Cù Nèo Vàng đã trao cho người xứng đáng

Thứ ba - 29/01/2013 19:10

NSUT Thanh Nam đoạt giải Cù Nèo Vàng xứng đáng

NSUT Thanh Nam đoạt giải Cù Nèo Vàng xứng đáng
Trong khi NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thanh Nam là những tên tuổi đã quá đỗi thân quen thì giải Cù nèo vàng năm nay chào đón một "tân binh" mới tinh: tác giả Trần Khiết (bút danh chung của cặp đôi vợ chồng nghệ sĩ Lương Duyên - Thế Sơn).

NSƯT Hữu Châu: Một niềm vui cuối năm

Trong nghề, NSƯT Hữu Châu tự nhận mình là một diễn viên giỏi. Còn với vai trò đạo diễn, Hữu Châu cho rằng anh trưởng thành từ quá trình... học lóm (!).

Quả thật, nghề đạo diễn của Hữu Châu là tự học ở những bậc đàn anh đi trước, học ở bạn bè và học ở cả những đàn em. "Vì là một diễn viên giỏi nên tôi tiếp thu rất nhanh. Lúc ngồi dưới xem các đạo diễn dựng vở, tôi cứ mày mò học hỏi sao đạo diễn Ðoàn Bá, đạo diễn Trần Minh Ngọc xử lý cái đèn này, hiệu quả gì? Sao Vũ Minh đưa cái trò kia vô, hiệu quả ra sao? Khi làm đạo diễn tôi cũng lên sân khấu thị phạm cho các em diễn viên rất nhanh. Giờ đây, khi nhận được những giải thưởng cho vai trò đạo diễn, tôi thấy công sức mày mò học hỏi của mình thật không uổng phí!".
 


Nghệ sĩ Hữu Châu hóa trang chuẩn bị ra sân khấu

Năm ngoái, Hữu Châu đoạt giải Mai vàng với vai trò đạo diễn của vở Quyền lực tình yêu (kịch thơ, tác giả: Nguyễn Quang Vinh). Năm nay, tên anh lại được xướng lên trong lễ trao giải Cù nèo vàng với vai trò đạo diễn vở Lẩu trăn (kịch bản: Ðăng Nhân). Ở tuổi mình, Hữu Châu tâm sự không có những niềm vui "nổ trời". Nhưng một giải thưởng như Cù nèo vàng sẽ là niềm vui âm ỉ trong tâm hồn Hữu Châu những ngày cuối năm.

Tết này, Hữu Châu lại ra mắt một vở diễn nữa với vai trò đạo diễn là vở Miêu nữ hí miêu gia (kịch bản: Ðăng Nhân). Vở kịch này mang màu sắc dân gian, bởi Hữu Châu tâm sự anh rất thích màu sắc những câu chuyện dân gian. Còn niềm vui hiện tại của Hữu Châu là công việc giảng dạy ở Trường ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM và sân khấu kịch Phú Nhuận. Anh cho biết: "Là một diễn viên lâu năm, một khi tuổi tác đã có những hạn chế thì làm đạo diễn là công việc chính đáng và tôi được phép tự hào là mình làm tốt. Còn giảng dạy với tôi là một niềm vui. Những kinh nghiệm mình đã được truyền dạy từ những bậc thầy đi trước, những kinh nghiệm mà cuộc đời mình gom góp được... giờ đây có thể truyền lại cho các em!".

NSƯT Thanh Nam: Làm hài cũng phải đẹp

Ðạo diễn Hoàng Duẩn nói: "Trao giải Cù nèo vàng cho anh Thanh Nam là quá đúng, nếu anh ấy hoạt động nghệ thuật thường xuyên ở TP.HCM thì có lẽ giải Cù nèo vàng trao cho anh ấy còn sớm hơn".

Trong khi đó, nghệ sĩ Thanh Nam thì tình thật "khai" rằng anh không biết có giải Cù nèo vàng. Anh nói: "Tôi chỉ chuyên tâm làm nghệ thuật chứ cũng ít để ý tới giải thưởng. Tuy nhiên, được trao tôi sẽ vui vẻ nhận. Tôi cũng không ngại nói rằng mình là đàn anh đàn chú phải rút lui nhường giải lại cho các bạn trẻ. Nghệ thuật là cạnh tranh công bằng, không kể tuổi tác. Giải thưởng nào cũng quý với tôi cả!".
 


NSUT Thanh Nam trong trích đoạn Bác Ba Phi thời @

Thanh Nam quan niệm làm gì cũng phải đẹp. Làm hài cũng cần phải đẹp. Không cần thiết phải vẽ mặt như... ông kẹ để gây cười hoặc uốn éo những động tác hình thể. Chọc người ta cười bằng phong cách, lời nói, tình huống kịch là cách Thanh Nam khai thác. Theo nghiệp hát từ năm 19 tuổi, từ đoàn hát Châu Thành ở quê hương Cần Thơ, Thanh Nam chuyển qua các đoàn Giồng Riềng và dừng chân ở Ðoàn cải lương nhân dân Kiên Giang (hiện anh là trưởng đoàn). Anh là nghệ sĩ cải lương hài hiếm hoi được khán giả khắp nơi yêu mến nhưng không chịu rời bỏ đoàn tỉnh để về thành phố phát triển sự nghiệp. Anh từng tâm sự: "Tôi là người trọng tình cảm, ở đoàn Kiên Giang tôi đã được tạo điều kiện tốt để làm nghề. Nơi đây tôi lại có gia đình yên ấm thì không việc gì phải ra đi!".

Ở lĩnh vực cải lương anh có khá nhiều vai ghi dấu ấn trong lòng khán giả, nổi bật nhất là vai cậu Ba Tân trong vở Tô Ánh Nguyệt, phim ảnh thì đóng đinh với nhân vật Hai Lúa trong bộ phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, và mới đây nhất là nhân vật bác Ba Phì trong chương trình Bác Ba Phì thời @ đã được giải Cù nèo vàng chọn để trao giải. Nói Thanh Nam thuộc dạng gừng càng già càng cay quả không sai. Cách diễn hết sức điềm đạm, chững chạc, cứ từ từ như rê từng câu từng chữ, nhưng khi anh "chốt hạ" là khán giả phải ôm bụng cười. Trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại Ðồng Nai hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11-2012, với vai diễn ông Út trong vở Dòng nhớ, anh đã đoạt huy chương vàng cá nhân và góp phần giúp vở diễn đem về huy chương bạc cho Ðoàn cải lương nhân dân Kiên Giang.

Anh có vẻ thích thú khi nói về vai diễn bác Ba Phì: "Tôi vốn hạp với vai nông dân, lại cũng khoái tám chuyện thời sự với bạn bè nên đảm nhiệm nhân vật bác Ba Phì thấy cũng có nhiều cái thú vị. Mỗi chương trình không có sự lặp lại. Chúng tôi được tha hồ nói và bàn về những vấn đề nóng, gai góc trong cuộc sống. Bây giờ ra đường người ta không chỉ gọi tôi là ông Hai Lúa mà còn kêu là bác Ba Phì. Tôi mong chương trình sắp tới sẽ được đầu tư nhiều hơn để êkip làm các tiểu phẩm cho kỹ và sắc bén hơn. Hiện nay, thỉnh thoảng ta vẫn còn làm hơi vội!".

Tác giả Trần Khiết: Chớm bén duyên hài

Giải Cù nèo vàng năm nay được trao cho một tác giả mới toanh: Trần Khiết (bút danh chung của vợ chồng Thế Sơn - Lương Duyên). Cái tên này "khai sinh" cách đây hai năm, khi Thế Sơn - Lương Duyên bắt đầu "Việt hóa" kịch bản Nhà tắm muôn năm của tác giả Nga E.Graghinsky - E.Riazanov thành kịch bản Tình nhân đến với tình nhân (sân khấu Hoàng Thái Thanh). Nói về mức độ "nổi tiếng" của Trần Khiết, Thế Sơn ngắn gọn: "Nhiều người trong giới còn không biết!".
 


Nghệ sĩ Lương Duyên lên nhận giải

Ấy vậy mà vở diễn này được nhận giải Cù nèo vàng. Cho nên, Lương Duyên cảm thấy bất ngờ, hạnh phúc và cảm giác mình được có phần "ưu ái". Công đầu của giải này được Lương Duyên gửi lời cảm ơn người thầy, người cô của mình là NSƯT Thành Hội, đạo diễn Ái Như. Chính họ là những người giao kịch bản, đốc thúc và giúp đỡ Thế Sơn - Lương Duyên đi đến hoàn thiện vở diễn.

Một giải thưởng về hài đối với Lương Duyên là một cảm giác lạ. Bởi vì, từ trước đến giờ cô vẫn cảm giác mình gần gũi với chính kịch hơn là hài kịch. Còn Thế Sơn thì cho rằng một câu chuyện muốn biết rõ là hài hay bi thì phải đi đến tận cùng bản chất của nó. Có khi bi quá thành hài, có khi hài mà lại là bi! Vì vậy, Thế Sơn cho biết hiện tại họ đang ấp ủ những kịch bản mới, những kế hoạch "bi - hài" mới. "Cái tên Trần Khiết chỉ mới ra đời hai năm, bọn tôi sẽ "phát triển" nó thêm..." - cả Thế Sơn và Lương Duyên cùng quyết tâm như vậy!

Cù nèo vàng 2012 - nét duyên trong từng tiết mục

Vẫn là một Cù nèo vàng thâm thúy, châm biếm nhưng không thiếu tiếng cười, lễ trao giải Cù nèo vàng tối 28-1 tại sân khấu Lan Anh (TP.HCM) đã diễn ra trọn vẹn. Năm nay tuy không có hoạt động lễ hội sân khấu ngoài trời nhưng từ rất sớm, khán giả đã tập trung về khu vực sân khấu khá đông "để lựa chọn cho mình chỗ ngồi tốt, gần sân khấu, chả mấy khi được tận mắt chứng kiến các nghệ sĩ ngoài đời" - khán giả Minh Hà chia sẻ trước khi bước vào chương trình.

Không chỉ có khán giả, sự náo nức ấy đã lan cả đến các nghệ sĩ tham gia chương trình. Nghệ sĩ Thanh Nam tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng đến gần như sớm nhất. Anh chia sẻ: "Mình hình như càng già lại càng sung sức hơn, không nề hà từ việc ca hát, đóng kịch, đóng phim, miễn là khán giả còn thương mến là mình mãn nguyện lắm rồi".

Ðỏng đảnh và điệu đà, Linda Kiều Hạnh Thúy và Hai Cù Nèo Anh Vũ bằng những màn đối đáp nảy lửa, không kém phần... huề vốn đã liên tiếp "chọc cười" khán giả một cách duyên dáng. Trong khi đó, mở màn bằng tiết mục Táo quân "đặc sản" - một tiểu phẩm riêng được Cù nèo vàng 2012 "đặt hàng", nghệ sĩ hài Xuân Hương lại hóm hỉnh khi vào vai một bà Táo mê tiền, lươn lẹo, luôn bào chữa mọi việc đều "trong mức cho phép" từ việc thủy điện Sông Tranh xây dựng kém chất lượng đến các chuyện gà bẩn, cá urê... tuy cười sảng khoái nhưng cũng làm không ít người lắc đầu chua chát...

Bên cạnh phút giây lắng đọng trước những lo toan trong cuộc sống, những tiếng hú hét vang vọng tưởng chỉ bắt gặp trong những chương trình ca nhạc trẻ... nay bất ngờ xuất hiện trong lễ trao giải Cù nèo vàng 2012 khi đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho NSƯT Hữu Châu với vở Lẩu trăn - vở diễn ra mắt lần đầu vào dịp Tết Nhâm Thìn. Bước lên sân khấu trong bộ đồ giản dị, nghệ sĩ Hữu Châu nhanh nhảu lên tiếng: "Xin lỗi quý vị vì lên nhận giải thưởng cao quý này trong bộ dạng hơi xuềnh xoàng, do lát nữa Châu sẽ tham gia một vai diễn phục vụ quý vị nên quý vị bỏ quá cho".

Cứ như thế, dù kéo dài hơn hai giờ nhưng mỗi tiết mục với nét duyên riêng, đặc trưng đã đủ sức làm nóng và giữ chân khán giả đến phút cuối cùng!


Theo TUỔI TRẺ

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây