Biên đạo múa Trần Ly Ly: "Tôi là người kĩ tính, thậm chí khó đến khắc nghiệt"

Thứ hai - 25/09/2017 16:11
Lần đầu tiên đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn cho chương trình nghệ thuật "Huyền thoại làng chài" với nhiều tiết mục được đàn dựng công phu và đặc biệt là đề cao yếu tố độc đáo, không đụng hàng. Biên đạo múa Trần Ly Ly tự nhận mình là người kĩ tính, thậm chí khó đến khắc nghiệt, cốt mong sao có thể xây dựng được chương trình đủ sức thu hút công chúng, nuôi sống nhà hát và các diễn viên…
Suốt bao năm qua, bằng tất cả tâm huyết và con tim nhiệt thành, biên đạo múa Trần Ly Ly tự nhận mình là người luôn kĩ tính, thậm chí khó đến khắc nghiệt
Suốt bao năm qua, bằng tất cả tâm huyết và con tim nhiệt thành, biên đạo múa Trần Ly Ly tự nhận mình là người luôn kĩ tính, thậm chí khó đến khắc nghiệt
* Xin chị cho biết lý do vì sao chị nhận để làm Tổng đạo diễn cho chương trình Huyền thoại làng chài?

- Biên đạo múa Trần Ly Ly: Việc khát khao có những chương trình vừa có đặc trưng văn hóa vùng miền, vừa có tính hấp dẫn của công nghệ để thu hút khán giả và tự nuôi sống chính chương trình, nuôi sống cả hệ thống nhà hát và các diễn viên luôn đau đáu trong tôi. Tôi đã tham gia nhiều dự án lớn nhỏ. Và gần đây bắt đầu có những dự án dài hơi, các dự án này để biểu diễn liên tục và thu hút du lịch.



Khi được mời làm Tổng đạo diễn đồng thời dàn dựng toàn bộ chương trình Huyền thoại làng chài, tôi cảm thấy có rất nhiều hứng thú. Bản chất là việc tôi thích nghiên cứu văn hóa, tôi thích văn hóa các vùng miền. Mà đặc trưng ở Phan Thiết - Mũi Né có quá nhiều nét văn hóa đẹp mà tôi có thể khai thác.

Trong Tishermen Show tôi đặt ra 3 nét văn hóa chính mà tôi phải bám vào: một là văn hóa đời sống của dân biển: là chợ cá, là bão biển, là “đom đóm” biển; hai là văn hóa của người Chăm: là các toà tháp cổ, là Apsara, là Shiva... là Lễ hội Kate; ba là Lễ cầu ngư mà tại Vạn Thủy Tú của Phan Thiết được xây dựng năm 1762 để thờ bộ xương cá ông lớn, dài 22m tuyệt đẹp… Tất cả những điều ấy là chất liệu phong phú để tôi có thể xây dựng kịch bản và thực hiện show.



* Cái khó nhất khi chị bắt tay vào thực hiện show này là gì?

Tôi là người kĩ tính, thậm chí khó đến khắc nghiệt. Tôi biết sai nên hay sợ sai. Vì thế tôi tham vấn các nhà nghiên cứu văn hóa gốc Chăm để tìm hiểu về họ, tham vấn các nhà nghiên cứu và các nhà biên đạo, đạo diễn của Phan Thiết và các vùng lân cận để hiểu rõ và làm cho chính xác. Ai am hiểu cái gì thì làm cái đó. Tôi may mắn có được êkip giỏi và am hiểu các phần khác nhau. Trong vở này có cả nhạc và hát live của người Chăm. Thu nhạc cũng rất kĩ càng, thậm chí phải dịch nghĩa các lời hát Chăm. Về trang phục và đạo cụ tôi cũng tham vấn các nhà nghiên cứu và thực hiện chuẩn xác…

* Các diễn viên tham gia chương trình có gặp phải áp lực gì không? Riêng bản thân chị có chăng việc đặt ra những mục tiêu cần phải chinh phục để tạo nên một show diễn nghệ thuật hấp dẫn?

- Làm một show lớn 60 phút là điều vất vả và khó khăn. Hơn nữa diễn viên là các bạn ở đoàn Tỉnh thì sự va chạm về chuyên môn chưa nhiều vì thế đòi hỏi chuyên môn với các bạn sẽ gây ra áp lực của sự căng thẳng. Nhưng thực sự trong nghệ thuật không có áp lực thì không làm được việc. Trong quá trình tập luyện, tôi luôn cố gắng khơi mở để làm sao khai thác hiệu quả nhất khả năng của các bạn, các bạn cũng rất siêng năng tập luyện, kèm theo tinh thần học hỏi cao nên đôi bên bắt được những điểm chung để phối họp nhịp nhàng cùng nhau xây dựng, làm cho vở diễn thăng hoa. Bên cạnh đó luyện được cho các bạn cách làm việc chuyên nghiệp và đoàn kết trong từng tiết mục của vở diễn cũng là một điều vô cùng đáng quý.



Tôi luôn nhắc nhở không chỉ riêng các bạn mà còn với tất cả mọi người là không có tình yêu với nhau và đam mê nghề nghiệp thì không bao giờ thành công. Qua từng buổi tập luyện, trải qua nhiều vất vả cùng nhau, các bạn diễn viên vừa sợ vừa yêu tôi. Tôi thổi vào các bạn một mục tiêu nghệ thuật cao hơn chứ không tự thỏa mãn với kết quả mình đang đạt được. Mặc khác êkip của tôi có những người bạn đồng hành quan trọng từ đầu cho tới cuối góp phần làm nên thành công của tác phẩm đó là đạo diễn Cao Trung Hiếu và đạo diễn âm nhạc - nhạc sĩ Mạnh Tiến, còn nhiều người bạn nữa mà tôi không thể kể hết...

Giữa rất nhiều show nghệ thuật (cũng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, được nhiều nước trong khu vực đầu tư chăm chút rất nhiều và đã có thương hiệu riêng) thì Huyền thoại làng chài có tự tin không để trở thành một “đặc sản nghệ thuật” của Phan Thiết và Việt Nam nói chung?

- Huyền thoại làng chài tự tin để trở thành đặc sản nghệ thuật của Phan thiết đấy chứ, bởi về bản chất những nét văn hoá đặc trưng tuyệt vời của Phan thiết đã được thể hiện trong show Huyền thoại làng chài.



Sự phối hợp đời sống dân dã, nét văn hoá đặc trưng, pha trộn cả sự giả tưởng, phối hợp với công nghệ và sân khấu hiện đại sẽ đem đến cho các bạn một sản phẩm mà tôi cùng đội ngũ êkip thực hiện chương trình luôn tràn trề hi vọng trong thời gian tới, đây sẽ là show diễn mà các bạn không thể bỏ qua khi có dịp đến vùng đất xinh đẹp giàu bản sắc văn hóa này.

* Cám ơn chị, chúc chị cũng như show diễn Huyền thoại làng chài sẽ thành công và ngày càng được nhiều người đến xem và đón nhận.


SGGT thực hiện

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây