Lê Hữu Nam và 'Xứ mộng hồn hoa'

Thứ tư - 13/07/2016 11:18
Một Đà Lạt mộng mơ còn nguyên trong kí ức của những ngày thơ ấu. Một Sài Gòn sôi động và hào phóng luôn dang rộng cánh tay che chở và bảo bọc bao nhiêu ước mơ cho những ai đặt chân đến đó...Tất cả được tái hiện trên những trang viết đầy cảm xúc của nhà văn trẻ Lê Hữu Nam qua tập tản văn “Xứ mộng hồn hoa”.
Nhà văn Lê Hữu Nam và tác phẩm
Nhà văn Lê Hữu Nam và tác phẩm

Sau cuốn truyện dài Mật ngữ rừng xanh, tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội nhà TP.HCM, nhà văn trẻ Lê Hữu Nam tiếp tục cho ra đời tập tản văn có tên Xứ mộng hồn hoa. Cuốn sách như một bước khám phá mới trên vùng đất văn học đầy phù sa màu mỡ của  Sài Gòn và Đà Lạt.

Xứ mộng hồn hoa của Lê Hữu Nam chia đều cảm xúc cho hai thành phố, một nơi anh sinh ra lớn lên, và một dành cho nơi đang cưu mang che chở anh trong những năm tháng rời quê vào Nam lập nghiệp. Đó là Đà Lạt và Sài Gòn. Hình ảnh hai thành phố yêu thương được tái hiện sinh động và đầy cảm xúc qua từng trang viết.

Tác phẩm Xứ mộng hồn hoa của Lê Hữu Nam mang dáng dấp một cuốn nhật ký ghi lại những trải nghiệm của anh về Sài Gòn thân thương và Đà Lạt nhung nhớ. Trong những trang viết dành riêng cho Đà Lạt, người đọc như được đặt chân đến vùng đất thiên nhiên hoa cỏ đầy mộng mơ, những ngôi nhà cổ kính lưu lại một thời quá khứ thăng hoa gắn liền với những kỷ niệm của người Đà Lạt, mà Lê Hữu Nam là một trong số đó. Những hình ảnh nối tiếp nhau hiện về trong ký ức của tác giả khi mơn trớn, khi chậm rãi, khi lằng lặng trong thâm tâm chưa bao giờ thôi nhớ, tạo cảm giác thi vị lẫn mênh mang chờ đợi.

Có thể thấy Lê Hữu Nam trải lòng mình cả trên những phiến lá, hạt sỏi, hay dõi theo đường chạy của chú sóc láu lỉnh một cách vô tư giữa thiên nhiên an bình. Trong ký ức của tuổi mới lớn, tác giả nhớ lại buổi tối giá lạnh, một mình đút tay vào túi áo, cổ áo kéo cao, chiếc mũ trùm đầu và độc bước dưới rặng thông già bãng lãng khói sương; bất ngờ đứng lại lưng chừng con dốc, chạm tay vào từng thân cây mimosa bên vỉa đường, cảm nhận một sức sống âm thầm nơi đó, mà hồ như chỉ còn lại một mình ở thành phố vốn thơ mộng và huyền diệu ấy.

Diễn viên điện ảnh Hồng Ánh và "Xứ mộng hồn hoa"

Một Đà Lạt của thời thơ ấu được ghi nhớ qua lăng kính của một người đã trưởng thành, bởi vậy Đà Lạt dưới ngòi bút của Lê Hữu Nam là một trang sử đầy kiêu hãnh, lưu lại từng dấu chân khai sáng của Alexandre Yersin, Paul Néis, Ernest Hébrard… cùng những cuộc bể dâu binh biến được gợi nhớ bởi những gì còn sót lại từ các biệt điện, dinh thự, nhà thờ và cung đường vó ngựa đầy dấu tích của những cuộc khai hoang từ thủa Lâm Viên thị xã.

Đà Lạt, dẫu có vận đổi sao dời, thì vùng đất ấy vẫn đẹp, vẫn nguy nga và đầy chất mộng mơ bi tráng trong ký ức của tác giả. Và dù, người Đà Lạt có đi đâu, ở đâu, có biền biệt xa cách, thì Đà Lạt vẫn là xứ mộng trong tâm hồn mỗi người. Ta có thể cảm nhận một Đà Lạt như thế qua những bài viết: Có những Đà Lạt trong tôi, Cố nhân và lữ khách, Mẹ tôi và thời tươi đẹp, Đêm đông, Trái tim nơi ngọn núi, Hồn thương nhớ, Mùi dã quỳ, Ngôi nhà trên đồi, Chiếc áo len xanh, Đà Lạt - hoài niệm và ân tình…

 
 

 

Và khi viết về Sài Gòn, Lê Hữu Nam trân trọng kể những câu chuyện nhỏ của mình ở nơi đây cùng với những con người đã gặp. Sài Gòn trong Xứ mộng hồn hoa là một vùng đất ấm áp và đầy duyên nợ, người ta hầu như không thấy mình lẻ loi cả trong những thời khắc khổ đau nhất.

Vùng đất ấy mang đến lòng nhân ái trượng nghĩa, Sài Gòn hào sảng luôn muốn chở che và bao bọc mọi thân phận. Qua nhiều tháng năm cuộc đời biến động, đến hôm nay tác giả vẫn mang trái tim thổn thức ấy để cảm nhận một Sài Gòn rộng rãi yêu thương.

Những con phố lưu lại vết tích của thời thuộc địa Đông Dương xen giữa phố xá đang mọc lên loạt building chọc trời, những tòa nhà thương xá, những tháp chuông, tất cả như vọng về hình ảnh của một Hòn ngọc Viễn Đông, mà ở xứ này người ta vẫn gặp những nụ cười son sắt trẻ trung, hằn lên cuộc đời đổi chác mưu sinh

Và dẫu, trên mỗi cuộc hành trình của từng phận đời, thì Sài Gòn luôn là vùng đất đầu tiên mà những cuộc di dân muốn tìm đến, và dẫu người ta đi hay ở sau năm tháng nương nhờ, Sài Gòn vẫn còn đó những dư vị trong lòng mỗi người. Sài Gòn của tuổi trẻ, tình bạn vong niên, tình đời nghệ sĩ, hay giữa cuộc xông pha đi tìm chân lý, và Sài Gòn còn nhiều lý do để người thập phương ở lại hoặc ra đi nhưng chắc chắn không thể nào quên vùng đất đô thành hào sảng đã từng chào đón, chở che họ

Và một Sài Gòn như vậy, được in đậm trong những bài viết: Sài Gòn ôm tôi trong những ngày côi cút, Sài Gòn bóng hôm nay sẽ không phai, Sài Gòn đẹp – xấu, Mối tình Sài Gòn, Hào quang của chị, Người Sài Gòn…

Tác phẩm "Xứ mộng hồn hoa" của nhà văn Lê Hữu Nam

“Đà Lạt luôn ở sâu trong tâm khảm gợi nhớ những ký ức tuyệt vời, và Sài Gòn còn đó một lòng bao dung nâng đỡ bước chân tôi.” Lê Hữu Nam đã khẳng định như vậy trong Xứ mộng hồn hoa. Đà Lạt trong mắt anh là đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên. Sài Gòn trong mắt anh là đôi mắt của một thanh niên ưu tư.

Đọc cuốn tản văn này, bạn sẽ không khám phá ra những danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt và Sài Gòn. Nhưng bạn sẽ khám phá ra vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Đà Lạt và tấm lòng bao dung của người Sài Gòn". – Lời nhận xét của nhà văn Đoàn Thạch Biền. 

Vài nét về nhà văn trẻ Lê Hữu Nam 

.Lê Hữu Nam sinh 1986 ở Đà Lạt và hiện đang sống tại Sài Gòn với công việc của một phóng viên. Ngoài ra anh còn là tác giả của các cuốn sách:Hành trình trở về - Đông Tây 2013, Con đến như một phép màu – Phương Nam 2014, Mật ngữ rừng xanh – First News 2015, Những gam màu hồi sinh – NXBT 2016, Sài Gòn café ngọt đắng – NXB Trẻ 2016 (viết cùng tác giả trẻ Lưu Quang Minh). Sắp tới Lê Hữu Nam sẽ cho ra tiểu thuyết đầu tay: Vì chưa bao giờ kết thúc. Hiện Lê Hữu Nam đang duy trì các dự án viết sách của mình.

 Theo: Tiểu Vũ (Một Thế Giới)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây