Dự án nghìn tỷ bị trù dập suốt 12 năm tại Long An (Kỳ 2): Từ đối tác thành đối đầu
- Thứ ba - 15/02/2022 14:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Trần Thị Việt Thanh trình bày: Vừa mới hợp tác với Công ty HP thì CPL đã bộc lộ sự gian dối. Cả khoản tiền "tạm ứng" 15,6 triệu USD, kéo dài đến 8 tháng, CPL mới chuyển đủ vào cuối tháng 2-2008. Ngay thời điểm đó, Công ty HP đã nhận được văn bản (VB) số 2028/CV-BTC-QLG ngày 21-2-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện "xác định giá đất và thu tiền sử dụng đất theo sát giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường".
Tiếp đến là VB số 1529/UBND-KT ngày 24-3-2008 do Chủ tịch UBND tỉnh Long An (lúc đó là ông Dương Quốc Xuân) ký, nêu rõ: "Căn cứ kết luận cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy với Thường trực HĐND tỉnh trong các ngày 3, 4 và 5-3-2008, UBND tỉnh yêu cầu Công ty HP chậm nhất đến 30-6-2008 phải hoàn tất thủ tục đất đai và thực hiện xong việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư (TĐC); triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng dự án giai đoạn 1. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng theo quy định thì UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư”.
Theo kế hoạch, khu TĐC được thực hiện trong giai đoạn 2 của dự án nhưng với chỉ đạo mới này, Công ty HP phải khẩn trương xây dựng ở giai đoạn 1 và hoàn thành trong tháng 6-2008. Là chủ đầu tư dự án, Công ty HP rất chú trọng đến việc TĐC cũng như chăm lo, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất, để họ có cuộc sống tốt hơn. Đây cũng là chủ trương lớn, luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Những phát sinh mới này làm tăng chi phí dự án, theo TTK, Công ty HP và CPL phải ngồi lại bàn bạc, xử lý.
Bà Trần Thị Việt Thanh nhớ lại, ngay khi tiếp nhận các VB của Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An, Công ty HP và CPL đã cử người đến khu vực dự án để khảo sát giá đất, đồng thời tính toán cho khu TĐC. Theo đó, việc Nhà nước điều chỉnh khung giá gần sát giá thị trường, tiền sử dụng đất tại dự án tăng từ 100.000 đồng lên 300.000 đồng/m2. Dự kiến, tiền sử dụng đất phát sinh khoảng 465 tỷ đồng (27 triệu USD). Về chi phí xây dựng hạ tầng khu TĐC, dự kiến khoảng 4,5 triệu USD.
Khảo sát xong, thay vì cùng Công ty HP khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Long An, thì CPL phớt lờ. Ngày 10-7-2008 CPL có VB gởi Công ty HP, tuyên bố: "Không xem xét bất cứ khoản thanh toán nào thêm cho dự án cho đến khi có một hợp đồng liên doanh ràng buộc". Tiếp đến, ngày 26-9-2008, CPL có VB, thừa nhận "đang đối mặt với một số vấn đề nằm ngoài TTK". Thế nhưng, đối tác đưa ra điều kiện: "CPL chỉ có thể xem xét các khoản thanh toán tiếp theo khi giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) của toàn dự án đã được cấp dưới tên của Công ty liên doanh".
Nữ doanh nhân phản ứng: Điều kiện của CPL đưa ra hết sức phi lý, bởi thời điểm này, dự án đang thực hiện giai đoạn 1 với 273ha, công tác bồi thường gặp nhiều trở ngại, nguyên nhân chính do CPL gây ra, khi quảng cáo "nổ" ầm ầm dự án. Nhiều hộ dân bị thu hồi đất nghe tin dự án có doanh nghiệp "ngoại" nên yêu cầu "hỗ trợ thêm" mới chịu di dời khiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, phát sinh chi phí lớn. Đến cuối tháng 9-2008, vẫn còn hơn 40ha đất giai đoạn 1 nằm trong tay người dân. Vậy, lấy đâu ra sổ đỏ toàn dự án gần 500ha để CPL đòi đứng tên?
Chủ tịch Công ty HP bức xúc: Những phát sinh mới khiến các điều khoản về tài chính theo TTK không thể thực hiện được. Thực tế bày ra trước mặt, CPL chẳng những không hợp tác, thương lượng để đạt được thỏa thuận mới về tài chính nhằm có lợi cho cả hai bên, mà còn đưa ra điều kiện "trên trời", đòi hỏi hết sức vô lý. Trong lúc khó khăn nhất thì chủ đầu tư bị đối tác CPL "chạy làng", bỏ rơi, một mình Công ty HP phải xoay xở, tìm biện pháp vượt qua để dự án không bị thu hồi.
Ngày 27-10-2008, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty HP ký VB số 68/CV.CPHP.08 gửi CPL, nêu rõ: "Từ tháng 4-2008 đến ngày 25-9-2008, Công ty HP đã có nhiều buổi họp với đại diện CPL để bàn bạc các vấn đề cần thiết, bao gồm việc thực hiện khu TĐC, hoàn thành các yêu cầu của pháp luật để được giao đất, tiến tới thành lập Công ty liên doanh.
Tuy nhiên Công ty HP không nhận được sự quan tâm của CPL. Công ty HP nhận thấy CPL không có khả năng tài chính, cũng không muốn đầu tư dự án lâu dài mà chỉ đầu cơ "giữ chỗ", rồi bán lại thu lời. Việc xây khu TĐC cấp bách, nếu không nhanh chóng hoàn thành thì dự án bị thu hồi, sẽ mất trắng. Tiền sử dụng đất nếu không nộp đúng thời hạn theo luật định thì quyết định giao đất sẽ bị hủy... Với các lý do trên, HP lấy làm tiếc khi hợp tác giữa hai công ty không thể tiếp tục. Chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại các khoản mà CPL đã tạm ứng cho dự án".
Bóc trần chiêu "vừa ăn cướp, vừa la làng" (!)
Tiếp nhận VB dừng hợp tác của chủ đầu tư, CPL yêu cầu UBND tỉnh Long An can thiệp. Do TTK được ký giữa hai công ty, không thông qua các cơ quan có thẩm quyền nên UBND tỉnh Long An không có căn cứ để giải quyết. Ngày 25-3-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Quốc Xuân ký VB số 832/UBND-KT, gửi CPL, xác định: "UBND tỉnh đã giao Công ty HP làm chủ đầu tư dự án, đề nghị CPL làm việc với Công ty HP để được giải quyết".
Tiếp nhận văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Long An, CPL tiếp tục xem thường, không làm việc với Công ty HP. Ngày 27-4-2009, Công ty HP có VB dài 9 trang gửi UBND tỉnh Long An, trình bày toàn bộ nội dung vụ việc liên quan đến TTK và đề nghị tỉnh hỗ trợ.
Dù đối tác CPL "ngoảnh mặt làm ngơ”, nhưng với tư cách là chủ đầu tư, Công ty HP vẫn triển khai dự án theo tiến độ. Ngày 26-6-2009, Công ty HP được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận QSDĐ với 232,66ha đất (thuộc phần diện tích 273ha giai đoạn 1 của dự án), sau đó tách ra thành 13 sổ đỏ.
Bà Trần Thị Việt Thanh bức xúc: Hợp tác kinh doanh là tự nguyện, khi không tìm được "tiếng nói chung", căn cứ TTK, hai công ty ngồi lại, tìm phương cách tốt nhất để giải quyết, nhằm tránh thiệt hại cho đôi bên. Không thương lượng, CPL còn bày "chiêu độc", tấn công chủ đầu tư. Đầu tháng 12-2009, TGĐ của CPL Andrew Lui ký đơn gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an, tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty HP "chiếm đoạt 15,6 triệu USD".
Vào cuộc điều tra, làm rõ, ngày 1-4-2010, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có VB số 148/C16-P4, kết luận: Công ty HP đã sử dụng tiền đầu tư vào dự án, không có hành vi chiếm đoạt. Tranh chấp giữa Công ty HP và CPL là tranh chấp kinh tế dân sự. Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển đơn của CPL đến Chủ tịch UBND tỉnh Long An, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nữ doanh nhân lên tiếng: "CPL đã vu cáo trắng trợn, xúc phạm nghiêm trọng đến chủ đầu tư và cá nhân bà. Đây là mưu đồ thâm độc của CPL, muốn đẩy người đứng đầu Công ty HP vào vòng lao lý để độc chiếm dự án. Hành vi vu khống của CPL đã bị vạch trần bằng văn bản kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Sau khi vu cáo Công ty HP "chiếm đoạt 15,6 triệu USD" bất thành, TGĐ Andrew Lui tiếp tục có đơn gửi báo chí, "tố" Công ty HP "cố tình chiếm đoạt dự án". Đây cũng là "chiêu độc, đòn hiểm" của CPL nhằm bêu xấu chủ đầu tư, khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước e sợ không hợp tác, ngân hàng thì dè chừng. Khi Công ty HP bị cô lập, "hạ bệ", CPL sẽ nhảy vào thay thế!".
Bà Thanh khẳng định: Đến thời điểm này, Công ty HP là chủ đầu tư hợp pháp, duy nhất của dự án được pháp luật thừa nhận. Vậy mà CPL lại lu loa, tố "Công ty HP chiếm đoạt dự án của Công ty HP" (?!). Chính CPL và Công ty mẹ Chuangs đã chiếm đoạt dự án đưa lên sàn chứng khoán thu lợi hàng chục triệu USD rồi quay sang tố ngược Công ty HP. Chiêu "vừa ăn cướp, vừa la làng" của CPL đã bị Báo CATP bóc trần.
"Công ty HP ghi nhận sự đóng góp ban đầu rất quan trọng của CPL cho dự án. Tuy nhiên, chính kiểu làm ăn gian dối rồi vu cáo, CPL đã tự biến mình thành đối nghịch với Công ty HP. Vì sự minh bạch, phát triển lâu dài, bền vững của dự án, chúng tôi buộc phải chấm dứt hợp tác với một đối tác bất chấp pháp luật, bày đủ các "chiêu, trò” ma mãnh để triệt hạ, hãm hại chủ đầu tư. HP thu xếp, hoàn trả 15,6 triệu USD mà CPL đã tạm ứng. Trong số này, có 2 triệu USD, CPL cho phép chủ đầu tư "tùy nghi sử dụng" nhưng HP vẫn trả đủ”, nữ doanh nhân bày tỏ...
(Còn tiếp)
(Theo báo Công An TP.HCM)