Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Bình: "Hết rồi còn chăng dư âm thôi..."

Thứ sáu - 23/05/2014 09:47
Sáng nay trời âm u, mưa lất phất buồn. Như thường lệ, trước khi làm việc tôi hay lướt 1 vòng trên mạng xem tin tức có gì mới không. Ai ngờ đọc được thông tin nhạc sĩ Thanh Bình đã mất lúc 4g sáng nay 23/5/2014. Hóa ra trời đổ mưa khóc người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh. Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Bình - tác giả ca khúc nổi tiếng "Tình lỡ" như đã vận vào số kiếp của ông.
Nhạc sĩ Thanh Bình thời còn trai trẻ
Nhạc sĩ Thanh Bình thời còn trai trẻ
Người nhạc sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Thanh Bình không chỉ có mỗi ca khúc Tình lỡ, mà ông còn là tác giả của những ca khúc: Còn nhớ hay quên, Đừng đến rồi đi (1959), Tiếc một người (1972)... Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Tình lỡ - bản tình ca đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất cao tiếng hát chinh phục trái tim khán giả mộ điệu, đã biết bao nước mắt, nụ cười xúc cảm theo lời ca. Cái thời khắc phân ly kẻ đi người ở đã để lại cho đời một tác phẩm mà mãi đến bây giờ hầu như ai ai cũng biết, cũng nghêu ngao thấm thía đến từng từ của cái phận đời đen bạc.

Bìa ca khúc Tình lỡ
 
Trên trang facebook cá nhân, nhà báo Hà Đình Nguyên tâm sự: "Đêm 22/5 mình hầu như không ngủ: coi một bộ phim hành động (Mỹ) rồi bật đèn ngồi viết bài giới thiệu cho Tuyển tập ca khúc chọn lọc "Cho tôi được một lần" của nhạc sĩ BảoThu (sắp in). Viết mải miết đến 4 giờ (ngày 23/5) thì điện thoại réo. Đầu dây là ca sĩ Ánh Tuyết, Tuyết rủ mình qua nhà nhạc sĩ Thanh Bình vì cô Phượng (cháu gái của NS Thanh Bình) vừa khóc vừa gọi cho Ánh Tuyết, bảo là "Cậu em nguy lắm rồi". Ánh Tuyết đi qua đó một mình thì sợ nên rủ mình đi cùng. Nhà mình lại là nhà trọ, chủ họ khóa cổng, rất bất tiện khi dắt xe ra ngoài... Đến 4g45 thì Ánh Tuyết gọi lại, bảo: "Không kịp nữa rồi. Chú Thanh Bình đã mất từ lúc 4 giờ". Mình lặng cả người...

Trưa hôm qua, vào FB của nhóm "Sài Gòn ơi, Ta vẫn nhớ" thấy có đăng bài Những nẻo đường Việt Nam của NS Thanh Bình, mình bèn lục lại tấm ảnh chụp chung với lão nhạc sĩ nhân hôm đưa ca sĩ Ánh Tuyết đến thăm ông (sau khi mình phát hiện ra ông vẫn còn sống ở Sài Gòn và đã viết bài "Nhạc sĩ Thanh Bình: Nghe vàng mùa thu sau lưng ta..." đăng trên báo Thanh Niên. Mình post lên cả ảnh lẫn đường link bài viết lên FB của nhóm đó. Bước xuống tầng hầm để xe của tòa soạn, gặp đồng nghiệp Thanh Tùng (chuyên viết mảng y tế). Thấy mình, Thanh Tùng hát liền: "Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi"... Thanh Tùng nói với mình: "Hồi trẻ nhạc sĩ Thanh Bình đẹp trai quá anh nhỉ! Cả nhà em ai cũng thích hát bài Tình lỡ của ổng"... Ai dè, mới nhắc đến ông thì chỉ vài giờ sau là ông mất...

Một nhạc sĩ đẹp trai, tài hoa nhưng long đong lận đận, đau khổ bệnh tật đeo bám suốt đời. Có lẽ từ sau khi mình phát hiện rồi viết bài về ông (tháng 11/2013), được bạn đọc báo Thanh Niên giúp chút ít, rồi ca sĩ Ánh Tuyết vận động bằng hữu cũng như làm đêm nhạc cho ông, ca sĩ Lệ Quyên cũng hưởng ứng làm đêm nhạc cho ông, thì có lẽ con tim cằn cỗi, bệnh tật của ông chỉ mới ấm lên đôi chút. Số tiền giúp đỡ ông, được khoảng hơn 100 triệu, cũng không để ông ăn uống cho thỏa, mà gởi tiết kiệm, để dành... Ai ngờ lại dành để lo hậu sự cho ông. Xót xa quá...!

Nhạc sĩ Thanh Bình trong mắt của nhà báo Hà Đình Nguyên

Tôi đến và bắt gặp một ông già trên 80 tuổi, khuôn mặt thật hiền lành, mặc bộ pyjama đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa nhà. Hỏi: Chú là nhạc sĩ Thanh Bình phải không ạ? Ông cười hiền: Đúng rồi! Tôi tặng ông cuốn Chuyện tình nghệ sĩ do tôi biên soạn và nói với ông là mình rất thích bài Tình lỡ của ông, ông hỏi: Bài đấy hay không? - Hay chứ ạ, cháu hát cho chú nghe nhé: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha…”. Ông ngồi gật gù nghe tôi hát, thỉnh thoảng hỏi xen vào “Bài này hay không?”. Cơ khổ, đầu óc của một ông già hơn 80 tuổi đã không còn minh mẫn, ngoài tên thật: Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, còn lại là những khoảng ký ức ít ỏi…

Người viết phải cố gợi lại trong trí nhớ của ông từng chi tiết nhỏ. Ông cho biết mình học nhạc với một ông thầy ở Thanh Hóa dạo tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1946-1947), rồi sau đó tự học và phát triển thêm…

Hỏi về bóng hồng nào đã khiến ông phải đau khổ để viết nên tác phẩm Tình lỡ, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào.

Tôi vào Nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”.


Nhạc sĩ Thanh Bình với tập sách Chuyện tình nghệ sĩ do nhà báo Hà Đình Nguyên tặng

Theo tìm hiểu của người viết thì Tình lỡ là ca khúc chính được sử dụng  trong phim Nàng do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1970 (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, phim đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần 17). Góp mặt trong phim này có: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân và cả ca sĩ Phương Hoài Tâm... Ở cuối phim, Vân (Thẩm Thúy Hằng) đi dọc bãi biển trong buổi chiều lộng gió, tà áo dài bay phất phơ lồng trong tiếng hát của Khánh Ly: “... Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi... Con đường mình đi sao chông gai. Bước vào đời nhau qua bao nay. Em ơi, em ơi! sao đắng cay...”.

Ca sĩ  Ánh Tuyết ngậm ngùi

Trong một bài viết gần đây ca sĩ Ánh Tuyết, người kêu gọi quyên góp chữa bệnh cho ông tâm sự: 
"Ðã gần 60 năm trời tên ông chỉ được nhắc qua loa, mơ hồ chiếu lệ thôi. Trong khi mỗi đứa con tinh thần của ông ra đời đều lập tức thấm sâu vào tận đáy lòng người yêu nhạc. Những ai dù chỉ một lần nghe qua giai điệu ca từ của ông cũng dễ lưu giữ trong tâm tư, và chắc sẽ mãi khó quên. Những bài hát mà hầu hết ca sĩ nổi danh của chúng ta đã hái ra tiền từ đó không ít. Ấy vậy mà... giờ đây có mấy ai biết, hay ít nhất thoáng nghĩ về người nhạc sĩ ấy".


Ca sĩ Ánh Tuyết trong một lần đến thăm nhạc sĩ Thanh Bình (năm 2013): 
“Tôi muốn chúng ta cùng giúp ông có một sổ tiết kiệm, đỡ bớt giùm cái nghèo cái khổ đã đeo bám ông suốt cả cuộc đời”  - Ảnh: Bạch Mai


Tiểu sử nhạc sĩ Thanh Bình

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh. Mồ côi mẹ khoảng 10 hay 11 tuổi sau vài năm cha mất. Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đáng nhớ đã lần lượt ra đời trong những thập niên 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Ðừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng), Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu... Ông có một chị và hai em gái. Nay chị và em gái út đã mất, còn cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc gì. Năm 19 - 20 tuổi ông viết truyện dài Gió dập mưa vùi, Mình còn trẻ lắm. Khoảng 1952 - 1953, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo: Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ... với bút danh Thanh Bình. Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng là cậu ruột của ông nhưng ông lại say mê cảm hứng học nhạc từ giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa. Từ năm 1950 - 1954, ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi sau đó vào Nam khai sụt tuổi để trốn lính.

HỒNG SƠN - TIỂU VŨ 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây