10 điểm cần làm rõ vụ tranh chấp khoản vay 790 tỷ đồng kèm 535 tiền lãi ở Bình Chánh
- Thứ ba - 21/06/2022 16:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lập luận "khó đỡ” của cấp tòa sơ thẩm
Như Chuyên đề Báo Công an TPHCM đã phản ánh trong số báo ngày 14-6-2022, vụ tranh chấp đã được TAND H.Bình Chánh mở phiên tòa sơ thẩm ngày 06-01-2022 với HĐXX gồm thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn ngồi ghế chủ tọa, cùng hai Hội thẩm nhân dân là ông Võ Hoàng Thu và bà Nguyễn Thị Nguyên. Trong khi hàng loạt vấn đề mấu chốt chưa được làm rõ thì HĐXX tuyên Bản án sơ thẩm số 16/2022/DS-ST ngày 13-01-2022 (Bản án số 16), buộc Công ty Nhựt Thành trả cho ông Tân - bà Phượng số tiền nợ gốc 790,433 tỷ đồng, trả làm một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Liên quan đến số tiền lãi phát sinh 535,35 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 05-11-2018), do tại phiên tòa nguyên đơn "miễn" cho bị đơn nên HĐXX đình chỉ yêu cầu khởi kiện đối với món lãi "lạnh người" này. Nếu không "miễn", món tiền lãi vọt lên hơn hàng ngàn tỷ đồng (?!).
Để thắng kiện, phía nguyên đơn trưng ra chứng cứ là "giấy xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" ngày 15-01-2015 (gọi tắt "giấy xác nhận nợ") giữa "bên cho mượn tiền" là ông Tân - bà Phượng với "bên nhận mượn tiền" là Công ty Nhựt Thành, do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Quí làm đại diện. Cuối "giấy xác nhận nợ" có thêm chữ ký của bà Ngô Thị Thanh Loan - Kế toán trưởng Công ty Nhựt Thành.
Một góc Khu công nghiệp An Hạ
HĐXX sơ thẩm cũng đưa ra nhận định xoay quanh "giấy xác nhận nợ". Theo đó, "giấy xác nhận nợ" là bản chính, có chữ ký của bên cho mượn tiền và bên mượn tiền nhưng không được công chứng, chứng thực. Đây là tài liệu có thật và là chứng cứ được HĐXX sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án, theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nguyên đơn xác định đã cho bị đơn vay tiền mặt nhiều lần, không nhớ rõ thời gian. Hai bên không lập thành văn bản do "tin tưởng, quen biết với nhau".
Viện kiểm sát nhân dân (KSND) H.Bình Chánh xác định: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, ngoài "giấy xác nhận nợ" ngày 15-01-2015, nguyên đơn không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào thể hiện việc vay mượn, giao nhận tiền... Vấn đề đặt ra: Nguyên đơn "tin tưởng, quen biết" bị đơn như thế nào mà nhiều lần móc hầu bao số tiền "khủng" cho vay bằng "miệng", không cần bất kỳ "chứng cứ làm tin" từ con nợ, dù chỉ là vài chữ viết tay? Nguyên đơn khai cho vay "nhiều lần" (không nhớ rõ bao nhiêu lần và khoản tiền mặt từng lần đưa cho bị đơn), không nhớ rõ thời gian nhưng lại kết được con số "khủng" 790,433 tỷ đồng?
Trong khi phía bị đơn cho rằng, "giấy xác nhận nợ" do nguyên đơn đến công ty gây rối, đe dọa tính mạng, khủng bố về tinh thần, gây áp lực, bắt ép ký. Nội dung "giấy xác nhận nợ" không có thật, không có chứng từ nào chứng minh ông Tân - bà Phượng đã giao số tiền 790,433 tỷ đồng cho Công ty Nhựt Thành.
Tuy nhiên HĐXX chấp nhận giao dịch giữa ông Tân - bà Phượng với Công ty Nhựt Thành do bà Quí làm đại diện bằng "giấy xác nhận nợ" lập ngày 15-01-2015 vì "có đủ các điều kiện" theo khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 (?!). HĐXX nhận định: "Mặc dù bên nguyên đơn không có tài liệu chứng cứ về việc giao nhận tiền nhưng căn cứ những tài liệu chứng cứ, lời khai của các đương sự có cơ sở xác định giữa ông Tân - bà Phượng với Công ty Nhựt Thành có giao nhận số tiền 790,433 tỷ đồng theo "giấy xác nhận nợ" ngày 15-01-2015. Ngoài ra, bị đơn không có chứng cứ chứng minh được nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội nên nội dung mà hai bên thỏa thuận là hợp pháp và cần được chấp nhận (?!)"
Liên quan đến vụ án này, ngày 15-6-2022, đại diện Nhóm PV Chuyên đề đã gửi tin nhắn qua điện thoại cho một lãnh đạo là Phó Chánh án TAND TPHCM, nội dung: Chuyên đề Công an TPHCM vừa có bài phản ánh đăng ngày 14-6-2022 liên quan đến vụ án có nhiều dấu hiệu bất thường (kèm đường line bài báo). Để rộng đường dư luận, PV rất mong bà Phó Chánh án thu xếp gặp, trao đổi để rõ hơn một số vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đã gần một tuần trôi qua, PV chưa nhận được phản hồi từ vị lãnh đạo này. Trong khi đó, qua theo dõi vụ án, PV đã phát hiện có dấu hiệu "lạ” ở cấp tòa phúc thẩm... |
Đến HĐXX phúc thẩm "có vấn đề”...
Liên quan đến vụ án này, Viện KSND H.Bình Chánh đã có quyết định số 03/QĐ-VKS-DS ngày 27-01-2022, kháng nghị toàn bộ Bản án số 16 ngày 13-01-2022 của TAND H.Bình Chánh, đề nghị TAND TPHCM hủy toàn bộ bản án này, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để xét xử lại. Không chỉ kháng nghị, trong quá trình theo dõi vụ án, Viện KSND H.Bình Chánh có hai văn bản gửi cho TAND H.Bình Chánh. Cụ thể:
Tại văn bản số 07/YC-VKS-DS ngày 18-11-2021, Viện KSND H.Bình Chánh yêu cầu làm rõ:
Thứ nhất, Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay tiền từ năm 2013 đến năm 2015.
Thứ hai, yêu cầu Tòa án đưa bà Ngô Thị Thanh Loan - Kế toán trưởng của Công ty Nhựt Thành tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ ba, Tòa án tiến hành cho đối chất làm rõ từng hợp đồng vay, thời gian, địa điểm, số tiền vay, phương thức nhận tiền, chứng cứ chứng minh.
Thứ tư, làm rõ các buổi họp vay vốn theo điều lệ Công ty Nhựt Thành, thu thập các tài liệu liên quan.
Thứ năm, đại diện theo ủy quyền của ông Ngô Minh Tuấn và bà Ngô Thị Ngọc Dung (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) khai hai người này đang ở nước ngoài. Cần xác minh làm rõ định cư của hai người này.
Thứ sáu, tài liệu thể hiện Công ty Nhựt Thành đã trả 97,275 tỷ đồng cho ông Tân - bà Phượng.
Thứ bảy, làm rõ lý do bà Quí đưa lại 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tân - bà Phượng.
Thứ tám, xác minh, ghi lời khai và thu thập các tài liệu liên quan người làm chứng Lê Minh Cường.
Tiếp đến ngày 15-12-2021, Viện KSND H.Bình Chánh có văn bản số 01/YC-VKS-DS gửi TAND H.Bình Chánh, yêu cầu làm rõ 3 vấn đề:
Một là, yêu cầu Tòa án xác minh bà Dung, ông Tuấn đang ở đâu, ở Việt Nam hay nước ngoài để thực hiện đúng thẩm quyền tố tụng của Tòa án theo quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Hai là, yêu cầu Tòa án thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến kết quả giải quyết đối với đơn trình báo ngày 30-01-2016 của Công ty Nhựt Thành gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng.
Ba là, làm rõ mối quan hệ giữa Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Phong (do ông Cao Minh Tân làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật) đối với ông Tân - bà Phượng; ý kiến của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Minh Linh (do bà Cao Phạm Phương Linh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đại diện theo pháp luật) đối với phần trình bày của bị đơn.
Tại phiên tòa ngày 06-01-2022, đại diện Viện KSND H.Bình Chánh nêu quan điểm: "Đề nghị HĐXX cho biết các kết quả xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ theo nội dung hai văn bản số 07/YC-VKS-DS ngày 18-11-2021 và số 01/YC-VKS-DS ngày 15-12-2021. Do hồ sơ vụ án chưa thu thập chứng cứ đầy đủ nên Viện KSND H.Bình Chánh không phát biểu ý kiến về tố tụng và nội dung vụ án".
Quan điểm của cơ quan kiểm sát rõ ràng như thế nhưng thẩm phán chủ tọa Nguyễn Hoàng Sơn phớt lờ, đưa ra nhiều nhận định "khó đỡ”, để rồi cuối cùng tuyên cho nguyên đơn thắng kiện. Trong khi đó, chính HĐXX đã khẳng định rành rành tại Bản án số 16: "Nguyên đơn không có tài liệu chứng cứ về việc giao nhận tiền".
Một người con của bà Nguyễn Thị Quí (SN 1952, qua đời ngày 26-02-2022) nói trong uất nghẹn: "Đã xác định không có chứng cứ "giao nhận tiền", vậy mà tòa lại buộc bị đơn do mẹ chúng tôi là người đại diện trả khoản nợ "khủng" cho nguyên đơn. Mẹ chúng tôi đã đột ngột ra đi, ôm theo nỗi oan thấu trời! Mong rằng TAND TPHCM xét xử phúc thẩm, xem xét toàn diện vụ án, có phán quyết công tâm, để an ủi phần nào vong linh người đã mất; cũng như để người dân luôn tin vào công lý, tin vào nền pháp chế xã hội chủ nghĩa...".
(Theo Báo Công An TP.HCM)