MC Phan Duy Trường - Quái kiệt của làng Văn

Thứ bảy - 17/09/2022 16:14
Anh là một MC chuyên nghiệp sao nhiều người lại gọi anh là "quái kiệt" làng văn? Mới nghe có vẻ nghịch lý nhưng nếu ai đã từng làm việc với MC - Nhà văn Phan Duy Trường thì mới biết cách anh sáng tác và đọc truyện khác người như thế nào?
Nhà văn Phan Duy Trường vừa sáng tác, vừa nghĩ ra lời thoại và bài hát để thu âm tại chỗ
Nhà văn Phan Duy Trường vừa sáng tác, vừa nghĩ ra lời thoại và bài hát để thu âm tại chỗ
Ứng tác và diễn đọc không cần văn bản

Chắc nhiều người đã từng nghe những truyện ngắn hoặc hồi ký của nhà văn Phan Duy Trường do chính tác giả đọc trên YouTube, nhưng ít ai biết rằng hầu hết những truyện ngắn hay hồi ký đó đều được anh sáng tác theo kiểu ứng khẩu, tức ứng tác và diễn đọc tại chỗ không hề có văn bản.

Phan Duy Truong 10
MC - Nhà văn Phan Duy Trường

Những người lần đầu tiên được anh mời tham gia diễn đọc đều ngạc nhên với hình thức này. Bởi khi họ hỏi văn bản đâu, anh chỉ vào đầu và nói: "Đây"! Anh vừa là người sáng tác, vừa là người dẫn truyện. Và mặc dù chẳng hề có một văn bản nào nhưng cách anh diễn đọc thì người nghe khó mà biết được. Bởi câu truyện được anh kể rất trơn tru, lưu loát, mạch lạc và thu hút người nghe bằng giọng đọc trầm ấm, tự nhiên nhưng rất truyền cảm.

Phan Duy Truong 00
Nhà văn Phan Duy Trường ứng tác và diễn đọc tại chỗ

Mọi thứ dường như được anh sắp xếp sẵn trong đầu, từ câu cú, ngôn từ, cấu trúc cho đến các lời thoại đối đáp lẫn nhau... và cứ thế mà anh đọc như đã được thuộc lòng vậy. Còn những người khác được anh mời tham gia diễn đọc thì sao? Không có văn bản thì sao mà đọc? Những người khi đến làm việc cùng anh thì ai cũng vậy hết. Mới đầu thì ngạc nhiên, mắt tròn mắt dẹt và ngưỡng mộ với cách ứng tác và diễn đọc tại chỗ của anh. Các lời thoại thì được anh chỉ cho nội dung, ngữ cảnh như thế và người diễn đọc sẽ đọc theo và diễn cảm theo đường dây, nhân vật của câu truyện.

Phan Duy Truong 8

Cái hay của các ứng tác và diễn đọc tại chỗ này là tác giả cũng sáng tạo mà người tham gia diễn đọc cũng sáng tạo theo cách riêng của mình. Tức không cần theo đúng những gì anh thị phạm, hướng dẫn mà chỉ cần nắm bắt câu chuyện, ngữ cảnh của nhân vật và thể hiện theo cách riêng của người diễn đọc, miễn không sai đường dây của câu truyện là ok.

Phan Duy Truong 3

Lúc đầu thì có vẻ khó nhưng về sau khi quen với cách làm việc này rồi thì những người tham gia diễn đọc lại rất thích vì họ cũng được tự do sáng tạo, được diễn theo nhân vật của mình một cách tự nhiên mà không phải gò bó bời văn bản hay từ ngữ có sẵn...

Phan Duy Truong 4
Êkíp thực hiện truyện ngắn dưới dạng hồi ký 40 đóa hồng

Mới đây, tôi được nhà văn Phan Duy Trường mời đến phòng thu tham gia diễn đọc một truyện ngắn dưới dạng hồi ký 40 đóa hồng do anh sáng tác. Tôi cũng như mọi người rất thích thú và ngạc nhiên với cách anh vừa ứng tác vừa dẫn truyện tại chỗ, vừa đưa lời thoại cho mọi người diễn đọc. Ngay sau buổi làm việc đó, tôi đã có buổi trò truyện riêng với nhà văn Phan Duy Trường để hỏi thêm về cách sáng tác độc đáo này của anh.

* Chào anh Phan Duy Trường. Em đã nghe khá nhiều chuyện ngắn và hồi ký của anh trên YouTube. Thế nhưng hôm nay khi đến phòng thu em mới biết được cách sáng tác và sản xuất truyện ngắn ấy như thế nào! Đúng là quá bất ngờ. Thì ra những truyện anh đọc trên YouTube đều là ứng tác tại chỗ mà không hề có một văn bản hay kịch bản nào? Có phải đó là cách anh đã thực hiện các truyện ngắn của mình trong thời gian vừa qua?


- NHÀ VĂN PHAN DUY TRƯỜNG: Cảm ơn nhà báo đã nghe truyện và đặt câu hỏi. Thật ra thì không phải truyện nào cũng đều ứng tác cả. Nó chỉ là những tiểu thuyết hay những câu truyện mà mình là tác giả, dựng lên nhân vật thì mình có thể ứng tác được. Còn riêng lĩnh vực hồi ký thì mình không có cái quyền đó, bởi mình phải dựa trên mấu chốt của thời gian. Tuy nhiên mình viết ra thành văn bản hay kịch bản thí ít lắm, trừ những trường hợp có quá nhiều địa danh và quá nhiều bối cảnh xảy ra thì mới xài đến bản thảo. Nhưng bản thảo cũng chỉ là tượng trưng thôi, là những gạch đầu dòng để ghi nhớ ngày tháng, thời gian, địa điểm quan trọng và cứ thế vừa kể, vừa ứng khẩu diễn đọc và kết nối câu truyện theo mạch thời gian đã ghi, chứ không phải viết ra thành một câu truyện trọn vẹn. Đó là cách mình làm việc như thế.

Phan Duy Truong

* Anh có thể chia sẻ bí quyết nào anh có thể làm được như thế? Vừa sáng tác tại chỗ, đọc tại chỗ và dàn dựng cho những người tham gia cùng đọc, cùng diễn và cùng hát trong câu chuyện đó mà không cần kịch bản hay bản thảo có sẵn?

- Tất cả đều do luyện thôi chứ cũng không có bí quyết gì. Đầu tiên là mình tập tưởng tượng một bối cảnh, một câu truyện và trong bối cảnh đó có những nhân vật nào, họ nói gì và hoàn cảnh xuất xứ câu truyện đó ra làm sao. Tức mình tập tưởng tượng, tập suy diễn để đẩy cái não mình đi xa hơn và mình mường tượng câu chuyện đó xảy ra trên thực tế và mình đang thực tế chứng kiến. Thì đó là kỹ năng tượng tượng, kỹ năng là phải học, phải luyện, còn kinh nghiệm là do trải nhiều mà có. Cũng may trời thương cho mình có trí nhớ tốt và khả năng tưởng tượng cao. Kỹ năng tưởng tượng mình học được trong thời gian sống trong nhà dòng, mình được học và đào tạo kỹ năng đó, cho nên kỹ năng ứng tác tại chỗ và đưa các nhân vật vào cùng diễn và cùng hát để mình họa cho câu chuyện đó thêm ép phê.



* Anh đã thực hiện theo cách này lâu chưa? Và tính đến nay đã có được bao nhiêu truyện ngắn, hồi ký được kể theo hình thức này?

- Cách ứng tác và cách đọc truyện mà dường như ít dùng bản thảo thì ngay từ những câu chuyện đầu tiên của mình khi hay tin một người bạn ca hát cùng thời với mình từ năm 1992-1993 lìa trần, mình đã kể câu chuyện Dư âm một tiếng hát và cũng bằng phương nhớ đến đâu đọc đến đó. Vì nó là hồi ký mà, nên nó không có trình tự nnất định, nhớ đến đâu kể đến đó và nó trở thành một thói quen. Rồi đó đó mình bắt đầu sáng tác nhiều, cũng bằng cách ứng tác, riêng hồi ký thì mình có viết bản thảo một chút. Số lượng truyện mà mình kể ứng tác cũng có đến khảong cỡ chừng trên dưới 300 truyện, kể cả hồi ký có bản thảo cũng như không có bản thảo. Trước đây do không làm nhạc trực tiếp như bây giờ mà hay lồng nhạc của người khác vào nên Kênh YouTube của mình trước đây bị vi phạm bản quyền và bị đánh sập kênh và mất trên dưới khoảng 200 truyện ngắn. Trong đó có những truyện như 2 thế kỷ 1 cuộc đời, 40 đóa hồng, Giọt sầu viễn xứ, Nỗi lòng chinh phụ...

Phan Duy Truong 2
MC - CSDN Giáng Hương lần đầu tham gia diễn đọc 

* Tức mọi câu chuyện đều nằm trong đầu anh hết, anh đã lên ý tứ trong đầu và khi đến phòng thu anh mới triển khai, vừa ứng tác, vừa dẫn truyện, vừa nghĩ ra lời thoại cho các nhân vật?


- Thú thật nói ra cũng hơi giật mình một tý, có đôi khi mình đến phòng thu rồi ngẫu hứng. Trung tâm nói hôm nay không có truyện, thầy đọc vài truyện đi, cho có truyện để đăng lên với người ta. Lâu quá không thấy thầy xuất hiện đọc. Ok thế là mình đọc, tự sáng tác ngay lập tực khi ở trong phòng thu. Vừa sáng tác, vừa nghĩ xem cho nhân vật nào vào vai, nhân vật phải khổ, phải vui phải sướng ra sao nên mình vừa ứng tác vừa dựng nhân vật lên. Do đó mà cách sáng tác của mình đôi khi không ấp ủ trong não, mà nó ứng tác nhanh tức thời là như vậy.

Phan Duy Truong 9


Những truyện viết sẵn thì để người khác đọc

* Nhưng đã là nhà văn thì chắc cũng có những truyện anh viết ra sẵn để mọi người cứ thế mà đọc chứ?

- Cũng có những truyện mình viết ra để mọi đóc. Mình viết truyện lấy 3 bút danh, trong đó có bút danh Thế Giới Phẳng. Thế Giới Phẳng viết về triết lý nhiều, về kiếp nhân sinh, kiếp con người. Và mình viết ra thành tập, thành bản thảo và để cho ca sĩ Sao Mai đọc và đăng lên. Chẳng hạn như là Thế Giới Phẳng Không Tên số 1, Cây hoa mai tứ quý, Cánh diều biết nói, Say tình... Những truyện mình viết ra như vậy ít khi mình đọc lắm.

Phan Duy Truong 12

* Anh thấy công việc ứng tác và diễn đọc tại chỗ có khó hơn nhiều so với việc đọc 1 câu chuyện có sẵn văn bản? Và thuận lợi của hình thức này là gì?

- Đúng là để đọc một câu chuyện có bản thảo sẵn thì dễ lắm, khi mà cầm sách hay cầm bản thảo mà đọc thôi, rồi diễn thoại theo cái cung bật của nó. Nhưng với một câu chuyện mình vừa phải ứng tác tại chỗ, vừa phải đưa nhân vật vào và đưa nhạc vào cho phù hợp thì khó ở chỗ mình phải biến thành từng nhân vật trong câu chuyện đó. Thí dụ như 2 người yêu nhau, thì lúc đó họ sẽ nói câu gì, mình phải đặt vào cương vị người bạn trai. Sau đó mình lại đặt vào cương vị vào bạn gái tỏ ra vui vẻ hay giận hờn, e dè thế nào... Mình sẽ vào từng cảm xúc của mỗi nhân vật để cho họ ứng xử với nhau và đưa cho họ thoại với nhau, đối đáp với nhau. Ca khúc đưa vào cũng vậy, tùy cảm xúc và nội dung của các nhân vật trong đó mà mình chọn những ca khúc có ca từ phù hợp để đưa vào. Cho nên khi mà vừa ứng tác, vừa diễn đọc tại chỗ mà tác giả phải lo nhiều vai thì đúng là quá khó, khó lắm, được xem là một trong những cái mà nhà văn ngày nay ít ai dám làm chuyện đó.

Phan Duy Truong 5

MC Hoàng Lan tham gia diễn đọc

* Hầu hết trong các truyện ngắn hay hồi ký anh đọc đều có đưa âm nhạc vào. Anh có thể chia sẻ hiệu ứng của việc này ra sao và có phải đó cũng là nét riêng trong các truyện ngắn của Phan Duy Trường?

- Đúng như người ta thường nói, thi ca thường đi chung với nhau. Vì khi thời gian qua đi tất cả đều sẽ mất hết nhưng chỉ có âm nhạc và thi văn còn lưu trữ lại những câu chuyện đó. Cho nên vì vậy mình muốn cho câu chuyện đó hay ngoài những lời thoại, câu chuyện cốt lõi ra thì mình cũng có đưa thêm một vài bài nhạc hay câu hát phù hợp vào. Nếu cần thiết và đuối quá không có bài hát phù hợp thì mình tự sáng tác vài nốt nhạc cho phù hợp với câu chuyện. Chẳng hạn như chuyện Thế Giới Phẳng Say tình, bài hát sáng tác ngay lập tức, có giai điệu sau đặt lời vô. Và mình muốn đó là nét đặc trưng riêng của truyện ngắn Phan Duy Trường.

Ngay cả truyện ngắn hay hồi ký cũng vậy, có rất nhiều bài tình ca ca ngợi hay ca thán về tình yêu. Khi đẹp thì mình ca ngợi và khi đau khổ thì mình ca thán. Với cái hiểu biết hạn hẹp của mình, thì tình ca Việt Nam có trên 5.000 bài, có rất nhiều bối cảnh để các nhạc sĩ sáng tác. Cho nên mình đưa nó vào trong một câu chuyện hay bối cảnh phù hợp thì cũng là điều hợp lệ, hợp lý và để câu chuyện thêm ép phê và bài hát lại thêm một lần nữa hay hơn hơn vì sẽ phù hợp với từng hoàn cảnh một. Cho nên đó là cách riêng, style riêng của mình. Mình mong rằng đó sẽ là sự khác biêt, là chỗ đứng riêng trong cách viết văn của Phan Duy Trường.

Phan Duy Truong 6
Ca sĩ Sao Mai không chỉ đọc mà còn là người hát những ca khúc được lồng vào trong truyện của Phan Duy Trường


* Những kênh nào hiện nay phát hành các truyện ngắn của anh và các hồi ký mà anh thực hiện cho mọi người?

- Thật ra thì mình chỉ có một Kênh YouTube chính thôi, là Truyện ngắn Phan Duy Trường. Nhưng vì mình viết quá nhiều truyện (do đó mà bạn bè hay gọi mình là người nhiều chuyện là vậy - cười!), một số kênh kiếm tiền họ cũng chia sẻ truyện của mình về họ đăng lên, cho nên vì vậy truyện của mình bị nhiều người lấy và đăng ở nhiều nơi khác nhau. Kênh chính của mình vẫn là Truyện ngắn Phan Duy Trường, trong đó có cả những truyện của mình nằm trên kênh của người khác. Và sắp tới đây mình sẽ làm kênh riêng.

Phan Duy Truong 1

* Cám ơn anh. Chúc anh sẽ sáng tác nhiều truyện hay theo hình thức này và Kênh riêng sắp tới của anh sẽ được nhiều người biết đến và vào nghe.

Truyện ngắn mới nhất trên Kênh riêng của nhà văn Phan Duy Trường
 
HỒNG SƠN thực hiện
 

Tổng điểm nội dung là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây