Phan Huỳnh Điểu - con chim vàng của tân nhạc - kỳ 1: Đoàn Vệ quốc quân và số tiền tác quyền kỷ lục

Thứ tư - 01/07/2015 08:22
Nhiều người gọi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là “con chim vàng của tân nhạc Việt”. Ông cũng tỏ ra thú vị với biệt danh này, bởi theo cách giải thích của ông, “huỳnh” không phải là một cái họ, mà là biến âm của chữ “hoàng” (nghĩa là màu vàng), còn “điểu” là con chim. “Ừ thì mình sáng tác nhạc nên người ta gọi như thế cũng… oách, mà lại không sai nghĩa!”.Nhiều người gọi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là “con chim vàng của tân nhạc Việt”. Ông cũng tỏ ra thú vị với biệt danh này, bởi theo cách giải thích của ông, “huỳnh” không phải là một cái họ, mà là biến âm của chữ “hoàng” (nghĩa là màu vàng), còn “điểu” là con chim. “Ừ thì mình sáng tác nhạc nên người ta gọi như thế cũng… oách, mà lại không sai nghĩa!”.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Ảnh: Độc Lập
>> Kỳ 2Phan Huỳnh Điểu - con chim vàng của tân nhạc: Sông Hàn, cuối trời mây trắng bay...
>> Kỳ 3: Phan Huỳnh Điểu: Bậc thầy phổ thơ


Chiều 30/6, tại Nhà tang lễ TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM cùng đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ đã đến viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bà Phạm Thị Vân, vợ ông không có mặt vì bị tai biến. Con trưởng ông là nhạc sĩ Phan Hồng Minh đang ở Đức chưa về kịp.
Mọi người vẫn còn nhớ, mới đầu tháng 6 này, “đại gia đình” Hội Âm nhạc TP.HCM còn chứng kiến lão nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngồi an nhiên trên băng ghế “chủ tọa đoàn” trong Đại hội Hội Âm nhạc TP.HCM nhiệm kỳ 7 (2015 - 2020) tại Nhà hát Thành phố. Ở đại hội này, ông tham dự với tư cách cố vấn. Là nhạc sĩ cao tuổi nhất nhưng ông không hề tỏ ra mệt mỏi khi tham dự các buổi đọc tham luận và tranh luận. Ông lúc nào cũng tươi cười. Khi các đại biểu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, ông chụp hình lia lịa những khuôn mặt em út, học trò thân quen... Anh chị em trong Hội Âm nhạc TP.HCM chắc sẽ khó quên được những kỷ niệm với bác Bảy (tên gọi thân mật của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), nhất là những mẩu chuyện tiếu lâm mà bác Bảy kể bằng giọng xứ Quảng rất duyên trên những chuyến xe, chuyến tàu đi thực tế sáng tác hoặc đi dự hội nghị, khiến mọi người cười rần rần suốt buổi…
Những nhạc phẩm đầu tay
Phan Huỳnh Điểu thuộc lớp nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc cải cách (thường gọi là “tân nhạc”, để phân biệt với cổ nhạc dân tộc). Nên nhớ, nếu như nhạc phẩm Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên (phổ thơ Nguyễn Văn Cổn) ra đời năm 1938 và được coi là bản tân nhạc đầu tiên của VN (dù trước đó, đã có nhiều bản nhạc và nhóm nhạc theo nhạc lý Tây phương), thì chỉ 2 năm sau, chàng thiếu niên 16 tuổi Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát Trầu cau (1940), dù lúc đó trình độ nhạc lý của chàng chỉ “a-bê-xê” nhưng vẫn… liều sáng tác. Bản nhạc đầu tay ấy, đến mãi 75 năm sau (lúc tác giả qua đời, 2015) nhiều người vẫn còn nhắc và chắc chắn chừng nào còn nói đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, sẽ còn phải nhắc đến Trầu cau.
Một giai thoại gắn liền với ca khúc thứ hai của Phan Huỳnh Điểu là bài Đoàn Vệ quốc quân (sáng tác cuối năm 1945, sau sửa lại là Đoàn Giải phóng quân). Ca khúc được sáng tác khi VN vừa giành được độc lập và đang hừng hực khí thế trước âm mưu quân Pháp tái chiếm, nhất là ở miền Nam. Lúc đó, Phan Huỳnh Điểu mới 21 tuổi. Hằng ngày, khi các đoàn tàu chở các chiến sĩ trên đường Nam tiến dừng chân ở ga Đà Nẵng, thì Đội Tuyên truyền Việt Minh (trong đó có Phan Huỳnh Điểu) đến từng toa tàu, hát vang ca khúc này, động viên tinh thần chiến sĩ… Lúc đó ở Huế có ông Tăng Duyệt (cha người Hoa, mẹ Việt) mở nhà in Tân Hoa ở đường Gia Long (sau đó chuyển thành NXB Tinh Hoa ở số 121 Trần Hưng Đạo, Huế). Ông Duyệt rất thích ca khúc này nên đã ký hợp đồng xuất bản, tiền tác quyền là… 800 đồng. Phan Huỳnh Điểu hết hồn, vì số tiền quá lớn. Sau này, ông vẫn kể: “Đấy là số tiền tác quyền kỷ lục mà tôi được trả cho một ca khúc”. Với số tiền ấy, ông hoan hỉ mua được cây đàn guitar “đã qua sử dụng” của… vua Bảo Đại từ một người quen (ông này được một chính khách ngoại quốc nhượng lại) hết 80 đồng. Còn lại 720 đồng đủ cho ông “ăn cơm bụi” suốt 5 năm!
Nhưng nói vậy thôi, chứ ông đâu thể “ăn cơm bụi” suốt 5 năm vào cái thời chiến tranh loạn lạc ấy. Ông dành 700 đồng về trao cho mẹ và nói rõ: “Đây là tiền ông Tăng Duyệt ngoài Huế mua bài hát Đoàn Vệ quốc quân của con”. Mẹ ông cũng bất ngờ, cứ hỏi đi hỏi lại: “Có đúng như vậy không? Hay là con phỉnh má?”… Đến 30 năm sau (1975), đất nước thống nhất, sau một giai đoạn dài lửa khói đạn bom, ông mới có dịp gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ hỏi: “Biết là con đi theo cách mạng, nhưng con làm nghề gì?”. “Thì con vẫn làm… bài hát mà má!”. Số tiền nhuận bút của ông Tăng Duyệt ngày nào làm ấm lại buổi hàn huyên… Ngày mẹ ông mất (năm 1982, thọ 95 tuổi), ông rất xúc động, bảo rằng: “Tôi rất biết ơn giọng hát ru con ngọt ngào của mẹ (nhà ông có đến 11 anh em). Giọng hát ru ấy đã thấm đẫm vào tâm hồn non nớt của thằng bé mới 6 - 7 tuổi là tôi. Mẹ tôi xứng đáng là nghệ sĩ nhân dân vô danh”.

Theo HÀ ĐÌNH NGUYÊN
(Thanh Niên)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây