Mâu thuẫn - kiện tụng gần 10 năm, sao vẫn ép liên doanh ?
- Thứ sáu - 15/07/2022 08:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vậy nên, Phán quyết trọng tài tại Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa trị giá 140 triệu USD tại Long An đã… cưỡng bức, “đánh đố”, khiến cả ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp bị vùi chôn cùng Dự án gần 10 năm.
Hai doanh nghiệp mâu thuẫn gần 10 năm, vẫn bị “ép duyên”
Gần đây nhất, vào ngày 29/4/2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An cùng cơ quan liên quan đã mời Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát, tỉnh Long An) và Công ty China Policy Limited (Công ty CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) ngồi lại về việc thực hiện Phán quyết trọng tài trong vụ kiện số 29/12 ngày 25/4/2013 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) về việc lập liên doanh để thực hiện Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa quy mô 500 ha tại huyện Đức Hòa (Long An), với vốn đầu tư 140 triệu USD.
Kết thúc buổi họp “nảy lửa” giữa 2 doanh nghiệp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An yêu cầu: “Trong thời hạn 30 ngày, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL có trách nhiệm thỏa thuận, tiến hành các thủ tục cần thiết để xin các cơ quan có thẩm quyền thành lập công ty liên doanh theo Phán quyết trọng tài”…
Hết hạn 30 ngày, mới đây, Công ty Hồng Phát báo cáo vẫn không thể thành lập liên doanh, bởi cả 2 bên thậm chí đã thành đối thủ của nhau.
Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa tại huyện Đức Hòa (Long An) tới giờ vẫn dở dang |
Theo Công ty Hồng Phát, không phải đến cuộc họp ngày 29/4/2022, mà tại rất nhiều cuộc họp trước đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã yêu cầu 2 công ty đàm phán, thỏa thuận thành lập công ty liên doanh, nhưng đều bất thành. Tính từ năm 2014, khi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có Quyết định số 01/QĐ-CTHA để thi hành Phán quyết năm 2013 của VIAC, tới nay đã 7 năm 7 tháng, cơ quan chức năng vẫn chỉ giữ nguyên một giải pháp “kết duyên” bất thành trên.
Cũng có nghĩa là, chừng ấy thời gian, dự án trọng điểm này của tỉnh Long An tê liệt và hàng ngàn tỷ đồng của cả 2 doanh nghiệp, đặc biệt là của Công ty Hồng Phát, bị vùi chôn cùng máy móc, đất cát tại đây.
Trước đó, như Báo Đầu tư đã phản ánh qua loạt bài “Vì sao dự án 140 triệu USD tại Long An ngã ngựa?”, năm 2007, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL bắt tay góp vốn đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa tại huyện Đức Hòa. Theo Thoả thuận khung, 2 bên sẽ ký kết hợp đồng thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 21,4 triệu USD (Công ty Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất; Công ty CPL góp 70% bằng tiền mặt). CPL tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập công ty liên doanh) để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do chính sách đất đai thay đổi, chi phí đền bù, tái định cư tăng…, Công ty Hồng Phát phải đóng thêm 465 tỷ đồng, chưa nói phát sinh hơn 4,5 triệu USD lập khu tái định cư cho dân theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Công ty Hồng Phát đề nghị Công ty CPL bổ sung vốn tạm ứng 20 triệu USD ngoài Thỏa thuận khung, nhưng CPL từ chối. Công ty Hồng Phát phải tự tìm nguồn tài chính bồi thường mặt bằng, với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và được UBND tỉnh Long An cấp 13 sổ đỏ, với tổng diện tích hơn 232 ha.
Hai bên mâu thuẫn và tới năm 2013, VIAC ra Phán quyết buộc phải thực hiện Thỏa thuận khung để thành lập công ty liên doanh.
Máy móc thi công Dự án “đắp chiếu” gần 10 năm qua |
Phán quyết “đánh đố” doanh nghiệp
Tại cuộc gặp ngày 29/4/2022, đại diện Công ty CPL cho rằng, Công ty Hồng Phát mới là bên phải thực hiện Phán quyết trọng tài, chứ không phải mình, đồng thời tỏ ra thiện ý muốn lập liên doanh. “Lần nữa đề nghị yêu cầu Hồng Phát cung cấp các tài liệu sau để CPL có thể nắm được hiện trạng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc giai đoạn I của Dự án, tình trạng hiện tại của Dự án và các khoản chi phí liên quan, năng lực thực hiện Dự án của Hồng Phát để phục vụ cho việc thành lập công ty liên doanh mà CPL đã nhiều lần đề nghị trước đó, nhưng Hồng Phát luôn phớt lờ”, đại diện Công ty CPL nói.
Tuy nhiên, theo bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Phát, đó không phải là “thiện ý” đúng nghĩa, bởi ai cũng rõ, Phán quyết trọng tài đến giờ đã trở thành “đánh đố”, đẩy doanh nghiệp này vào vòng luẩn quẩn “con gà hay quả trứng có trước”.
Cụ thể, theo Phán quyết trọng tài, Công ty Hồng Phát phải góp vốn bằng 13 quyền sử dụng đất hơn 232 ha vào công ty liên doanh khi được thành lập. Trong khi đó, toàn bộ hơn 232 ha đất đã bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An phong tỏa, nên Công ty Hồng Phát không đủ điều kiện để góp phần diện tích đất này theo Điều 188, Luật Đất đai. Về điều này, phía Công ty CPL cũng rất rõ. Thậm chí, ngày 8/11/2021, Công ty CPL còn có công văn khẩn thiết đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục duy trì Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 về việc không cho đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng (không cho thế chấp, bảo lãnh) đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc Giai đoạn I của Dự án.
- Bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Phát
Phán quyết trọng tài buộc Công ty Hồng Phát lập công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005, có quy định về hình thức đầu tư “thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”. Trong khi Luật Đầu tư năm 2014 và 2020 đều không còn hình thức đầu tư kiểu này. Do đó, nếu Công ty Hồng Phát và Công ty CPL tiến hành đàm phán, thành lập công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005 là trái với Luật Đầu tư năm 2014 và 2020.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long đã có văn bản hướng dẫn Công ty Hồng Phát và Công ty CPL nghiên cứu, lựa chọn một số hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, nếu chọn lựa hình thức đầu tư khác thì trái với Phán quyết trọng tài.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên. Trong khi đó, Phán quyết trọng tài lại cưỡng buộc hai doanh nghiệp phải lập công ty liên doanh, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh!
Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ mãi ép… liên doanh
Như đã đề cập ở trên, tại cuộc gặp ngày 29/4/2022, đại diện Công ty CPL tỏ ra “thiện ý” muốn lập liên doanh nhưng Công ty Hồng Phát không muốn.
Song, Công ty Hồng Phát cho rằng, phía đối tác - Công ty CPL bất nhất về quan điểm hợp tác, khi một mặt thì khẳng định mong muốn thực hiện Phán quyết trọng tài, nhưng mặt khác lại đòi chia đất để tự thực hiện dự án riêng, dẫn đến việc hai bên không thể đạt được thỏa thuận về việc thành lập công ty liên doanh.
Minh chứng, từ tháng 4/2019 đến tháng 5/2022, phía Công ty CPL đã liên tục ra các văn bản đòi Công ty Hồng Phát chia phần 130 ha/232 ha đất dự án mà Công ty Hồng Phát sau hơn 18 năm vất vả mới giải phóng mặt bằng, đền bù và duy trì được tới nay - đồng thời là chủ đầu tư duy nhất của dự án này về mặt pháp lý.
Ý chí của Công ty CPL còn được thể hiện rõ nhất qua việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An nhận được Công văn số 12610/UBND-NCTCD ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Long An về việc chuyển đơn của Công ty CPL. Theo đó, Công ty CPL nêu: “CPL thấy rằng, giải pháp duy nhất khả thi để hài hòa lợi ích của các bên liên bao gồm cả huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và Việt Nam là UBND tỉnh Long An sẽ cho phép CPL được tự thực hiện Dự án trên một phần diện tích của diện tích đất Giai đoạn I bằng việc thu hồi Dự án đã cấp cho Hồng Phát và cấp chứng nhận đầu tư cho CPL trên một phần diện tích đó”.
Tại cuộc họp “ba mặt một lời” ngày 29/4/2022, đại diện Công ty Hồng Phát thẳng thừng chỉ rõ 3 vấn đề: Công ty CPL liên tục đòi chia 130 ha đất của Dự án là để thực hiện dự án riêng mang tên “Saigon Beverly Hills”, nên đã tự “vô hiệu hóa”, không thi hành Phán quyết trọng tài; CPL khẳng định mâu thuẫn giữa công ty này và Công ty Hồng Phát kéo dài, không thể tháo gỡ; CPL không còn một chút niềm tin với Công ty Hồng Phát, nên việc thành lập công ty liên doanh là không còn khả thi.
Về phần mình, trong báo cáo mới đây cũng như trong văn bản kêu cứu gửi các cơ quan Trung ương, Công ty Hồng Phát cũng nêu quan điểm, Phán quyết trọng tài không thể thực hiện được, tức là, Hồng Phát cũng không thể “cưỡng cầu”, không thể liên doanh được nữa.
Liên quan đến vụ việc này, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, ông Bùi Phú Hưng cũng vừa có báo cáo gửi cơ quan chức năng. Trong báo cáo có nêu, theo quy định, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan thi hành án dân sự) không thể thực hiện thay.
Từ thực tế trên, có nên tiếp tục “cưỡng duyên” theo Phán quyết trọng tài để hàng ngàn tỷ đồng cũng như quyền và lợi ích của cả 2 doanh nghiệp bị vùi chôn?