SAI GON GIAI TRI

https://saigongiaitri.net


Các câu hỏi phỏng vấn về thái độ thường gặp khi phỏng vấn

Cùng với năng lực, thái độ làm việc, ứng xử là điều cực kì quan trọng. Thái độ sẽ quyết định hành động và cách đối mặt với trở ngại trong công việc và cả cuộc sống. Chính vì điều này nhà tuyển dụng sẽ đưa ra các câu hỏi phỏng vấn về thái độ. Để đạt được kết quả tốt, bạn cần lưu ý suy nghĩ và đưa ra câu trả lời khéo léo chứng tỏ thái độ tích cực của mình.
Các câu hỏi phỏng vấn về thái độ thường gặp khi phỏng vấn
Dưới đây là 5 câu hỏi phỏng vấn về thái độ thường gặp dù bạn tìm việc làm tại Hà Nội hay nhiều nơi khác và gợi ý về cách trả lời.

Dựa vào tiêu chí nào để bạn ứng tuyển vào công ty chúng tôi?

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn ngầm tìm hiểu các yếu tố tác động đến quyết định của bạn. Hãy khéo léo đưa ra trả lời đề cao yếu tố văn hóa làm việc, đam mê nghề nghiệp, danh tiếng thương hiệu hoặc giá trị đóng góp cho cộng đồng, xã hội mà công ty mang lại.

Đừng quá thẳng thắn đến mức đưa ra câu trả lời ngây ngô đại loại như “Tôi ứng tuyển vào đây vì mức lương đưa ra khá cao, nghe nói công ty có chế độ phúc lợi rất tốt” hoặc “Có nguồn tin nói rằng làm việc ở đây rất thoải mái”. Điều này sẽ làm cho nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người chú trọng đến lợi ích bản thân và thích hưởng thụ. Trong trường hợp bị mua chuộc bằng tiền bạc và lợi ích (từ đối thủ công ty chẳng hạn) bạn sẽ dễ sa ngã. Tất nhiên không ai muốn có một nhân viên như vậy trong đội ngũ.


Bạn có sẵn sàng đi công tác hoặc tăng ca thường xuyên không?

Nhà tuyển dụng ngầm tìm hiểu thái độ, trách nhiệm của ứng viên với công việc khi đặt ra dạng câu hỏi này. Các câu trả lời gợi ý như: “Là một người trong ngành tôi hiểu rằng đã làm việc trong lĩnh vực này thì phải chấp nhận đi công tác (hay tăng ca) thường xuyên là điều hết sức bình thường. Đó cũng chính là một phần công việc mà ai cũng nên biết rõ”.  Hoặc “Nếu việc tăng ca để đạt kịp năng suất / nâng tiến độ công việc thì tôi luôn sẵn sàng vì đây chính là yêu cầu cơ bản khi chấp nhận đi làm trong ngành này. Chỉ cần sức khỏe và điều kiện làm việc đảm bảo”.

Đây là các câu trả lời cho thấy rằng bạn đã hiểu và xem việc đi công tác hay tăng ca là điều hiển nhiên, không thành vấn đề. Nó không chỉ chứng tỏ bạn có kinh nghiệm mà còn là người dốc lòng cho công việc. Nhà tuyển dụng sẽ yên tâm nếu thấy rằng bạn đã quen với điều này.


Bạn có từng bất đồng với đồng nghiệp không, nếu có đó là tình huống nào?

Đừng “dại” kể lể các mâu thuẫn cá nhân khi làm việc điều đó chỉ làm cho nhà tuyển dụng thấy rõ sự ngây ngô của bạn. Bạn có thể đề cập một tình huống mâu thuẫn liên quan đến công việc.

Chẳng hạn,“Một lần chúng tôi đang trong cuộc họp nhóm tìm giải pháp cho vấn đề X, tôi và anh Y- mộtđồng nghiệp rất giỏi đã trái ngược quan điểm hoàn toàn. Ban đầu cả hai ai cũng muốn thể hiện quan điểm của mình nên tranh luận khá là gay gắt trước mặt cả nhóm. Sau đó chúng tôi nhận ra làm vậy cũng chẳng giải quyết được gì. Chúng tôi quyết định ngồi riêng với nhau, bình tĩnh phân tích ưu nhược của từng quan điểm. Sau đó cả hai nhận ra điểm chưa thuyết phục của mình. Chúng tôi đã cùng thống nhất một giải pháp mới, nhờ đó vấn đề được tháo gỡ”.


Hãy kể lại một lần thất bại(hoặc khủng hoảng)mà bạn trải qua và cách xử lý?

Với các câu hỏi phỏng vấn về thái độ dạng này, nhà tuyển dụng muốn biết cách bạn đối mặt với khó khăn. Bạn có thể đề cập đến một tình huống khó khăn thực tế mà mình từng trải qua. Ví dụ biến động thị trường, khách hàng, đối tác hủy hợp đồng lớn, mất lòng tin của cấp trên (hoặc bị cấp trên đồng nghiệp hiểu sai), suýt bị nghỉ việc vì công việc không đạt…Cùng với đó là tinh thần kiên định và lạc quan cải thiện kết quả như thế nào, bạn đã nỗ lực ra sao để giải quyết nó. Nhà tuyển dụng muốn tìm thấy một ứng viên có tư duy tích cực và tìm giải pháp ngay cả khi khó khăn chồng chất thay vì than vãn hoặc loay hoay trong thất bại.

Bạn có ngưỡng mộ một người nào không?

Việc ngưỡng mộ một ai đó trong tim là điều đặc biệt riêng của mỗi người. Tuy nhiên khi đang trong cuộc phỏng vấn, bạn không nên đề cập đến người nổi tiếng trong giới giải trí (ca sĩ, diễn viên…) hay ông bà cha mẹ… Thay vào đó, sẽ khéo léo hơn nếu bạn nên chia sẻ với nhà tuyển dụng về một nhân vật nổi tiếng trong ngành.

Đó có thể là người đàn anh trong nghề, một người đồng nghiệp cũ hay người đã dẫn dắt bạn từ những bước đi đầu tiên đến với công việc này… Tất cả họ đã học hỏi, kiên trì và vượt qua các trở ngại lớn trong đời để thành công như thế nào. Như vậy, câu trả lời của bạn sẽ ấn tượng hơn, bởi lẽ người mà bạn ngưỡng mộ sẽ tác động phần nào đến tư duy, suy nghĩ, thái độ sống, làm việc của bạn.

Tất cả các câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra trong buổi phỏng vấn đều có mục đích riêng của mình như kiểm tra kiến thức, năng lực, kinh nghiệm và thái độ ứng viên. Là một người có kinh nghiệm, bạn cần nhận biết và phân loại được mục đích của các câu hỏi phỏng vấn về thái độ. Có như vậy bạn mới đưa ra các câu trả lời đúng ý và thuyết phục. Không nên sa đà vào kể lể các vấn đề ngoài lề và bộc lộ thái độ bi quan, hời hợt, thiếu kiên định mà hãy thể hiện thái độ quyết đoán, kiên trì với công việc và lạc quan đối mặt với khó khăn.
                                                                                                                 
ĐẶNG HẢO
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây