Cánh Vạc Tím: Thơ và nhạc gắn liền như bóng với hình

Thứ tư - 28/09/2022 19:20
Cách đây 5 năm, nhà thơ Trần Lê Phượng Loan về nước ra mắt tập thơ đầu tay với nhan đề "Bên Kia Nỗi Nhớ". Vừa qua, cô mới trở về nước thăm gia đình đồng thời cũng muốn giới thiệu tập thơ thứ 2 của mình nhưng với một bút danh mới: Cánh Vạc Tím. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật với tác giả xoay quanh tập thơ này cũng như muốn nghe cô giải thích về bút danh mới của cô.
Nhà thơ Trần Lê Phượng Loan (Cánh Vạc Tím)
Nhà thơ Trần Lê Phượng Loan (Cánh Vạc Tím)
* Xin chào Phượng Loan. Mới đó mà đã 5 năm rồi mới gặp lại nhà thơ. Loan về Việt Nam khi nào và nghe nói sẽ tranh thủ ra mắt tập thơ mới phải không?
 
- Nhà thơ TRẦN LÊ PHƯỢNG LOAN (CÁNH VẠC TÍM): Dạ vâng, Loan về Việt Nam cũng được hơn 2 tuần rồi và đang chuẩn bị ra mắt tập thơ Khoảng Trống Lặng Thầm.
 
* Anh nhớ tập thơ trước em vẫn lấy tên thật Trần Lê Phượng Loan. Em đổi nghệ danh Cánh Vạc Tím từ lúc nào và ý nghĩa của nghệ danh này là gì?
 
- Loan vẫn sử dụng tên thật Trần Lê Phượng Loan và cả bút danh Cánh Vạc Tím. Như trong phần Lời Bạt của Tập thơ Khoảng Trống Lặng Thầm có giải thích xuất xứ của bút hiệu Cánh Vạc Tím. Nick “Cánh Vạc” là do Cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên, nguyên hiệu trưởng Trường PTTH Trương Định, thương quý đặt cho Loan vì cô nói sau bao nhiêu năm ở nước ngoài mà vóc dáng của Loan vẫn như xưa, cao cao, thon thả, mảnh mai “như cánh vạc bay”. Hơn nữa, Loan hay xuất hiện với chiếc áo dài Tím Huế. Cũng vì lẽ đó mà bút hiệu Cánh Vạc Tím ra đời do các độc giả ưu ái ghép tặng.

Canh vac tim 9
 
* Tập thơ Khoảng Trống Lặng Thầm lần này gồm những bài thơ em sáng tác trong 5 năm qua phải không?
 
- Dạ vâng. Đa số các bài thơ sáng tác trong 5 năm qua (nhưng không phải tất cả, có những bài thơ mới sáng tác sau không có trong tập thơ này, đa phần là thơ tâm linh; và có vài bài thơ cũ từ tập thơ trước).

Canh vac tim 10
 
* Nghe nói cũng có nhiều bài đã được phổ nhạc. Em có thể bật mí những bài nào không?
 
- Có một số bài thơ được vài nhạc sĩ phổ tặng như: Liêu Xiêu Bóng Cò do nhạc sĩ Sơn Bolero phổ; Hạnh Phúc Tự Trong Ta, Mùa Đông và Nỗi Nhớ do nhạc sĩ Lê Quốc Thắng phổ; Vườn Cây Tri ThứcKiếp Tằm Ươm Tơ do nhạc sĩ Ngọc Bích phổ; Heo May Dìu Dặt do nhạc sĩ Hoài Yên phổ, Cháy lên đi Việt Nam ơi do nhạc sĩ Kiều Tấn Minh phổ nhạc…

Canh vac tim 7
Canh vac tim 3

* Thế mạnh của em là thơ tự do. Không biết lần này thế nào? Em gửi gắm những gì trong tập thơ Khoảng Trống Lặng Thầm này?
 
- Tập thơ này cũng bao gồm thơ tự do, thơ lục bát, thơ 8 chữ, 5 chữ… Với Khoảng Trống Lặng Thầm Loan muốn nói có những điều không thể diễn tả bằng lời bởi vì ngôn ngữ thế gian quá nhỏ hẹp để diễn tả những vi diệu của đất trời, sự kết nối ở đẳng cấp linh hồn, tình thương vô điều kiện (chân ái)… Những điều bất khả tư nghì, vi tế này không thể dùng ngôn ngữ để chuyển tải hết được, mà đằng sau cái khoảng trống lặng thầm giữa những thanh âm, giữa những ngôn từ đó, nó ẩn chứa những diệu ý thâm sâu, cao cả, những “lời nói” phi ngôn ngữ… mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, cảm nhận ở đẳng cấp linh hồn mà thôi chứ không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thế gian được.

Canh vac tim 11
 
* Sau 5 năm về thăm lại quê hương, cảm xúc của em thế nào? Có tạo cảm hứng cho em sáng tác thêm bài thơ nào tại Việt Nam không?
 
- Cảm ơn anh đã hỏi câu hỏi rất hay này! Vâng, sau dịch Covid Loan mừng rỡ vô cùng, bồi hồi xúc động khi được trở lại quê hương, nhất là đêm đầu tiên ngủ trên đất Sài Gòn sau khi bay 24 tiếng từ New York về Việt Nam. Loan dâng trào cảm xúc khi được gặp lại những người thân thương của mình sau 5 năm dài biền biệt. Rồi được gặp lại quý thầy cô, các anh chị và các bạn, những buổi tiệc họp mặt đầm ấm, đầy ắp kỷ niệm và nghĩa tình; những chân tình mà chỉ tìm thấy được trong tình thầy trò, trong nghĩa bạn bè, trong tình cảm gia đình cha mẹ, anh chị em, bà con, xóm giềng, trong tình thân của những người dân Gò Công và người Sài Gòn… Loan cảm thấy vui mừng, xúc động vô hạn và mãi mãi tri ân!
 
Về thăm quê hương Gò Công, Loan tranh thủ đi viếng Lăng ông Trương Định, thăm Lăng Hoàng Gia, thăm bà con và viếng mồ mã ông bà; Loan cũng đi thăm các thầy cô (những thầy cô cũ mà Loan có thể tìm được hay liên lạc được) từ thầy cô thời tiểu học cấp 1, cấp 2, đến trung học cấp 3… Loan rất vui và xúc động khi gặp lại nhiều thầy cô tuy đã cao tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh; nhưng buồn và thấy đau lòng vì nhiều thầy cô sức khỏe kém đã không còn đi lại được dễ dàng, có người phải nằm trên giường hoặc ngồi xe lăn, có thầy cô thì không còn minh mẫn; vài thầy cô thì đã mất… Vâng, giống như cảm xúc mà Loan đã miêu tả trong bài thơ “30 Năm Vỗ Cánh”:
 
Ta đã quay về, hỡi cố nhân
Đâu rồi Thầy-bạn, đâu người thân?
Ba chục năm trời…Ôi, nghiệt ngã!
Người đã dần xa, khuất nẻo trần…

Canh vac tim 13
 
Đó là những cảm xúc vui buồn lẫn lộn đan xen trong chuyến về thăm quê hương kỳ này. 5 năm qua không phải một thời gian quá dài nhưng đối với Loan và với nhiều người trong chúng ta là khoảng thời gian vô tận bởi vì sự nghiệt ngã của đại dịch Covid-19 làm chúng ta chứng kiến một giai đoạn lịch sử tan thương không chỉ ở Vũ Hán, New York, Sài Gòn mà trên toàn thế giới. Muốn về quê mà không về được mặc dù có những người quê cách Sài Gòn chừng vài chục cây số; có những người thì hối tiếc vì “Có khi lỗi hẹn một giờ/Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm “.
 
Ở Mỹ, Loan làm tại một bệnh viện ở TP New York, một trong những tâm điểm đại dịch Covid-19. Nhìn nhiều người đồng nghiệp y tá, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế nói chung, người thân, những người hàng xóm nhiễm Covid và phải ra đi mãi mãi, mà nỗi đau đó không thể diễn tả bằng lời… Có lẽ suốt mấy thập kỷ qua, toàn thế giới chưa bao giờ trải nghiệm những cảnh kinh hoàng, tan tác và dịp để chúng ta thấu hiểu lẽ vô thường của cuộc đời một cách rõ ràng và nhiều cảm xúc đến như vậy… Những cái ôm, những nụ hôn, những cái bắt tay trở nên quá xa xỉ trong thời Covid…

Trước Covid chúng ta thể hiện tình yêu thương qua những cái ôm, covid đã làm cho cả thế giới đảo lộn, và chúng ta thể hiện tình thương đối với người thân, người đối diện qua việc “giãn cách”; qua việc cách ly, qua những lời cầu nguyện từ xa để mong cho họ bình an không lây nhiễm… Và theo Loan, Covid đã dạy chúng ta biết quý trọng cuộc sống, quý trọng sức khoẻ, trân quý gia đình, người thân và bạn bè hơn… Những cảm xúc này đã được Loan bày tỏ trong nhiều bài thơ:
 
Em nghĩ gì trong ca trực chiều nay
Trong chiếc khẩu trang giữa mùa Covid
Trong đơn độc nơi xứ người xa tít
Hướng về quê trong nỗi nhớ... xé lòng
(Hạt Bụi Vô Tình)
 
Con ôm nỗi nhớ mặn mà
Nhớ quay quắt nhớ, lòng se sắt lòng
Con về thăm lại ruộng đồng,
Kề môi hôn mảnh đất nồng quê Cha...
Nhớ quê nỗi nhớ thật thà
(Nỗi Nhớ Thật Thà)
 
Những cơn sốt dây dưa,
Những cơn ho nhói đau lồng ngực
Nữu Ước cuộn người, bứt rứt
cổ họng rát đau,
cay đắng kiệt cùng
ánh mắt rệu rã
rớt rơi trong cõi vô thường
(Nữu Ước & Tôi)
 
Trở lại phần sau của câu hỏi là “Có tạo cảm hứng cho em sáng tác thêm bài thơ nào tại Việt Nam không” thì thật lòng 2 tuần qua Loan quá bận với gặp gỡ gia đình, thăm bà con, họp mặt thầy cô, bạn bè… Loan chưa làm bài thơ nào nhưng Loan cũng đã bày tỏ cảm xúc và lòng mình qua bài phỏng vấn này và một số bài post trên FB gần đây.

Canh vac tim 12
 
* Hiện nay tình hình thơ trên các hội nhóm và trên mạng xã hội cũng khá nhiều. Loan nhận xét thế nào về trào lưu này?
 
- Thật sự Loan rất bận với công việc bệnh viện, vì mấy năm qua New York (nơi Loan ở) Covid vẫn tiếp tục hoành hành và bây giờ là bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), nên Loan rất ít xài mạng xã hội, Loan cũng không sinh hoạt hội nhóm thơ nào cả nên Loan không rõ tình hình thơ trên các hội nhóm…
 
    * Người ta nói thi ca thường đi chung với nhau. Theo thời gian tất cả sẽ mất hết, chỉ còn lại những lời thơ tiếng nhạc lưu giữ cho đời. Cho nên nhạc phổ thơ cũng ngày càng nhiều hơn. Em thấy sự giao thoa này là một sự tất yếu?
 
- Vâng, theo Loan thơ và nhạc gắn liền như bóng với hình. Có thể nói đa phần lời các bài nhạc đều là lời thơ hoặc ít ra đều có chất thơ trong đó. Nên sự giao thoa này là một lẽ đương nhiên không phải mới mẻ mà đã có từ xưa đến nay. Có những bài nhạc đã thổi hồn thêm cho những bài thơ, dễ đi vào lòng người, dễ nhớ hơn khi được phổ nhạc… Tuy nhiên, cũng có vài bài nhạc không lột tả được hết ý của thi nhân. Đó cũng là điều bình thường, cũng giống như có những cuốn phim được làm ra từ những bộ sách mà khi đọc sách ta sẽ cảm nhận và hình dung khác với khi xem phim.

Canh vac tim 8
 
    * Loan có muốn gửi gắm điều gì đến độc giả và nhất là những người yêu thích thơ của em?
 
- Trước hết, Loan xin cảm ơn gia đình, thầy cô và các bạn độc giả luôn yêu mến Loan trong những năm qua. Có nhiều người luôn đồng hành cùng Loan trong mỗi thi phẩm. Loan xin nhấn mạnh rằng Loan chưa bao giờ tự cho mình là nhà thơ gì cả. Các bạn cũng biết, Loan là dân chuyên toán, hóa; chứ không phải chuyên văn thơ. Loan làm thơ như để trải lòng mình, đó là tiếng lòng của một người con xa xứ, của một “Việt điểu sào nam chi”, của một cánh vạc dù ở trời Tây hơn 20 năm nhưng luôn đau đáu trông về cố quốc, mà nỗi lòng này Loan có viết trong bài thơ 'Cánh Vạc Tím':
 
Chao nghiêng Cánh Vạc lưng trời
Miên man chiều Tím ngẫm đời đục trong
Thẫn thờ bay giữa thinh không
Vọng về cố quốc minh mông xa mờ
Tiếng kêu rơi lạc vào thơ
Bung biêng miền nhớ ngẩn ngơ cõi lòng
Chòng chành ngọn sóng Gò Công
Nồng nàn vị biển hương đồng quê Cha...
 
Xin chân thành cảm ơn quý báo và quý độc giả!

HỒNG SƠN thực hiện
 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây