Thấy gì ở kịch Hoàng tử bé?

Thứ ba - 13/11/2012 08:14
Thế là Hoàng tử bé (*) - vở kịch tiếng Anh thứ 3 trong vòng hai năm của nhóm kịch Dragonfly tại TP.HCM (trước đó là vở Năm năm vừa qua diễn năm ngoái và Tầm quan trọng của sự nghiêm túc diễn tháng 6 năm nay) - đã ra mắt khán giả tối 8 và 10-11.
Tạo hình nhân vật như hoàng tử bé, bông hoa, con rắn... thể hiện ý thức chuyên nghiệp của nhóm Dragonfly - Ảnh: Gia Tiến
Tạo hình nhân vật như hoàng tử bé, bông hoa, con rắn... thể hiện ý thức chuyên nghiệp của nhóm Dragonfly - Ảnh: Gia Tiến

Sân khấu của đạo diễn Jaime Zúniga gợi nhớ vở kịch Ba chàng ngự lâm pháo thủ của một đoàn kịch Pháp đến TP.HCM trước đây. Ðơn giản, cách điệu phông màn và lôi cuốn dựa trên diễn xuất của diễn viên. Ðó có lẽ là hình thức phù hợp và tiện lợi cho những nhóm kịch “tay ngang” này.

Diễn xuất của Lan Phương (vai hoàng tử bé), Aaron Toronto (vai phi công), Nguyễn Hà Tú Trinh (vai con rắn), Ðỗ Trần Anh Nhi (vai nhà vua)... thật đồng đều, sinh động. Khán giả một lần nữa thưởng thức câu chuyện hấp dẫn, vừa ngây thơ vừa triết lý, lấp lánh muôn vàn trí tưởng tượng từ nguyên tác Hoàng tử bécủa văn hào - phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry.

Hoàng tử bé một lần nữa cho thấy nhóm kịch Dragonfly đang góp thêm một màu sắc kịch cho đời sống sân khấu TP.HCM. Kịch của họ không phải là những dự án trao đổi nghệ thuật Ðông - Tây như những đoàn nhà nước, dù ý nghĩa nghệ thuật thì vẫn vậy. Kịch của họ cũng không phải để kinh doanh, dù họ cũng cần bán vé để... gỡ vốn. Họ làm kịch trước tiên vì đam mê và khi đã làm thì chuyên nghiệp.

Gánh trên vai một tác phẩm nổi tiếng như Hoàng tử bé, những nhân vật của vở diễn như hoàng tử bé, con rắn, bông hoa, chàng phi công... được chuẩn bị kỹ càng từ trang phục đến tạo hình nhân vật. Trong khi những vở diễn trên sân khấu TP.HCM gần đây tỏ ra rất “lớt phớt” về sự đầu tư này.

Ðôi khi xem một vở diễn, khán giả cảm thấy khó chịu khi diễn viên diễn vở này lại mặc trang phục từng mặc ở vở diễn khác. Hoặc nhân vật của diễn viên thất bại ngay từ đầu khi một gã giang hồ mà ăn mặc như thư sinh, một nữ đại gia mà ăn mặc như bà nội trợ...

Có những diễn viên lâu năm chỉ biết lắc đầu khi những diễn viên trẻ mặc đồ nào thì ra diễn đồ đó, họ không cần phân biệt giữa con người đời thực với con người trên sân khấu. Sự hời hợt, lớt phớt đó dễ được bỏ qua vì những yếu tố thương mại (như kinh phí eo hẹp, vở diễn chỉ để bán vé, không gây tiếng tăm...). Cho nên nếu cho rằng làm nghề chuyên nghiệp là người diễn viên có thể sống được bằng nghề diễn thì nhóm Dragonfly chỉ là những người “tay ngang”. Nhưng nói về sự chuyên nghiệp trong ý thức nghề nghiệp thì một vở diễn nhỏ như Hoàng tử bé thôi cũng có cái đáng cho những người làm sân khấu phải tham khảo, học hỏi.

Theo TUỔI TRẺ

 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây