SAI GON GIAI TRI

https://saigongiaitri.net


Nhiều tình tiết bất ngờ vụ cựu An ninh T4 kêu oan (kỳ cuối)

Chưa đầy 24 giờ sau khi có trong tay văn bản chứng nhận "khai nhận di sản thừa kế" căn nhà số 722 - 724 Điện Biên Phủ (ĐBP) bằng giấy khai sinh giả, cụ Võ Thị Cảnh biến mình thành con nợ "khủng", cam kết trả nợ bằng cách bán căn nhà này cho chủ nợ. Chỉ 4 tháng sau, cụ bà U86 tiếp tục làm bị đơn trong vụ kiện mới "đòi tiền vay", cũng được TAND Q.Bình Thạnh thụ lý. Cựu An ninh T4 Trần Thị Ngọc Thanh bị kéo vào vòng xoáy tố tụng với tư cách là "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan"...
Cụ Trần Thị Ngọc Thanh làm việc với phóng viên Báo Công An TP.HCM

Được tòa thương thì "trái ấu... cũng tròn"(!)

Ngày 21-4-2014, ông Nguyễn Văn Hải (SN 1959, ngụ xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) phát đơn khởi kiện cụ Võ Thị Cảnh "đòi tiền vay", nội dung: "Tôi đã cho bà Cảnh vay 2 tỷ đồng. Bà Cảnh đã ký nhận đủ 2 tỷ đồng ngày 29-12-2012 và cam kết sau khi thừa kế căn nhà 722 - 724 ĐBP thì bán lại cho tôi giá rẻ (5 tỷ đồng). Nay, tôi yêu cầu bà Cảnh trả lại 2 tỷ đồng, nếu chưa thanh toán được thì tòa buộc bà Cảnh phải bán cho tôi căn nhà 722 - 724 ĐBP".

Kèm theo đơn kiện là "biên nhận nhận tiền" đề ngày 29-11-2012, nội dung: "Tôi tên Võ Thị Cảnh, Passport (hộ chiếu) số 452951999, cấp tại Mỹ, có nhận của ông Nguyễn Văn Hải số tiền 2 tỷ đồng, hẹn 12 tháng sau trả...".

Nhận đơn kiện chưa tới 48 tiếng đồng hồ, TAND Q.Bình Thạnh lại sốt sắng ra thông báo thụ lý ngày 25-4-2014 với bị đơn là cụ Cảnh, quốc tịch Mỹ. Tại thời điểm tòa thụ lý, cụ Cảnh đang nghỉ ngơi bên Mỹ sau chuyến bay dài từ Việt Nam (VN), cất cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 14 giờ 11 ngày 23-4-2014!

TAND Q.Bình Thạnh mở phiên tòa với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Thanh Vân ngồi ghế chủ tọa, cùng hai hội thẩm Mã Văn Trọng và Nguyễn Thị Nhơn, tuyên Bản án sơ thẩm số 195/2016/DS-ST ngày 29-01-2016: Buộc cụ Cảnh phải trả ông Hải 2 tỷ đồng. Cụ Cảnh là người hưởng di sản của ông Bùi Hữu Đức căn nhà 722 - 724 ĐBP; buộc cụ Thanh và những người đang sống tại căn nhà này phải giao trả nhà cho cụ Cảnh.

HĐXX đưa ra nhiều nhận định nghiêng hẳn về phía bị đơn, trong đó có 3 điểm "thương" cụ Cảnh đến khó tin! Thứ nhất, việc vay, nhận tiền cả nguyên đơn và bị đơn đều cho rằng đã "nhầm lẫn" ghi ngày 29-11-2012, đúng phải là ngày 29-11-2013. HĐXX thấy lời khai này là "phù hợp" (?!). Thứ hai, trong thời gian tòa án thụ lý vụ án, cụ Cảnh có tạm trú tại số 15/2 Nguyễn Huy Tưởng, P6, Q.Bình Thạnh từ ngày 28-3-2014 đến ngày 28-6-2014. Thứ ba, theo "hợp đồng lao động" thể hiện cụ Cảnh có lao động tại VN. Việc già yếu không liên quan đến quyền được lao động, nhất là công việc "cố vấn" (?!).

Cụ Trần Thị Ngọc Thanh trình bày nỗi oan ức với phóng viên

Tại Bản án phúc thẩm số 1039/2017/DS-PT ngày 21-11-2017, TAND TPHCM với HĐXX gồm 3 thẩm phán Lê Thanh Huyền (chủ tọa), Nguyễn Tiến Dũng và Phan Thị Út, tuyên: Cụ Cảnh trả nợ 2 tỷ đồng cho ông Hải. Cụ Cảnh có toàn quyền sở hữu nhà 722 - 724 ĐBP; buộc cụ Thanh giao trả nhà cho cụ Cảnh trong vòng 2 tháng...

Tại Quyết định Giám đốc thẩm (GĐT) số 290/2018/DS-GĐT ngày 29-8-2018, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm nêu trên, liên quan đến phần giải quyết về tranh chấp di sản thừa kế căn nhà 722-724 ĐBP. Liên quan đến việc vay 2 tỷ đồng, HĐXX xác định là có thật nên giữ nguyên.

Tại Quyết định GĐT số 37/2021/DS-GĐT ngày 23-9-2021, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao do ông Nguyễn Văn Du (Phó chánh án TAND Tối cao) ngồi ghế chủ tọa cùng các thẩm phán Ngô Hồng Phúc, Trần Hồng Hà, Đào Thị Xuân Lan và Lê Văn Minh, tuyên hủy Quyết định GĐT số 290/2018/DS-GĐT, giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 1039/2017/DS-PT của TAND TPHCM.

Lộ rõ dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án (?)

Trưng bằng chứng, luật sư Trần Hải Đức cùng 6 luật sư đồng nghiệp đưa ra ít nhất 3 căn cứ để tái thẩm vụ án:

Căn cứ thứ nhất: Kịch bản "vay nợ" ngày 29-11-2012 bị "bắt bài" do thời điểm này, cụ Cảnh không về VN và ông Đức chưa qua đời nên cụ Cảnh không thể "tế sống" để khai nhận thừa kế căn nhà rồi hứa bán cho ông Hải. Từ đó, 2 bên cùng hô biến thời gian "vay nợ" thành 29-11-2013. Nhưng "biên nhận nhận tiền" lập ngày 29-11-2013 cũng là giả mạo do thời điểm này cụ Cảnh cũng không có mặt tại VN. Minh chứng rõ ràng cho việc này là Văn bản số 016A/P4 ngày 25-01-2016 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, xác định: Từ đầu năm 2012 đến đầu năm 2016, cụ Võ Thị Cảnh, quốc tịch Mỹ, xuất nhập cảnh VN 4 lần, đều qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sân Nhất. Cụ thể:

Lần 1: Cụ Cảnh nhập cảnh vào VN ngày 25-6-2013 bằng Hộ chiếu số 452951999, Visa số E0527556. Sau 20 ngày lưu trú, cụ xuất cảnh ngày 15-7-2013.

Lần 2: Cụ Cảnh quay lại VN lúc 10 giờ 32 phút ngày 03-11-2013; xuất cảnh lúc 15 giờ ngày 13-11-2013.

Lần 3: Cụ Cảnh nhập cảnh VN lúc 10 giờ 13 phút ngày 28-3-2014; xuất cảnh lúc 14 giờ 11 ngày 23-4-2014.

Lần 4: Cụ Cảnh quay lại VN lúc 10 giờ 9 phút ngày 28-5-2014; rời đi lúc 11 giờ 46 phút ngày 18-6-2014.

Cả 3 lần sau, cụ Cảnh sử dụng Hộ chiếu số 452951999, Visa số AR0602788.

Văn bản số 016A/P4 ngày 25-01-2016 của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an

Văn bản số 016A/P4 xác nhận rõ cụ Cảnh từ Mỹ nhập cảnh VN ngày 03-11-2013, lưu trú đúng 10 ngày thì xuất cảnh ngày 13-11-2013. Đến ngày 28-3-2014, cụ Cảnh mới quay trở lại VN. Như vậy, tại thời điểm ngày 29-11-2013, cụ Cảnh không thể nào từ Mỹ "tàng hình" về VN để ký giấy tờ. Đây là chứng cứ xác thực chứng minh "biên nhận nhận tiền" ngày 29-11-2013 là ngụy tạo.

Luật sư Đức lên tiếng: "Cả 4 cấp tòa đều xác định cụ Cảnh có vay 2 tỷ đồng ngày 29-11-2013 là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án; ra bản án, quyết định trái pháp luật. Đây là cơ sở vững chắc để tái thẩm vụ án".

Căn cứ thứ hai: Văn bản số 016A/P4 của Bộ Công an chứng minh, tại thời điểm TAND Q.Bình Thạnh thụ lý vụ kiện ngày 25-4-2014, cụ Cảnh đã về Mỹ. HĐXX sơ thẩm đã xem xét văn bản này nhưng lại xác định cụ Cảnh tạm trú tại VN từ ngày 28-3-2014 đến 28-6-2014 là hoàn toàn sai sự thật, mang tính cố ý. Chưa hết, HĐXX còn nhận định kiểu "suy đoán", cho rằng cụ Cảnh 86 tuổi vẫn "lao động" tại VN bằng "hợp đồng lao động" với công việc "cố vấn" (?!).

Trong Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 16/QĐKNPT-DS ngày 29-02-2016, Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của bán án sơ thẩm, trong đó có hai vấn đề vừa nêu trên và cần phải thu thập chứng cứ từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. HĐXX phúc thẩm không thu thập, cũng không xem xét, làm rõ nhiều vấn đề mấu chốt dẫn đến tuyên Bản án số 1039/2017/DS-PT vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng lẫn nội dung, lộ rõ oan sai. Bản án này đã bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy là có căn cứ, đúng pháp luật, nhưng sau đó lại được TAND Tối cao "giữ nguyên" nên những "lỗ hổng" pháp lý vẫn còn nguyên đó.

Căn cứ thứ ba: Cả hai bản án đều xác định cụ Cảnh là người hưởng di sản thừa kế căn nhà 722-724 ĐBP; buộc cụ Thanh và những người đang ở tại căn nhà trên giao trả nhà. Tại quyết định thi hành án (THA), Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.10 cũng yêu cầu "giao trả nhà”. Vậy thì quyền sử dụng đất gắn liền với căn nhà 722-724 ĐBP sẽ xử lý như thế nào? Trong khi đó, di chúc của ông Bùi Hữu Đức lập cho cụ Thanh bao gồm cả sở hữu nhà và quyền sử dụng đất số 722-724 ĐBP.

Tiếp nhận đơn khiếu nại của cụ Thanh và gia đình, ngày 24-8-2022, lãnh đạo Cục THADS TPHCM có căn bản yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS Q10 có văn bản báo cáo, sao gửi hồ sơ THA về Cục THADS TPHCM trước ngày 31-8-2022; đồng thời giải quyết đơn của cụ Thanh, gửi kết quả giải quyết về Cục THADS trước ngày 09-9-2022.


Luật sư tìm chứng cứ... trên đất Mỹ (!)

Liên quan đến việc THA, ngày 15-4-2022, Chi cục THADS Q10 ra quyết định "THA theo yêu cầu". Tiếp đến, ngày 22-7-2022, Chấp hành viên Trần Công Hữu ký quyết định "cưỡng chế THA". Cùng ngày, Chấp hành viên Hữu ký thông báo ấn định thời gian cưỡng chế lúc 8 giờ 30 sáng 08-9-2022. Dù cụ Thanh và gia đình liên tục có đơn xin hoãn THA nhưng chưa được xem xét.

Sáng 26-8-2022, Chấp hành viên Hữu dẫn đầu một đoàn 10 người đến nhà cụ Thanh để "động viên, thuyết phục tự nguyện THA". Cụ Thanh khẩn thỉnh: "Xin được tạm dừng việc cưỡng chế để xem xét lại bản án theo quy định pháp luật; đồng thời đề nghị xác minh xem cụ Võ Thị Cảnh đã chết hay còn sống?". Con gái cụ Thanh xin dừng việc cưỡng chế đến ngày 07-10-2022. Tuy nhiên, thỉnh cầu của hai mẹ con cụ Thanh bị khước từ vì "Hội đồng THA Q10 không có thẩm quyền để xem xét việc dừng cưỡng chế".

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi lãnh đạo TPHCM và các cơ quan chức năng, cụ Thanh trình bày 3 lý do để hoãn cưỡng chế:

Một là, cần xem lại "hợp đồng ủy quyền" THA đề ngày 10-11-2021 của cụ Võ Thị Cảnh. Hợp đồng này không có dấu lăn tay của cụ Cảnh, chữ kí không giống với nhiều chữ do cụ ký trước đây. Theo thông tin do thân nhân của cụ Thanh từ Mỹ thì cụ Cảnh có thể đã "quy tiên" ngày 20-6-2020. Hiện tại luật sư Đức đang có mặt tại Mỹ, khẩn trương thu thâp thông tin này.

Hai là, Chi cục THADS Q10 ra Quyết định THA theo đơn yêu cầu của người đại diện theo ủy quyền của cụ Cảnh, trong khi có nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ủy quyền trên có dấu hiệu làm giả. Chi cục THADS Q10 không yêu cầu người ủy quyền và nhận ủy quyền có mặt (ít nhất là lần đầu) để kiểm tra, xác thực tính pháp lý của văn bản ủy quyền.

Ba là, việc tổ chức cưỡng chế THA đúng vào dịp cả nước mừng lễ Quốc Khánh 02-9 đối với cụ Thanh - người có công đối với cách mạng là việc làm đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho gia đình chính sách...

(Theo Báo Công An TP.HCM)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây