Kịch thiếu nhi vào mùa

Thứ tư - 11/06/2014 14:18
Những ngày này, khi học sinh đang bước vào một mùa hè thư giãn thì các nghệ sĩ chuyên làm kịch thiếu nhi lại bước vào mùa chạy sô mệt nghỉ.
Tên trộm thành Bát Đa, vở kịch thiếu nhi đầu tiên của nhà hát Thế Giới Trẻ - Ảnh: Ngọc Hùng
Tên trộm thành Bát Đa, vở kịch thiếu nhi đầu tiên của nhà hát Thế Giới Trẻ - Ảnh: Ngọc Hùng

Và các sân khấu kịch ở TP.HCM đã bắt đầu “tung chiêu” với những chương trình ca kịch tạp kỹ phong phú.

 

Cứ vào mùa kịch thiếu nhi thì không thể không nhắc tới sân khấu IDECAF với thương hiệuNgày xửa ngày xưa đình đám đã bước vào năm thứ 14. Mùa hè năm nay đến lượt Ðình Toàn làm đạo diễn (ở IDECAF hiện nay có Vũ Minh và Ðình Toàn luân phiên dàn dựng kịch thiếu nhi). Với kịch bản Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ của tác giả trẻ Quang Thảo, Ðình Toàn mong muốn đưa khán giả nhí đi “du lịch” đến tận xứ sở Hi Lạp huyền thoại. 

Mỗi ngày 2-3 suất

Cả êkip nghệ sĩ IDECAF đã chuẩn bị cho vở diễn từ cả tháng trước khi mùa hè bắt đầu. Ðặc biệt là các nghệ sĩ đóng vai trò “cái tên bán vé” như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lê Khánh, Ðại Nghĩa... đều phải chuẩn bị sẵn tinh thần và sức khỏe để có thể nhảy múa ca hát chọc cười khán giả nhí sòn sòn mỗi ngày 2-3 suất diễn (9g, 16g, 20g). Cứ vào mùa kịch thiếu nhi là họ gần như đóng đô luôn ở nhà hát từ sáng đến tối. Những nghệ sĩ ở xa phải có mặt tại sân khấu từ tờ mờ sáng để kịp hóa trang, thay trang phục. NSƯT Hữu Châu cho biết vì có ngày diễn ba suất nên buổi sáng anh hóa trang và diễn xong thì cứ để nguyên như vậy tranh thủ ăn trưa và ngủ gục luôn trong cánh gà chờ đến suất diễn chiều và tối.

Trong khi năm nay hai đơn vị sân khấu từng làm kịch thiếu nhi là sân khấu Hồng Vân và sân khấu Hoàng Thái Thanh không có lịch diễn dành cho khán giả nhí thì các đơn vị mới như nhà hát Thế Giới Trẻ, sân khấu kịch Minh Béo, sân khấu Lê Hay lại rất hăng hái để “điền vào chỗ trống”. Nhà hát Thế Giới Trẻ lần đầu tiên thử sức với mảng kịch thiếu nhi bằng vở Tên trộm thành Bát Ða (tác giả: nhà văn Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: Ngọc Hùng). Tuy là tân binh nhưng đạo diễn kiêm ông bầu Ngọc Hùng rất tự tin xếp lịch diễn 2 suất/ngày (9g và 16g) tại 125 Cống Quỳnh, Q.1.

 

Dịp này cũng đánh dấu lần đầu tiên kịch thiếu nhi củaIDECAF mở rộng ra cả ba miền với vở Hoàng tử gấu và hạt đậu thần phiên bản Hà Nội, vở Những đứa con của rồng phiên bản Ðà Nẵng. Ðạo diễn Ðình Toàn đã ra Hà Nội làm việc với nhà hát Tuổi Trẻ để “chuyển giao công nghệ”. Nghệ sĩ Bạch Long, Gia Bảo thì ra Ðà Nẵng để giữ lửa cho kịch thiếu nhi ở đây đúng tinh thần của Ngày xửa ngày xưalà hoành tráng, vui nhộn.

 

Từ ngày 1-6, sân khấu kịch Minh Béo (179 Bình Thới, Q.11) cũng sẽ cho ra mắt vở kịch rối tạp kỹ dành cho thiếu nhi với tên Bác nông dân và chúa quỷ (tác giả và đạo diễn: Hoàng Duẩn). Dựa trên một tích truyện cổ nhưng vở kịch lại được dàn dựng khá hiện đại với sự kết hợp của nhiều loại hình như ca, múa, nhạc, xiếc, ảo thuật và rối đen.

Chọn kịch thiếu nhi làm hướng đi chính của mình, năm nay sân khấu Lê Hay tiếp tục đem các vở diễn Út Bự và bầy hổ, Hỏa xà tinh, Cuộc chiến phép thuật, Lưỡng quốc trạng sư Mạc Ðĩnh Chi, Ngưu vương náo nhân gian... để diễn lần lượt tại hai địa điểm Trung tâm Văn hóa Q.Bình Thạnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương..

Thận trọng trên từng cây số hồn nhiên

Không còn đi theo môtip cổ tích kiểu công chúa - hoàng tử nữa, kịch thiếu nhi IDECAF đợt này hướng khán giả đến với câu chuyện về những mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là tình mẹ con và cách giáo dục con. Tác giả Quang Thảo cho biết càng lúc mình càng phải thận trọng hơn khi đặt bút viết cho thiếu nhi, vì những gì diễn ra trên sân khấu rất dễ đi sâu vào tiềm thức của các em và góp phần tạo nên những suy nghĩ và ứng xử sau này.

Cũng với đề tài ca ngợi tình mẫu tử, nhà văn Nguyễn Thu Phương chấp bút viết kịch bản Tên trộm thành Bát Ða kể về hành trình cứu người mẹ nuôi của anh chàng Ali. Qua bàn tay dàn dựng khá nhiều chiêu trò của đạo diễn Ngọc Hùng, câu chuyện càng trở nên sinh động và hấp dẫn với cuộc phiêu lưu trên đảo hoang, những thử thách của các vị thần, tình bạn giữa Ali và tên trộm khét tiếng...

Ðạo diễn Hoàng Duẩn lại đang có mặt “trên từng cây số” với rất nhiều chương trình thiếu nhi năng động và nhạy bén. Kịch bản do anh chấp bút và tự tay dàn dựng luôn ít nhiều có “vấn đề” và gợi ra những suy ngẫm. Từ chuyện cô bé nuôi mèo nhưng lại không thật sự yêu thương con vật nuôi của mình (Chuyện Mèo và Chuột trong chương trình Ước mơ của Thúy) đến chuyện cậu bé Tí hay xả rác trong công viên (Giấc mơ của Tí - sân khấu Sen Hồng), rồi chuyện Thủy Tinh giả làm dân buôn gỗ và xúi giục dân làng chặt cây để lại hậu quả nặng nề khi mùa lũ tới (Hậu Sơn Tinh - Thủy Tinh - Văn phòng Bưu điện TP), hay chuyện mấy bé biếng ăn vì cứ bị mẹ ép ăn không cho chơi (Bi và thỏ Xuxu - Nhà Thiếu nhi Q.8)... Hoàng Duẩn cho rằng tuy làm cho trẻ con xem nhưng không vì thế mà đạo diễn được quyền xuề xòa, qua loa. Trái lại còn phải đầu tư chất xám hơn nhiều lần để làm sao có thể thu hút được khán giả nhỏ tuổi - vốn rất mau chán - có thể chịu ngồi yên trong rạp suốt mấy tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, nghệ sĩ Minh Béo lại đầu tư tổ chức những chương trình Thế giới tuổi thơ vào các buổi sáng chủ nhật ở sân khấu của mình, bên cạnh việc xem kịch thì Minh Béo còn lồng vào những buổi dạy kỹ năng sống cho trẻ: lễ phép với thầy cô, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, gặp người lớn phải chào, nếu rớt xuống hồ bơi thì phải làm sao...

Có thể nói năm nay lại có thêm nhiều nghệ sĩ mới bước vào mùa chạy sô kịch thiếu nhi. Số lượng các chương trình dành cho thiếu nhi đã tăng lên đáng kể, đi kèm với chất lượng cũng được nâng cao. Những thông điệp nhẹ nhàng từ các câu chuyện trên sân khấu rồi sẽ góp phần hình thành thế giới quan nhân văn, sống động cho các khán giả nhỏ tuổi...

HOÀNG ANH (TTO)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây