Bài phát biểu của cô giáo cũ gây xúc động trong buổi ra mắt thơ của Trần Lê Phượng Loan

Chủ nhật - 09/07/2017 14:41
Trong đêm trước khi lên Sài Gòn, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyên đã thức từ 1g sáng để viết bài phát biểu, hay nói đúng hơn là bài cảm nhận về những bài thơ cũng như về người học trò cũ mà cô thương nhất. Bài phát biểu đã gây xúc động mọi người và nhất là học trò cũ của cô là Trần Lê Phượng Loan trong buổi ra mắt tập thơ 'Bên kia nỗi nhớ'.
Tác giả Trần Lê Phượng Loan tặng hoa và ôm cô giáo cũ kính yêu của mình
Tác giả Trần Lê Phượng Loan tặng hoa và ôm cô giáo cũ kính yêu của mình
Được biết cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên là Nhà giáo Ưu tú - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; nguyên hiệu phó Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Thủ Đức, TP.HCM; nguyên hiệu trưởng & và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường VStar School, Quận 7, TP.HCM.
Trần Lê Phượng Loan là học trò mà cô thương nhất khi còn học ở Gò Công, nhân Buổi ra mắt tập thơ đầu tay của mình là
Bên kia nỗi nhớ, Phượng Loan đã gọi điện mời cô lên Sài Gòn chung vui với mình và nhờ cô phát biểu trong buổi lễ này. Nên cô Thanh Nguyên đã thức từ 1g sáng để viết, viết xong cô cũng thức luôn vì thấy nôn nao không thể nào ngủ được nữa. Thế là cô thức luôn đến sáng và sau đó cùng với các thầy cô khác lên Sài Gòn để chúc mừng cho học trò cưng của mình.
Sau đây là bài phát biểu cảm động mà cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên đã đọc với tất cả tình cảm thân thương mà cô dành cho học trò cũ của mình trong buổi ra mắt tập thơ
Bên kia nỗi nhớ.



Cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên phát biểu
 
"Lời đầu tiên, tôi xin gửi đến các thân hữu của Phượng Loan - đó là những văn nghệ sĩ, những người yêu thơ Phượng Loan, những người Cô, người Thầy và gia đình của Phượng Loan đã có mặt trong khán phòng hôm nay để chúc mừng, để chia sẻ với Phượng Loan về thi phẩm đầu tay với đề tựa “BÊN KIA NỖI NHỚ” với lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!

Trần Lê Phượng Loan - nhà thơ mới nổi lên gần đây trên mạng xã hội Facebook mà tôi thường nói vui: "Phượng Loan – em là một hiện tượng trong lĩnh vực thơ văn mất rồi…!”. Em đã làm xôn xao trong giới yêu thơ, em sáng tác thơ như hơi thở, như những cơn sóng dâng trào… và đã làm cho bao trái tim thổn thức khi nhớ lại những cuộc tình đã lỡ, hay những đôi vợ chồng dù cuộc sống đang hạnh phúc như thế nào đi nữa, mà những cảm xúc về tình yêu đầu đời của một thời trai trẻ bỗng trổi dậy, để thấy tình yêu nồng nàn hơn, đằm thắm hơn, sâu lắng hơn, phủ lấp những lăn tăn phải có trong cuộc sống thường tình…
 
“Giữ giùm em chút tình tuổi mới lớn
Nét chân quê, e ấp má thanh tân
Để mai sau khi tóc điểm phong trần
Còn lại chút bâng khuâng thời xuân sắc!”

(Chút tình cho anh)

 
 
Thơ em không chỉ gói gọn ở mảng tình yêu đôi lứa mà còn trãi rộng nhiều lĩnh vực của cuộc sống! Em rời xa quê hương để lập thân, lập nghiệp, nhưng tình yêu quê hương luôn ẩn giấu trong lòng em để rồi những bài thơ em viết về quê hương – về Gò Công đã làm những người con xa xứ bỗng thấy nhớ nơi chôn nhao cắt rốn đến quay quắt, đến lạ kì, chỉ muốn quay trở về, ôm chầm lấy lòng đất mẹ… mà vì cuộc sống phải rời xa! Tôi đã từng đọc những lời comment của chính “ông xã” Phượng Loan: “Em, ngày mai mình mua vé về VN đi em"!
 
“Gió ơi xin ghé lại nhà ta
Mang chút tình quê cũ mặn mà
Gửi về miền biển thân thương ấy
Mảnh đất Gò Công vang tiếng ca.
            
Lúa trổ đòng đòng ngậm mù sương
Dưa hấu thơm ngon, ngọt lạ thường!
Tôm cá nghêu sò ôi quá xá!
Sơ ri chín đỏ ngạt ngào hương…”.

(Gò Công quê tôi)
 
Thơ của em còn trãi rộng đến ngôi trường, đến thầy cô… Em là người học sinh luôn biết kính trọng người Cô, người Thầy mà em đã trót mang nặng ân tình. Bài “Vườn cây tri thức” đã làm chúng tôi – những người như kiếp con tằm cảm thấy ấm áp khi phải rút ruột ươm tơ cho đến khi nhắm mắt:
 
“Thầy tôi mãi miết vun trồng
Những cây tri thức trên đồng tương lai
Phấn là cuốc, bút là cày
Thửa ruộng – sách, bảng… Thầy say sưa bừa
Bục giảng là chú Trâu xưa
Gian nan sớm tối, nắng mưa mỗi ngày!
Một cây giờ lại Hai cây,
Dốc tâm thầy bón đất đầy, nước phân…”

 
 
Rồi em nhìn cảnh quê hương đất mẹ ở khúc ruột miền Trung luôn oằn mình chịu bão lụt, nhìn những trẻ thơ còm cõi phải trèo lên nóc nhà và chui ra từ mái ngói với ánh nhìn ngơ ngác trong cơn đói rét… Những cụ già run rẫy, ôm lấy gốc cột sợ sóng gió mang đi…
 
“Bão vừa đi, lũ ùa về
Mỗi năm mấy trận não nề… miền Trung!
Bao người đói rét khốn cùng
Trâu, Bò chết trắng, khắp vùng hóa sông

Lũ băng rách nát cánh đồng
Lúa chiêm chín vụ đợi mong gặt mùa
Cụ già bám cột tránh mưa
Trẻ thơ ngơ ngác… vẫn chưa hoàn hồn!

(Thương lắm miền Trung)
 
Rồi khi đất trời trở mình thức dậy sau giấc ngủ Đông, nàng thơ cũng cảm thấy thổn thức, reo vui trong Vũ khúc mừng Xuân:
 
“Chim bỗng vui mừng rộn tiếng ca
Trời xanh, mây trắng, gió chan hòa
Ôi sao vui quá nàng Xuân tới
Bướm hẹn cùng Ong vũ điệu hoa”

 
Và rồi khi nhìn người mẹ yêu ngày một héo hắt trong cái tuổi bóng xế, em cảm thấy đau lòng khi nhìn mẹ hao mòn theo năm tháng:
 
"Bao năm về… chợt thấy mẹ già hơn
Bụi thời gian sao phủ phàng quá đổi
Những vết nhăn trên mặt người cằn cỗi
Chân yếu, mắt mờ, quờ quạng bước chông chênh!"

(Biển tình thương)
 
Hay trong bài “Đáy mắt mẹ hiền”, em viết:
 
“Đôi mắt Mẹ… vẫn ngời lên
Ngọn lữa của yêu thương và hi vọng
Một ngọn lữa được thắp bằng những giọt mồ hôi chưa kịp đọng
Lòng mẹ
Như biển cả mênh mông
                         Trái tim nhỏ
Nhưng con bơi suốt đời không thấy bãi..."

 
 
Quả thật, trong em là cả nguồn cảm xúc dạt dào luôn tuôn chảy, tôi nghĩ đó là nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn của người thi sĩ xuất thân từ lãnh vực khoa học tự nhiên! Tiến sĩ – dược sĩ Trần Lê Phượng Loan, người học trò giỏi của Trường Trương Định mà ngày xưa tôi nào biết trong con người em có nguồn văn chương, nghệ thuật đang tiềm tàng mãnh liệt…!

Em giỏi lắm – đa tài lắm… Tôi biết em còn giỏi giang trong lĩnh vực hội họa! Em thường thử sức mình trong nhiều lĩnh vực, em ghi danh ở nhiều ngôi trường trên đất Mỹ, để học hỏi, để làm giàu thêm nguồn kiến thức và nguồn năng lượng trong con người em, và nơi đâu, lĩnh vực nào em cũng đều gặt hái những trái ngọt…!

Có lẽ… do em được tẩm bổ, nuôi nấng từ truyền thống gia đình của em và đặc biệt em như là “hậu duệ” của người cô ruột: cô Trần Thị Lài – một Hiệu trưởng nổi tiếng của xứ sở Gò Công của hơn nửa thế kỉ trước và cũng là người Cô duy nhất của lứa học sinh đầu tiên Trường trung học Gò Công (nay là Trường THPT Trương Định) – ngôi trường cũng đã dạy dỗ tôi nên Người…!
 
Kính thưa quý vị

Đôi nét giới thiệu về người học trò của tôi, có thể là không đầy đủ nhưng cũng hi vọng những người tham dự trong buổi ra mắt thi phẩm "BÊN KIA NỖI NHỚ” có thêm chút tư liệu về em – người học sinh mà chúng tôi yêu quý với đầy đủ phẩm chất đẹp chất chứa trong em: đó là sự thông minh, là sự tài giỏi, khiêm tốn, sống chan hòa với mọi người. Tôi yêu mến em ở sự chân tình, không khoe khoang với tấm lòng luôn trãi rộng!

Chúc em tiếp tục thành công và vẫn giữ những nét đẹp vốn có để mãi là “người thơ” rất đẹp trong lòng của chúng tôi và của tha nhân…
Chúc buổi ra mắt thi phẩm “Bên kia nỗi nhớ” thành công hơn cả mong đợi…
 
Xin trân trọng kính chào!

Tháng 7/2017"

 
Bài phát biểu của cô Thanh Nguyên đã gây xúc động cho nhiều người, nhất là học trò cũ của cô, tác giả Trần Lê Phượng Loan như chết lặng, đứng im sau cánh gà mà nghe từng lời của cô trong niềm xúc động vô bờ. Và chỉ chờ bài phát biểu của cô Thanh Nguyên xong, Trần Lê Phượng Loan đã lên ôm chầm lấy cô và tặng cô đóa hoa tươi thắm thay lời biết ơn sâu sắc nhất của mình.
 









Phương Loan thật sự rất hạnh phúc vì ngoài cô Thanh Nguyên còn có rất nhiều thầy cô khác và bạn bè từ Gò Công lên chúc mừng cô

 
Buổi lễ ra mắt tập thơ Bên kia nỗi nhớ của Trần Lê Phượng Loan đã thành công tốt đẹp như lời chúc của cô Thanh Nguyên. Ngoài các thầy cô từ Gò Công lên, đến dự buổi lễ còn có bố mẹ và gia đình Phượng Loan cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nhà nghiên cứu văn học, các ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ diễn ngâm và bạn bè thân hữu từ khắp nơi đến chúc mừng và chia vui với Phượng Loan trong ngày đặc biệt này.
 
HỒNG SƠN
 

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây