7 bước cần thiết để chọn công việc phù hợp với bạn
Thứ tư - 24/02/2021 20:16
Chọn được công việc phù hợp không chỉ đơn thuần giúp bạn có được nguồn tài chính ổn định mà còn đem lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống. Đây là một trong những quyết định lớn lao có ảnh hưởng đến cả cuộc đời bạn.
Bạn đã chọn đúng công việc phù hợp chưa?
Trên con đường tìm kiếm đích đến của cuộc đời, có một vài điểm mấu chốt giúp bạn đưa ra những quyết định nghề nghiệp sáng suốt và đúng đắn hơn. Những điểm mấu chốt này được khái quát qua 7 bước chọn công việc dưới đây.
Đánh giá bản thân
Bản thân bạn là căn nguyên cốt lõi để lựa chọn công việc phù hợp trong tương lai. Nhận thức và đánh giá đúng đắn về bản thân giúp cho công cuộc tìm việc trở nên dễ dàng và tương xứng hơn. Dù tìm việc làm ở Biên Hòa, Long An hay TP.HCM, có một số khía cạnh cụ thể để bạn đánh giá bản thân là:
1/ Sở thích cá nhân: Điều gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ, hứng thú khi nghĩ đến? Bạn thích được làm gì vào thời gian rảnh?...
2/ Tính cách: Bạn có đặc điểm tính cách xã hội như thế nào (năng động, hướng nội, nhiệt huyết hay trách nhiệm…). Bạn có những điểm mạnh, điểm yếu gì? Thái độ sống của bạn ra sao?
3/ Năng khiếu: Bạn có tài năng thiên bẩm gì? Sở trường của bạn là gì?
4/ Môi trường làm việc mong muốn: Bạn yêu thích với môi trường làm việc như thế nào (trong nhà, ngoài trời, công sở, nhà máy…)? Môi trường náo nhiệt hay môi trường yên tĩnh sẽ phù hợp với bạn hơn?
5/ Điều kiện thực tế: Năng lực học tập của bạn như thế nào? Bạn thuộc loại trí thông minh nào (logic, toán học, ngôn ngữ, vận động, âm nhạc…)? Điều kiện tài chính có đảm bảo cho khả năng học hỏi và làm việc của bạn không?
Tạo danh sách nghề nghiệp phù hợp
Kết thúc bước 1, bạn có thể dựa trên cơ sở dữ liệu vừa hình thành để tạo ra một danh sách khoảng 5 - 10 nghề nghiệp phù hợp với bạn. Hãy cân nhắc lựa chọn những công việc đáp ứng được sự hài hòa giữa 3 tiêu chí:
1/ Đam mê, sở thích cá nhân
Đây có phải là công việc bạn thực sự yêu thích và đam mê hay không? Bởi vì chỉ khi làm việc xuất phát từ lòng đam mê thì bạn mới có động lực để hoàn thành công việc, phát triển và gắn bó lâu dài.
2/ Năng lực bản thân
Bên cạnh đam mê, công việc bạn lựa chọn cũng cần phải tương xứng với năng lực của bạn. Nếu bạn không có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu công việc thì rất khó thành công và sẽ dễ dẫn đến chán nản, buông xuôi. Chẳng hạn bạn không thể trở thành giáo viên nếu mắc chứng sợ đám đông hay tật nói lắp.
3/ Nhu cầu xã hội và thị trường lao động
Những công việc có nhu cầu xã hội và thị trường lao động cao để đảm bảo cho bạn cơ hội tiếp cận việc làm trong tương lai. Vì thế bạn không nên bỏ qua yếu tố này trong quá trình lựa chọn công việc.
Tìm hiểu thông tin từng công việc
Khám phá từng công việc vừa được lập ra ở bước 2 giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về chúng. Điều này cũng góp phần thúc đẩy bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Hãy tận dụng tất cả các nguồn tin trực tuyến lẫn người quen để thu thập một số thông tin về công việc như yêu cầu về chuyên môn và phẩm chất, nhiệm vụ cụ thể, mức lương trung bình, triển vọng trong tương lai, nơi làm việc…
Chắt lọc công việc phù hợp nhất
Sau cuộc thu thập dữ liệu sơ bộ ở bước 3, hãy tiến hành loại bỏ dần dần các công việc kém phù hợp khỏi danh sách trong bước 2. Chẳng hạn bạn có thể mạnh dạn gạch tên một công việc có mức lương không thỏa đáng hoặc nhu cầu xã hội thấp trong tương lai. Tiếp tục xem xét và chắt lọc các công việc cho đến khi chỉ còn lại khoảng 2 - 3 công việc phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn có thể chọn thêm 1 - 2 công việc khác để dự phòng.
Thiết lập mục tiêu nghề nghiệp
Nếu đã đi đến bước này, điều bạn cần làm bây giờ là suy nghĩ nghiêm túc phương hướng thiết lập mục tiêu nghề nghiệp. Hãy giải quyết các câu hỏi như: Bạn cần học ngành gì để làm được công việc này? Bạn cần trau dồi những kĩ năng nào để vận hành công việc trơn tru và có cơ hội được tuyển dụng cao hơn? Làm thế nào để vượt qua cuộc phỏng vấn và làm việc cho một công ty nổi tiếng? Hãy sắp xếp chúng thành một danh sách bao gồm các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn giúp bạn hình dung rõ hơn những việc cần làm sắp tới.
Lên kế hoạch hành động
Trong bước này, bạn hãy lập một kế hoạch hành động theo đuổi công việc thật chi tiết để hướng đến mục tiêu kể trên. Tại đây bạn cần liệt kê các nội dung cần thiết như: Cơ sở đào tạo, các khóa học ngắn hạn, nơi cấp chứng chỉ nghề, công ty tuyển dụng… Bản kế hoạch này được xem là kim chỉ nam đưa bạn đến gần với công việc hơn.
Trau dồi bản thân
Nếu bạn đang là học sinh, hãy bắt đầu tìm hiểu kĩ lưỡng hơn về cơ sở đào tạo nghề phù hợp, yêu cầu tuyển sinh, cách thức và thời gian đào tạo, học phí… Sau đó hãy ra sức học tập theo kế hoạch đã đề ra để được tuyển sinh đầu vào và chuẩn bị các thủ tục nhập học tại cơ sở đó.
Nếu bạn là tân cử nhân vừa ra trường hoặc đang là sinh viên, bạn có thể tham gia các khóa học kỹ năng ngắn hạn, khóa đào tạo chuyên môn để trau dồi thêm kiến thức phục vụ cho công việc như ngoại ngữ, tin học, thuyết trình…
Lựa chọn công việc phù hợp là một quyết định quan trọng mang tính bước ngoặt của cuộc đời mỗi người. Tham khảo và tuân thủ 7 bước cần thiết để chọn công việc phù hợp nêu trên, bạn sẽ có được cái nhìn tỉnh táo và ra quyết định sáng suốt.