Có dấu hiệu “sản xuất” khai sinh giả cho người chết!
Cụ Trần Thị Ngọc Thanh kể lại bi kịch oan sai trong nước mắt: “Sau hơn 30 năm chung sống trong gia đình ấm áp tình mẫu tử, cháu Bùi Hữu Đức đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 30/9/2013, ở tuổi 48. Tuy không phải dứt ruột đẻ ra nhưng tôi luôn xem Đức như con ruột của tôi. Còn gì đau hơn khi người đầu bạc phải nghẹn lòng tiễn người đầu xanh”!
Ký ức ùa về, cụ Thanh kể lại câu chuyện của 60 năm trước. Năm 1963, cụ Thanh được lãnh đạo Ban An ninh T4 (Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) phân công hoạt động nội thành và bố trí đến ở tại nhà thuốc số 866 - 868 (nay là số 722 - 724 Điện Biên Phủ, phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh) của cụ Bùi Hữu Ngự (sinh năm 1929). Căn nhà này là nơi giao nhận tài liệu bí mật của Khu ủy xuyên suốt từ năm 1963 đến năm 1975. Với những đóng góp cho cách mạng, cụ Trần Thị Ngọc Thanh được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất ngày 29/8/1984.
Quá trình hoạt động tại căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ, lúc đầu cụ Thanh và cụ Ngự chỉ đóng vai vợ chồng, nhằm tạo vỏ bọc hợp pháp và tránh sự dòm ngó của người khác. Chỉ một thời gian ngắn, giữa hai người phát sinh tình cảm, rồi chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1963, cho đến khi cụ Ngự qua đời năm 1985. Quá trình chung sống, cụ Thanh hết mực yêu thương, chăm sóc cụ Ngự, khi cụ Ngự qua đời, cụ Thanh tổ chức tang lễ chôn cất, lo thờ cúng cho đến nay.
Giấy khai sinh giả “qua mặt” công chứng viên?!
Quá trình chung sống với cụ Thanh, cụ Ngự cho biết có con trai tên Bùi Hữu Đức, sống ở thị xã Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai (nay là TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với cụ Phạm Thị Sửu từ nhỏ. Do cụ Sửu qua đời nên cụ Ngự muốn đưa con về sống tại nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ.
Ngày 25/2/1978, cụ Ngự viết đơn gửi Sở Công an TP Hồ Chí Minh, Ty Công an quận 10 và Công an phường 13 (nay là phường 10, quận 10) xin cho con được chuyển về thành phố. Trong đơn, cụ Ngự trình bày rõ: “Tôi có đứa con nhỏ tên Bùi Hữu Đức, từ bé cháu sống với bà Phạm Thị Sửu, cư trú tại số 4 đường Nguyễn Vĩnh Trinh, thị xã Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai. Nay bà Sửu qua đời, tôi xin cháu Đức được về sống chung với tôi tại TP Hồ Chí Minh. Kính mong Sở Công an duyệt và chấp thuận. Kèm theo đây là tờ khai tử của cụ Phạm Thị Sửu (sinh năm 1904, mất ngày 21/12/1977) và tờ thay thế khai sinh của cháu Đức”.
Tờ thay thế khai sinh chính là giấy “Thế vì khai sinh” được lập ngày 6/12/1972, tại Toà hoà giải quận Thuận Nhơn, tỉnh Phong Dinh (nay là TP Cần Thơ), do cụ Ngự làm đơn xin vì Giấy khai sinh của con trai Bùi Hữu Đức đã bị thất lạc. Tờ trích lục y bản chính giấy “Thế vì khai sinh” được thẩm phán Toà hoà giải quận Thuận Nhơn Lê Hoàng Thoại ký ngày 6/1/1973, xác định: “Bùi Hữu Đức (nam) sanh ngày 5/2/1966 tại xã Trường Long (Phong Dinh) là con của Bùi Hữu Ngự và Nguyễn Thị Cảnh (mất tích)”.
Giấy khai sinh ông Bùi Hữu Đức được cụ Võ Thị Cảnh xác định là có dấu hiệu giả |
Tờ “Thế vì khai sinh” xác định mẹ ruột của ông Bùi Hữu Đức là cụ Nguyễn Thị Cảnh |
Sau khi hoàn tất các thủ tục, cụ Ngự đưa con trai Bùi Hữu Đức về sống chung tại căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ. Cụ Thanh khẳng định: “Tôi là người trực tiếp làm thủ tục nhập hộ khẩu cho Đức, chăm sóc, lo mọi việc ăn ở, học tập cho cháu. Không may, Đức bị bệnh, nhập viện, rồi qua đời, tôi là người trực tiếp và duy nhất lo cho cháu. Tình cảm giữa tôi và Đức thật sự là tình mẫu tử, chăm sóc yêu thương lẫn nhau. Chính vì thế nên trước khi qua đời năm 2013, cháu Đức đã làm di chúc cho tôi được thừa hưởng căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ. Tôi đã sinh sống tại căn nhà này từ năm 1963 đến nay đã gần 60 năm. Và tôi cũng là người đang thờ cúng cụ Bùi Hữu Ngự và cháu Bùi Hữu Đức”.
Cựu An ninh T4 Trần Thị Ngọc Thanh bày tỏ bức xúc: “Cái chết của cháu Đức gây cú sốc lớn cho tôi. Càng buồn hơn khi cháu còn sống, cho đến khi ngã bệnh, không ai đến nhận là bà con ruột thịt để chăm sóc, động viên, an ủi tinh thần. Chỉ có lão đây ở bên cháu, lo cho cháu đến giây phút cháu rời bỏ cuộc đời. Vậy mà khi Đức vừa nằm xuống, bỗng có người đứng ra tự nhận là mẹ ruột bằng những chiêu trò vi phạm pháp luật”.
Sau khi ông Bùi Hữu Đức qua đời, cụ Võ Thị Cảnh (VO CANH THI), sinh năm 1928, Việt kiều Mỹ đứng ra nhận ông Đức là con ruột của mình.
Để chứng minh người chết là con ruột, cụ Cảnh trưng ra “Giấy khai sinh” được cấp lại ngày 8/5/2010 mang số 368, quyển số 1966, thể hiện các nội dung như sau:
“Họ và tên: Bùi Hữu Đức
Ngày, tháng, năm sinh: 5/2/1966.
Nơi sinh: Bệnh viện Ninh Kiều, Cần Thơ
Họ tên cha: Bùi Hữu Ngữ, năm sinh 1929
Nơi thường trú/tạm trú: Quân nhân
Họ tên mẹ: Võ Thị Cảnh, năm sinh 1928
Nơi thường trú/tạm trú: 110 Lò Hột, TX Trà Vinh - Tỉnh Trà Vinh
Nơi đăng ký: UB hành chánh tỉnh Trà Vinh
Ngày, tháng, năm đăng ký: 16/2/1966.
Ghi chú: Cấp lại Bản chính 8/5/2010
Họ và tên người đi khai sinh: Nguyễn Huân.
Người ký giấy khai sinh: Nguyễn Công Tài - P. TƯ PHÁP T. TRÀ VINH”.
Qua kiểm tra, đối chiếu, ông Dương Tài Năng, Trưởng phòng Phòng Tư pháp thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, khẳng định: “Phòng Tư pháp thành phố Trà Vinh không có tham mưu UBND thành phố cấp Giấy khai sinh mang tên Bùi Hữu Đức, sinh ngày 5/2/1966, mang số 368, quyển số 1966. Nội dung các thông tin trong bản photo Giấy khai sinh mang tên Bùi Hữu Đức ghi không đúng theo quy định của Thông tư 08.a/2010/TT- BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch và Phòng Tư pháp thành phố hiện không có lưu trữ sổ hộ tịch cấp lại bản chính Giấy khai sinh. Từ những căn cứ nêu trên, Phòng Tư pháp thành phố Trà Vinh xác định Giấy khai sinh mang tên Bùi Hữu Đức, sinh ngày 5/2/1966 là giả mạo”.
Phòng Tư pháp thành phố Trà Vinh xác định Giấy khai sinh mang tên Bùi Hữu Đức, sinh ngày 5/2/1966 là giả mạo |
Khai nhận di sản thừa kế bằng giấy khai sinh giả
Cụ Trần Thị Ngọc Thanh cho biết: “Trước khi lãnh đạo Phòng Tư pháp TP Trà Vinh lên tiếng, tôi đã phát hiện Giấy khai sinh mang tên Bùi Hữu Đức có dấu hiệu là giả bởi một loạt chi tiết sai nghiêm trọng, cụ thể như tên cụ Bùi Hữu Ngự biến thành “Bùi Hữu Ngữ”; không có nơi thường trú hay tạm trú nào là “Quân nhân”; cũng không có cơ quan nào là “P. TƯ PHÁP T. TRÀ VINH”. Quan trọng hơn, tờ “Thế vì khai sinh” ghi rõ mẹ ruột của cháu Đức tên Nguyễn Thị Cảnh đã bị mất tích từ hơn 40 năm trước, không phải cụ Võ Thị Cảnh …”.
Sau khi có Giấy khai sinh có dấu hiệu giả, cụ Võ Thị Cảnh đã uỷ quyền cho bà Lê Thị Bạch Yến Hương (sinh năm 1961, cư trú số 15/2 Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) tiến hành khai di sản thừa kế là căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ, phường 10, quận 10.
Căn cứ vào Giấy khai sinh có dấu hiệu giả, dễ nhận ra do Lê Thị Bạch Yến Hương nộp, Công chứng viên Nguyễn Kim Chi, Phòng Công chứng số 4, TP Hồ Chí Minh đã hạ bút ký chứng nhận Văn bản khai nhận di sản thừa kế số 48954 cho cụ Võ Thị Cảnh vào ngày 28/11/2013, sau khi ông Bùi Hữu Đức qua đời chưa đầy 2 tháng.
Cụ Thanh có đơn tố cáo gay gắt Công chứng viên Nguyễn Kim Chi, được lãnh đạo Phòng Công chứng số 4 mời cụ làm việc ngày 19/6/2014. Cụ Thanh trình bày: Ông Bùi Hữu Đức là con ruột của cụ Bùi Hữu Ngự và cụ Nguyễn Thị Cảnh, nhưng trong Văn bản khai nhận thừa kế số 48954 do Công chứng viên Nguyễn Kim Chi ký chứng nhận ngày 28/11/2013 ghi mẹ ruột ông Đức là cụ Võ Thị Cảnh (sinh năm 1928, quốc tịch Hoa Kỳ). Cụ Cảnh sử dụng Văn bản khai nhận thừa kế này để tranh chấp căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ. Cụ Thanh khẳng định, cụ Võ Thị Cảnh không phải mẹ ruột của ông Bùi Hữu Đức.
Ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó trưởng phòng Phòng Công chứng số 4, nêu ý kiến, xác định: Theo quy định của pháp luật, người yêu cầu công chứng chịu trách nhiệm về các giấy tờ của mình. Theo hồ sơ khai nhận di sản thừa kế đã được Công chứng viên Nguyễn Kim Chi chứng nhận, thì người yêu cầu công chứng là cụ Võ Thị Cảnh do bà Lê Thị Bạch Yến Hương làm đại diện, theo văn bản ủy quyền số 045186 cũng do Phòng Công chứng số 4 chứng nhận ngày 4/11/2013, đã xuất trình giấy khai sinh của ông Bùi Hữu Đức thể hiện cha cụ Bùi Hữu Ngữ và mẹ là cụ Võ Thị Cảnh (chứ không phải Nguyễn Thị Cảnh). Văn bản khai nhận di sản thừa kế nêu trên được niêm yết tại UBND phường 10, quận 10 từ ngày 13/11/2013, trong thời hạn 15 ngày, các cá nhân tổ chức nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót di sản thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại là ông Bùi Hữu Đức thì khiếu nại tố cáo đó được gửi về Phòng Công chứng số 4 TP Hồ Chí Minh. Sau 15 ngày, nếu không nhận được khiếu nại tố cáo nào thì Phòng Công chứng số 4 tiến hành chứng nhận Văn bản thừa kế nêu trên. Mọi tranh chấp, khiếu nại (nếu có) sẽ do Toà án giải quyết”.
Ông Phó trưởng phòng Hoàng Trọng Nghĩa cho rằng: “Trình tự thủ tục chứng nhận Văn bản thừa kế cho cụ Cảnh đã được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp cụ Thanh có cơ sở cho rằng cụ Võ Thị Cảnh đã làm giả bản khai sinh của ông Bùi Hữu Đức, cụ có thể liên hệ với cơ quan công an để tố cáo hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cụ Cảnh”.
Cụ Thanh nêu ý kiến: “Tôi cho rằng nội dung khai sinh của ông Bùi Hữu Đức là có giả mạo, yêu cầu Phòng Công chứng số 4 cho sao lục bản khai sinh này”.
Ông Phó trưởng phòng Hoàng Trọng Nghĩa từ chối: “Phòng Công chứng số 4 không thể cung cấp cho bà được, trừ trường hợp có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử, thi hành án, liên quan đến việc đã công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và giấy tờ khác có liên quan”.
Tuy ký tên rút tố cáo đối với vị công chứng viên Nguyễn Kim Chi, nhưng cụ Thanh vẫn luôn cho rằng bà Chi “có vấn đề”. Một công chứng viên đầy kiến thức pháp luật trong đầu, dày dạn kinh nghiệm như bà Nguyễn Kim Chi nhưng lại bị “hoa mắt” trước một Giấy khai sinh nhìn là biết có dấu hiệu giả, ở chỗ người ký Giấy khai sinh ghi “P. TƯ PHÁP T. TRÀ VINH”. Nhưng công chứng viên Nguyễn Kim Chi lại ký chứng nhận Văn bản khai nhận di sản thừa kế, mở đường cho phía cụ Võ Thị Cảnh thực hiện các bước tiếp theo, đích cuối cùng là nhằm lấy toàn bộ căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ.
Cụ Thanh cho biết, chính cụ Võ Thị Cảnh đã thừa nhận Giấy khai sinh Bùi Hữu Đức được cấp lại ngày 8/5/2010 mang số 368, quyển số 1966 là giả. Thừa nhận Giấy khai sinh có dấu hiệu giả, nhưng cụ Cảnh đổ thừa cho “dịch vụ đã tự làm”, cụ không biết. Diễn biến của vụ việc cho thấy có cả một đường dây làm giả giấy tờ, trong đó giấy khai sinh có dấu hiệu giả được bà Lê Thị Bạch Yến Hương mang đến Phòng Công chứng số 4, TP Hồ Chí Minh để khai nhận di sản thừa kế. Rõ ràng, phải có người yêu cầu hay nhờ làm thì đường dây mà cụ Cảnh cho là “dịch vụ” mới làm Giấy khai sinh có dấu hiệu giả, không ai bỗng dưng mang Giấy khai sinh biếu không cho phía cụ Cảnh. Như vậy, chính cụ Võ Thị Cảnh hoặc có người đứng sau cụ Cảnh “chạy” Giấy khai sinh có dấu hiệu giả, rồi sử dụng để khai nhận di sản thừa kế là căn nhà 722 - 724 Điện Biên Phủ, lộ rõ hành vi “sử dụng giấy tờ, tài liệu giả”, vi phạm pháp luật hình sự.
Cụ Thanh bức xúc: “Tiếp theo vụ khai sinh có dấu hiệu giả, phía cụ Võ Thị Cảnh đã “dựng lên ba vụ án tranh chấp”. Tất cả đều được TAND quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thụ lý. Ở cái tuổi cổ lai hy, gần đất xa trời, tôi bị cuốn vào vòng xoáy tố tụng suốt gần một thập niên với hàng loạt bản án từ sơ thẩm, đến phúc thẩm rồi giám đốc thẩm. Khủng khiếp hơn, Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã bị Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao bác bỏ, đồng thời TAND Tối cao quyết định giữ nguyên Bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh. Trong khi bản án phúc thẩm này lộ rõ dấu hiệu oan sai nghiêm trọng, thể hiện đẩy cụ 90 tuổi, có công với cách mạng như tôi ra khỏi căn nhà đã sinh sống suốt gần 60 năm, hiện đang thờ cúng cụ Bùi Hữu Ngự và con trai Bùi Hữu Đức…”.
Cụ Trần Thị Ngọc Thanh viết đơn kêu oan |
Ý kiến bạn đọc