hoặc nội dung không sử dụng. Bởi vậy, dẫu bạn ghi nhớ tốt nhưng bạn không ứng dụng vào thực tế thì cũng sẽ nhanh quên. Vì thế một trong những cách ghi nhớ nhanh kiến thức là ứng dụng thực tế.
 
Khi tiếp nhận thông tin, bạn hãy suy ngẫm rồi dựa trên hiểu biết để trải nghiệm trong thực tiễn. Nghĩa là học đi đôi với hành, cần vận dụng kiến thức vào công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, để làm điều này cần một quá trình, cần sự kiên nhẫn, tập trung và cả việc chấp nhận những thất bại. Nhưng sau mỗi lần như thế, kiến thức không còn là lý thuyết mà đã thành kinh nghiệm của bạn. Chưa kể trong quá trình áp dụng cách ghi nhớ nhanh này, bạn sẽ khám phá thêm kiến thức mới và hoàn thiện kiến thức cũ.
 
                                                                                           NGUYỄN LÝ

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây