SAI GON GIAI TRI

https://saigongiaitri.net


Phản hồi bài Chuyện siêu lạ ở Q.Bình Thạnh: Các bên liên quan nói gì?

Ngày 20-9-2022, Ban Chuyên đề Công an TPHCM nhận được "văn bản kiến nghị” (VBKN) đề ngày 15-9-2022 của Ni sư (NS) Thích nữ Tâm Hải (thế danh Trần Thị Huyền) - trụ trì chùa Thái Bình (P13, Q.Bình Thạnh, TPHCM) ký, nêu một số vấn đề liên quan đến nội dung bài viết.
Công nhân lao động tại dự án Trường Đại học Văn Lang

Phía trường Đại học Văn Lang (ĐHVL) phản hồi việc "chặn đường, ngăn xe" đã chấm dứt, công trình tiếp tục thi công, công nhân và người lao động hồ hởi làm việc. Đại diện Tòa soạn cũng đã trao đổi với Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Q.Bình Thạnh…

Tóm tắt nội dung kiến nghị

VBKN do NS Thích nữ Tâm Hải cho rằng thông tin trong bài báo do Trường ĐHVL cùng nhà thầu thi công Dự án của trường cung cấp đã "xâm phạm danh dự, nhân phẩm và bôi nhọ các Ni (nữ tu) chùa Thái Bình". Từ đó, NS đề nghị hai đơn vị này yêu cầu Báo CATP cải chính. Những vấn đề NS nêu trong VBKN, được tóm tắt như sau:

1) Bài báo cho rằng chùa Thái Bình xây hàng loạt công trình trái phép, mới nhất là khu nhà khoảng 100m2 được xây dựng "lậu".

Khu nhà này là nơi ở của các Ni, xây năm 2001. Từ khi Trường ĐHVL xây dựng, các xe vận tải nặng qua lại hẻm 39 thì khu nhà bị xuống cấp nhanh chóng, hư hỏng trầm trọng nên nhà chùa phải tự bỏ tiền để sửa chữa đầu năm 2022. Việc sửa chữa khu nhà không làm thay đổi kết cấu, diện tích nên các cơ quan quản lý xây dựng không có ý kiến gì. Khu nhà tọa lạc ngay sát đường, sửa chữa trong nhiều tháng, sao lại nói xây "lậu"!?

2) Bài báo cho rằng "xây trái phép" ăn vạ” chủ công trình... có phép (?!)

NS cho rằng, các con hẻm đường Đặng Thùy Trâm đều có biển cấm xe trên 5 tấn. Nhưng từ năm 2018, biển cấm này đã bị ai đó tháo dỡ và các phương tiện vận tải cực lớn tự do lưu thông. Hậu quả là nhà chùa bị hư hỏng nặng khu nhà sát đường và cả chánh điện.

Năm 2019, trong lúc nhà chùa sửa lại chánh điện, ông Bùi Quang Độ (Chủ tịch HĐQT Trường ĐHVL) đến chùa xin cho trường được cúng dường toàn bộ chi phí sửa chữa chánh điện xem như bồi thường một phần thiệt hại đã gây ra cho chùa. Trước thiện chí và sự cầu thị của ông Độ, nhà chùa đồng ý để trường cúng dường 1,1 tỷ đồng chi phí sửa chữa chánh điện. Sau đó, ông Độ cho người dự thảo "bản cam kết" ngày 10-6-2019.

Cam kết nhưng trường không thực hiện, phương tiện ra vào không có sự điều tiết kiểm soát, hỗn loạn, rú ga, ồn ào suốt đêm, gây rung lắc làm lún nứt khu nhà vừa sửa chữa tốn rất nhiều tiền. Khi chúng tôi yêu cầu khảo sát như đã thỏa thuận thì nhà trường không hợp tác. Để bảo vệ tài sản vừa sửa chữa với chi phí hơn 6 tỷ đồng, không còn cách nào khác là phải ngăn chặn các xe quá tải qua hẻm 39 vì trường đã vi phạm cam kết. Việc ngăn chặn các phương tiện để bảo vệ tài sản của mình sao lại nói "ăn vạ”?

Phản hồi của Chuyên đề Công an TPHCM

VBKN do NS Tâm Hải ký, quy kết và đưa ra đề nghị đối với Trường ĐHVL cùng nhà thầu thi công Dự án, chứ không yêu cầu hay đề nghị gì đối với Ban Chuyên đề Công an TPHCM. Tuy nhiên, trên tinh thần cầu thị, tôn trọng sự thật khách quan và để rộng đường dư luận, chúng tôi xem xét, phản hồi theo VBKN.

Qua kiểm tra tài liệu, chứng cứ thu thập, Ban Chuyên đề Công an TPHCM có cơ sở xác định: Nội dung chính mà bài báo đề cập là việc người dân phản ánh một số sư cô chùa Thái Bình "chặn đường, ngăn xe" là hành vi trái pháp luật; đồng thời đề nghị xử lý nhiều công trình xây trái phép tại chùa. Qua xác minh của nhóm PV, phản ánh của người dân là có thật.

Thứ nhất, liên quan đến xây trái phép: Chính NS Tâm Hải đã thừa nhận trong VBKN việc xây dựng khu nhà không có giấy phép đúng như báo phản ánh; trong khi theo quy định thì phải có giấy phép xây dựng (GPXD) do cơ quan thẩm quyền cấp. Hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép mà theo quy định phải có GPXD sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, đồng thời buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP "xử lý vi phạm hành chính về xây dựng" ngày 28-01-2022 của Chính phủ.

Bản cam kết và văn bản ngày 31-8-2018 của Trường ĐH Văn Lang gửi các cơ quan chức năng

Trong bài báo có dẫn lời bức xúc của người dân về "khu nhà ở khoảng 100m2 xây dựng "lậu" đầu năm 2022". Từ "lậu" là để phản ánh hành vi xây không phép hoặc trái phép, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép, đúng với thực tế diễn ra.

Theo Ni sư, việc "sửa chữa" (thực chất là xây mới) khu nhà sát đường trong nhiều tháng nhưng các cơ quan quản lý xây dựng không có ý kiến gì? Việc này, Chuyên đề Công an TPHCM sẽ có văn bản đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, rất cần sự công khai, minh bạch những hạng mục xây dựng, sửa chữa không phép đã tiêu tốn hơn 6 tỷ đồng, theo xác định của Ni sư Tâm Hải trong VBKN? Trong đó, cả khoản "cúng dường - công đức" 1,1 tỷ đồng của Trường ĐHVL đã được Ni sư sử dụng như thế nào?

Thứ hai, liên quan đến nội dung "xây trái phép "ăn vạ” chủ công trình... có phép?":

Trên thực tế, việc "chặn đường, ngăn xe" đã được Ni sư Tâm Hải tổ chức nhiều lần, trong đó lần 1 cách đây 4 năm. Cụ thể: Ngày 05-8-2018, Ni sư cho dựng các khối bê tông chắn ngang 2/3 tuyến hẻm 39 Đặng Thùy Trâm, gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ngày 31-8-2018, Chủ tịch HĐQT Trường ĐHVL lúc này là ông Bùi Quang Độ (đã qua đời) ký nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, nêu rõ: "Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, động viên, đến ngày 23-8-2018, Ni sư trụ trì đồng ý để Trường ĐHVL ký quỹ tiền mặt 500 triệu đồng cho chùa Thái Bình.

Theo "Biên bản thỏa thuận", khi số tiền ký quỹ không đủ để sửa chữa, khắc phục hư hỏng do xây dựng trường gây ra (nếu có), trường sẽ thanh toán thêm; nếu dư thì trường sẽ ủng hộ vào quỹ xây dựng chùa. Sau đó, Ni sư đột ngột đổi ý, không ký "biên bản thỏa thuận", đòi Trường ĐHVL phải xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa mới. Đây rõ ràng là yêu cầu hết sức vô lý, vượt quá khả năng của Trường ĐHVL. Thực tế các ảnh hưởng do xe chở vật liệu ra vào chỉ làm nứt nhỏ các bức tường rào, không đáng kể...".

Sau nhiều tháng nhà trường vận động, thuyết phục, Ni sư đã chấp thuận ký vào "Bản cam kết" ngày 10-6-2019, đồng thuận và ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho Trường ĐHVL sử dụng hẻm 39 đến khi Dự án hoàn thành. Nhà trường sẽ "cúng dường - công đức" số tiền 1,1 tỷ đồng để trùng tu chùa, khắc phục các khu vực bị ảnh hưởng. Nếu có vi phạm khách quan xảy ra thì mong nhà chùa góp ý, nhà trường sẽ tiếp thu sửa chữa, kiểm tra và chấn chỉnh, thực hiện đúng theo cam kết.

Sau gần 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh, Dự án vừa khởi động lại vào tháng 7-2022 thì bị Ni sư tổ chức "chặn đường, ngăn xe" lần thứ hai, bắt đầu từ đêm 11-8-2022. Phía nhà trường và nhà thầu xây dựng nhiều lần đến chùa trao đổi, ghi nhận ý kiến của Ni sư cùng sư cô Liên và sư cô Huệ An. Cuối cùng hai bên thỏa thuận, nhà trường tiếp tục ủng hộ chùa Thái Bình 1 tỷ đồng để phục vụ cho các hoạt động của chùa. Quá trình thi công Dự án nếu dãy nhà bên hông hẻm 39 của chùa có xảy ra hư hỏng, thì trường sẽ sửa chữa, khắc phục, chi phí do trường chi trả.

Khi "bản cam kết" đưa đến chùa, Ni sư lại thay đổi, yêu cầu nhà trường "xây dựng ngôi chùa mới"(?!).

Sau đó, nhà trường tiếp tục thương thảo với Ni sư, lập "bản cam kết" thứ 2 (1 tỷ đồng, bổ sung 300 triệu đồng ký quỹ bảo hiểm dãy nhà) rồi "bản cam kết" thứ 3 (1 tỷ + 300 triệu + 10 triệu đồng "cúng công đức mỗi tháng") nhưng Ni sư vẫn chưa chấp nhận.

Do nhà trường không thể "xây ngôi chùa mới", Ni sư tiếp tục tổ chức "chặn đường, ngăn xe" mức độ dày hơn. Cho đến khi Chuyên đề Công an TPHCM phản ánh ngày 09-9-2022 thì trật tự mới được vãn hồi.

Hơn 4 năm trước, Ni sư tổ chức "chặn đường, ngăn xe", để ra yêu sách đòi Trường ĐHVL "xây lại ngôi chùa mới", sau đó chấp nhận số tiền 1,1 tỷ đồng. Nay tái diễn "chặn đường, ngăn xe", cũng với "bổn cũ soạn lại" nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Với những gì đã diễn ra, nội dung bài báo phản ánh đúng sự thật. Việc làm, hành vi của Ni sư Tâm Hải đã quá rõ. Tuy nhiên, bài báo không hề kết luận mà chỉ đặt vấn đề có hay không việc "ăn vạ” với dấu chấm hỏi ("?") rất rõ ràng.

Do đó, Ni sư quy kết Chuyên đề Công an TPHCM "xâm phạm" và "bôi nhọ” là hoàn toàn không có căn cứ. Mục đích mà bài báo phản ánh để Ni sư với vai trò trụ trì nhận thấy hành vi "chặn đường, ngăn xe" là sai trái dẫn đến hàng loạt hậu quả nghiêm trọng (bài báo cũng đã chỉ ra). Cụ thể: Gây mất an ninh trật tự; hàng trăm công nhân và người lao động bị khốn đốn vì "đứt gãy" việc làm nhiều ngày; nhà thầu đã chịu thiệt hại hàng tỷ đồng... Nghiêm trọng hơn, việc làm của Ni sư dễ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, vì bất cứ ai chỉ cần nêu lý do "không còn cách nào khác" thì thoải mái tổ chức "chặn đường, ngăn xe", bất chấp quy định pháp luật?

Một điều đáng ghi nhận: Chính Ni sư Tâm Hải thấy rõ tính đúng đắn của bài phản ánh nên chấm dứt việc "chặn đường, ngăn xe". Trật tự tại tuyến hẻm 39 Đặng Thùy Trâm đã được tái lập, hàng trăm công nhân, người lao động đã có công việc làm ổn định. Phía nhà trường vẫn tiếp tục thương thảo để đạt được sự thoả thuận...

Thứ ba, đến thời điểm này, ngoài VBKN đề ngày 15-9-2022 "yêu cầu đối với Trường ĐHVL và nhà thầu thi công Dự án", Chuyên đề Công an TPHCM chưa nhận bất kỳ văn bản đề nghị hay yêu cầu nào từ Ni sư Thích nữ Tâm Hải hoặc của các cơ quan chức năng. Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi Chuyên đề Công an TPHCM thực hiện bài viết, nhưng Ni sư lại gửi đơn đến một cơ quan khác, đưa toàn bộ nội dung VBKN chưa được kiểm chứng lên không gian mạng, tạo điều kiện cho các thế lực phản động lợi dụng để xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng đến Chuyên đề Công an TPHCM. Việc này nhất định sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây