Vụ án tham ô ở Quận 10, TPHCM: Hai bị cáo kêu oan điều gì?
- Thứ hai - 02/09/2024 13:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhân viên… “4 không” (?!)
Cáo trạng của VKSND Q10 xác định: Công ty Cổ phần K Beauty Center – K Dentist (“Công ty K Dentist, P4, Q10) chuyên làm dịch vụ nha khoa với các cổ đông Trần Tú Kiều (Giám đốc điều hành, người đại diện pháp luật), Lưu Quốc Bảo và Diệp Tuấn Kiệt.
Công ty K-Dentis thuê Tâm và Sang làm việc, không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng có thỏa thuận công việc. Từ tháng 10/2019 – 5/2022, Tâm là nhân viên tư vấn khách hàng (KH) và thu ngân, nhận lương từ 6 – 16 triệu đồng/tháng. Khi KH có nhu cầu làm răng (niềng, trám, bọc sứ…), Tâm tư vấn và báo chi phí từng loại dịch vụ. Sau khi thống nhất với KH, Tâm báo cho bà Kiều hoặc ông Bảo để xem xét, quyết định, rồi phân công bác sĩ thực hiện.
Về thanh toán: Nếu KH trả tiền mặt, Tâm phải nộp lại cho kế toán Công ty K-Dentis trong ngày, còn trả bằng thẻ tín dụng thì quẹt qua máy POS đặt tại công ty hoặc chuyển khoản vào số tài khoản của công ty.
Từ tháng 10/2021 – 3/2022, Sang được công ty tuyển dụng làm nhân viên tư vấn KH, lương 8 triệu đồng/tháng.
Luật sư Nguyễn Nguyện Xuân Thảo
Quá trình rà soát, công ty ghi nhận có 3 KH chưa thanh toán đủ tiền. Cụ thể: KH tên Linh (ngụ P10, Q.Tân Bình) còn thiếu 30 triệu đồng; KH tên Thái (ngụ P15, Q8) thiếu 17,5 triệu và KH tên Hân (ngụ P14, Q8) thiếu 10 triệu. Trong khi đó, cả 3 KH này đã thanh toán xong. Sau khi công ty phát hiện, Tâm và Sang đã tự ý nghỉ việc nên bà Kiều có đơn đề ngày 23/8/2022 tố cáo.
Đối với Tâm: Ngày 19/12/2021, Tâm tư vấn cho KH Hân niềng răng, giá 65 triệu đồng. Bà Hân đã thanh toán 55 triệu cho công ty. Ngày 29/5/2022, bà Hân nhắn tin cho Tâm để chuyển số tiền còn lại. Tâm không cung cấp tài khoản công ty mà nhắn tin số tài khoản cá nhân (TKCN) của Tâm để bà Hân chuyển 10 triệu đồng, rồi chiếm đoạt. Đầu tháng 5/2022, Tâm tư vấn cho KH Thái bọc 12 răng sứ, giá 18,5 triệu đồng, đặt cọc 1 triệu. Ngày 07/5/2022, Tâm cung cấp số TKCN của mình cho bà Thái chuyển 17,5 triệu đồng, rồi chiếm đoạt.
Đối với Sang: Tháng 02/2022, Sang tư vấn cho KH Linh, bọc 31 răng sứ giá 48,5 triệu đồng, hưởng chênh lệch 10 triệu (giá công ty 38,5 triệu). Ngày 28/02/2022, bà Linh chuyển 8,5 triệu đồng vào TKCN của Sang. Ngay trong ngày, Sang đã quẹt máy POS, chuyển số tiền này cho công ty.
Ngày 02/3/2022, sau khi nhận chuyển khoản 20 triệu đồng của bà Linh (trong đó có 10 triệu chênh lệch), Sang chuyển 5 triệu chia cho Tâm qua TKCN của Tâm. Ngày 11/3/2022, bà Linh chuyển tiếp 20 triệu đồng, Sang chuyển cho Tâm 10 triệu, ghi nội dung “CK tien mua tour Phú Quốc” (chuyển tiền mua tour du lịch Phú Quốc), thực tế là tiền làm răng của bà Linh.
Cáo trạng quy kết: Tâm đã chiếm đoạt của Công ty K-Dentis 3 lần với tổng số tiền 37,5 triệu đồng; Sang 2 lần với 20 triệu. Tâm đã nộp lại 16,1 triệu đồng; Sang nộp lại toàn bộ 20 triệu. Số tiền nộp lại (36,1 triệu đồng), Cơ quan điều tra đã giao trả cho ông Bảo.
TAND Q10 mở phiên xét xử sơ thẩm ngày 25/6/2024 với HĐXX do Thẩm phán Mai Hiếu Hạnh làm Chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Nguyễn Thị Tuyết Hồng và Nguyễn Thị Kim Hồng, tuyên Bản án số 80/2024/HS-ST (Bản án số 80), xử phạt Tâm 8 năm tù, Sang 7 năm tù về tội “Tham ô tài sản” theo điểm c, khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Sau khi án tuyên, Tâm và Sang cùng kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phạm tội “Tham ô tài sản” do Công ty K-Dentis tuyển 2 bị cáo làm việc dưới dạng “4 không”. Cụ thể: Không ký HĐLĐ; không đóng Bảo hiểm xã hội; không đóng Bảo hiểm y tế; không được phân công nhiệm vụ cụ thể bằng văn bản; không có quy định, quy chế làm việc; không thỏa thuận về các quyền lợi của người lao động được hưởng theo Bộ luật Lao động.
Số tiền 10 triệu đồng Châu Văn Sang đã chuyển cho Công ty ngày 05/3/2022 cần được xem xét lại
Những điểm “mờ” chưa được làm rõ
Kèm đơn kêu oan, ông Sang trình bày: Bản án số 80 quy kết bị cáo chiếm đoạt nhiều lần là không đúng. Thực tế, khoản tiền 20 triệu đồng (gồm 10 triệu của công ty và 10 triệu hưởng chênh lệch) được KH Linh chuyển cho Sang ngày 02/3/2022, khi bị cáo đang nghỉ phép. Đến 05/3/2022, khi đi làm lại, Sang đã chuyển ngay 10 triệu từ TKCN của Sang qua máy POS của Công ty K-Dentis, ghi rõ nội dung: “GD THE QUA POS SO THE 422149…5822 NGÀY 05/03/2022 TAI MPOS NK K DENTIS QUAN 10 VN APPCODE 959298 TID 80254117”. Như vậy, bị cáo chỉ chịu trách nhiệm với số tiền 10 triệu, nhưng không phải là hành vi tham ô. Bản án quy kết bị cáo tự ý nghỉ việc sau khi bị phát hiện chiếm đoạt tiền là không đúng. Sự thật là tại thời điểm tháng 3/2022, Sang mắc Covid-19 nên xin nghỉ việc, được ông Bảo – bà Kiều chấp thuận nên được trả lương đầy đủ.
Ngoài tiền hoa hồng, ông Bảo – bà Kiều còn “thưởng nóng” cho nhân viên khi tư vấn thành công cho KH với mức dịch vụ cao. Cụ thể, nếu “chốt” được KH từ 50 triệu đồng trở lên cho ông Bảo thì được “thưởng nóng” 2 triệu đồng; cho bà Kiều thì “thưởng nóng” 3 triệu, trả theo tháng hoặc quý.
Bị cáo xác định: “Thực tế, tôi tư vấn thành công rất nhiều KH, thu về cho công ty hàng tỷ đồng, đã được ông Bảo – bà Kiều “thưởng nóng” như thỏa thuận. Trước khi nghỉ việc do bị Covid-19, vẫn còn 5 KH (2 của ông Bảo, 3 của bà Kiều), tôi chưa được 2 người này “thưởng nóng” với số tiền 13 triệu đồng, nên giữ lại 10 triệu đồng của KH Linh. Sau khi nghỉ việc, tôi chờ ông Bảo – bà Kiều gọi lên để thanh lý, nhưng lại bị 2 người này tố cáo chiếm đoạt. Tôi thừa nhận, việc giữ 10 triệu là sai, nhưng bản án quy kết tôi tội “tham ô” thì oan quá!”.
Bà Tâm trình bày: Bị cáo thừa nhận việc giữ lại tiền của KH là không đúng, nhưng đây không phải là hành vi tham ô. Thứ nhất, Công ty tuyển Tâm và Sang làm việc dưới dạng “4 không”. Thứ hai, Công ty có 2 máy POS mang tên “K Dentist”, nhưng thực tế cả hai máy liên kết với hai TKCN tên “Trần Tú Kiều” và “Lưu Quốc Bảo”. Thứ ba, vụ việc xảy ra tháng 5/2022, thời điểm đó Tâm đang làm việc tại công ty, nếu có ý định chiếm đoạt thì bị ông Bảo – bà Kiều phát hiện ngay. Thứ tư, số tiền Tâm giữ là tiền mượn tạm, bị cáo không hề trốn tránh, đã liên lạc với công ty yêu cầu trả lương tháng 6/2022 để thanh lý nhưng không được.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư (LS) Nguyễn Nguyện Xuân Thảo – Giám Đốc Công ty Luật Saigon Shield (Đoàn LS TPHCM) nêu quan điểm: Điều kiện đủ của “Tội tham ô tài sản” là người phạm tội phải có hành vi “chiếm đoạt tài sản”, làm cho chủ tài sản mất quyền quản lý hoặc mất quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đó. Trong vụ án này, 2 bị cáo đều báo cáo đầy đủ số tiền mà các KH đã chọn theo từng gói dịch vụ nha khoa. Giám đốc, quản lý, bác sĩ và kế toán đều ghi nhận số tiền cần phải thu và dịch vụ cần phải làm đối với các KH này. Các bị cáo cũng đã chuyển 1 phần tiền của gói dịch vụ mà KH trả về công ty theo quy định. Như vậy, công ty hoàn toàn không mất quyền quản lý đối với khoản tài sản là tiền dịch vụ mà KH phải trả. Trong thực tế, các công ty sẽ lập bảng đối chiếu công nợ và yêu cầu nhân viên của mình hoàn trả. Công ty K Dentist không làm như vậy mà âm thầm gửi đơn tố cáo. Trong khi đó, các nhân viên đang chờ đợi sự đối chiếu công nợ từ công ty; bởi theo họ, công ty vẫn còn đang nợ họ tiền lương, tiền hoa hồng, tiền “thưởng nóng”… Số tiền mà họ đang tạm giữ từ công ty là tương đương, thậm chí còn thấp hơn so với số tiền đáng lý phải nhận được.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, Công ty K Dentist phải ký HĐLĐ và ban hành đầy đủ các nội quy lao động, quy định, quy chế làm việc, quy chế lương thưởng… bằng văn bản công khai trong toàn thể người lao động, được sự xác nhận của đại diện công đoàn, đại diện tập thể người lao động… Trong vụ án, tất cả đều thể hiện bằng “thỏa thuận miệng” không có giá trị pháp lý, trái với các quy định của pháp luật trong việc vận hành hoạt động của một công ty cổ phần. Do đó, việc các bị cáo kêu oan là có căn cứ.