Thưởng thức đặc sản Quảng Ngãi với Đu Đủ Xanh và hơn thế nữa...

Thứ tư - 12/10/2016 22:27
Cái tên Lê Anh Đủ từng xuất hiện dưới những phóng sự điều tra đăng trên Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TP.HCM, Thanh Niên. Thế rồi, sau một pháp nạn, cái tên ấy biến thành Đu Đủ Xanh ở đầu đường Song Hành, quận 2 với một không gian mở êm ả hạp cho những cuối tuần bạn bè ngồi tám thế sự.
Các món ăn đặc sản của Quảng Ngãi
Các món ăn đặc sản của Quảng Ngãi

Vị đu đủ xanh

Từ một góc cao ở Đu Đủ Xanh nhìn ra phía trước là một nhà ga Metro đang xây dựng. Phía sau cây lá mướt xanh như ngọc trong một trưa tháng 10. Giữa khu vườn ấy có một ao đầy nhóc cá trê và cá rô.

Nước trong ao mấp mé bờ làm tôi liên tưởng đến chỉ cần một cơn mưa được gọi tên bằng từ thời thượng gần đây, trong cái nạn El Nina năm 2016, là mưa cực đoan, cá sẽ tứ tán. (Ganh tị với chúng – vì là cá thoải mái chạy mà không cần chà bougie).


Không cần về tới Quảng Ngãi, thực khách vẫn có thể thưởng thức các món đặc sản xứ Quảng tại quán Đu Đủ Xanh tọa lạc tại số 39 Song Hành -  Xa lộ Hà Nội, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM


1 góc quán Đu Đủ Xanh nhìn từ trên cao


Quán được trang trí khá dân dã và bắt mắt

Bên ao là những mái tranh đội lên những không gian mở mà bàn ghế phần lớn bằng cội cây, ván mộc. Thi thoảng quán cho đốt lửa rơm lửa lá rụng đưa ta theo con tàu khói về miền Trung lần lượt qua từng “ga”, nơi có biển xanh, núi biếc, đồng vàng, nắng chát, sông xiết mùa mưa lũ cuối năm.

Vàng A Hiếu, một cái tên quen thuộc với các fan yêu sản vật Tây Bắc là đồng sáng lập Đu Đủ Xanh, muốn biến nơi này thành một tửu điếm với các món ăn đặc sản Quảng Ngãi.

Là một chuyên gia về ẩm thực Tây Bắc, anh cho biết: “Anh Đủ sẽ phục vụ các món ăn Quảng Ngãi và tôi bán các loại rượu truyền thống xứ Việt”.

Không chỉ là rượu mà A Hiếu còn muốn sưu tập các loại tửu khí và các thú chơi trong lúc đối ẩm. Đến nay, ở quán mới có một số tỉn rượu Phú Lễ và nhạo các loại. Nó làm ta chợt nhớ đến câu ca dao dễ thương:

Rượu nằm trong nhạo chờ nem

Qua nằm thuyền vắng chờ em một mình

Trong menu quán có kê đầy đủ các đặc sản mà dân xứ “hay lo” ngợi ca. Nào là cá bống sông Trà Khúc, cá ngạnh, cá diếc, bông nghệ, mắm nhum, don, môn chua. Thiếu cá niên ở quê Ba Tơ của anh Đủ.



Một cái bông chấm vào mắm nhum; vị nghệ nồng nàn hơn cả lúc ta nhâm một chút nghệ củ, mắm cũng nồng nàn thơm cái hương tanh tanh đặc trưng của biển mà những người con xứ biển không thể thiếu được khi ăn đồ biển


Don ăn với bánh đa


Bia Dung Quất của Quảng Ngãi chắc chỉ có ở Đu Đủ Xanh


Dưa môn

Hương Quảng Ngãi

Tửu điếm có nét dễ thương là tuy có thực đơn, nhưng sẵn sàng chiều theo yêu cầu của khách hàng, chớ không có văn hóa càm ràm như miệt ngoải. Phong cách này cũng giống như kiểu các hãng tàu bay quảng bá rằng bữa ăn của họ phục vụ customizing.

Hôm đầu tiên chúng tôi đến, sẵn nghe cá ồ vừa mới nhập về, nỗi nhớ bún cá Nha Trang chợt hiện về. Cá ồ nấu nước ngọt thanh chỉ thua cá chấm.

Sau khi dặn dò công thức, chúng tôi có được bữa bún cá phó bản Nha Trang – cá nấu mẳn – khá là ngon.

Cá đủ độ tươi để cho nồi nước dùng ngọt ngon. Mắm chánh hiệu không phải nước chấm tẩm hương. Bữa đó quán chỉ mới có nếp cái hoa vàng, thứ rượu có hậu ngòn ngọt.

Thiệt là một cuối tuần đã đời. Cái kiểu đã đời của những kẻ thèm quê nhà tại xứ Sài Gòn cũng giông giống thứ đã đời của bác Giáng:

Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi

Đi lên đi xuống đã đời du côn

Chỉ xê xích chút đỉnh là chúng tôi “đi ăn đi uống đã đời du côn”.


Một bửa trưa với các món đặc trưng Quảng Ngãi: cá kho tộ, don, dưa môn, mắm nhung...


Cá ồ được đem vào từ Quảng Ngãi

Lần sau chúng tôi đến, dặn với lòng là hôm nay phải chu du về miền “hay lo”. Thế là gọi bông nghệ hấp chấm mắm nhum, thứ mắm mà dân Quảng Ngãi rộng lưỡi cao rao, thậm chí có kẻ còn bảo là “món tiến”.

Một cái bông chấm vào mắm nhum; vị nghệ nồng nàn hơn cả lúc ta nhâm một chút nghệ củ, mắm cũng nồng nàn thơm cái hương tanh tanh đặc trưng của biển mà những người con xứ biển không thể thiếu được khi ăn đồ biển.

Rồi đến canh chua cá ngạnh. Cá ngạnh ở Nha Trang gọi là cá chốt. Thứ cá này dễ đâm trúng tay vì có tới ba cái ngạnh, hơn trê một cái.

Mùa lũ, khi nước sông Cái tràn khỏi đập ngăn vào đồng, tôi thường đi lưới chúng với người em con cậu Mười. Ở đoạn gần cầu sắt xe lửa bắc qua sông Cái, có một cái đập điều tiết nước của Phù Sa bên kia sông.

Cá đối vào những thửa ruộng nhiều vô kể, đêm đêm chong đèn đi bắt là một cái thú. Chẳng hiểu sao người Huế lại gọi nó là cá kình, thường đúc bánh xèo, làm thoạt nghe tôi tưởng nó to như cá mập!

Canh chua miền Trung ở xứ tha hương này đong thêm vào nỗi nhớ một ống bơ ký ức. Thay vì nêm đường nó được nêm bằng muối ớt. Thứ gia vị này góp phần làm nước ngọt thanh và hảm vị tanh cá chốt thật tuyệt…


Canh chua miền Trung

Cũng là lần đầu tiên chúng tôi được ăn cá bống Quảng Ngãi kho tiêu. Quán bảo là cá bống Sông Trà Khúc. Nhưng ai mà biết Trà nào, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu hay  là sông Vệ? Vì cá bống Trà Khúc ngon nhất vào mùa hè kia mà. Lại nữa, loài cá này đã cạn kiệt khi người ta xây đập Thạch Nham…

Tiếc cái là món don bữa đó không có. Tôi gọi don xào xúc bánh đa để nhìn rõ cái mặt loài hến vương giả của con sông mà tên gọi mang họ vương tộc của người Hời – Trà, Chế, On, Ma.

Sài Gòn nhiều quán bán don quanh năm, mặc dầu don Trà Khúc chỉ rộ lên vào mấy tháng sau tết. Tức là Sài Gòn chỉ bán món don “hồn thị hến, da văn don”. Chưa kể là don Trà Khúc đã xuống cấp khi rất nhiều phù sa đã bị đập Thạch Nham chận đường.

Có lẽ vì vậy mà một ông bạn đồng nghiệp khi tôi chỉ cái quán Don ở khu Bầu Cát, liền nói: “Ăn rồi, không ngon”. Người con Quảng Ngãi, chị Xuân Sương ở Paris mà nghe lời chê này sẽ khóc thét lên mất.

Quả thật, tôi có lần húp chén don trong một quán nhỏ khi vừa xuống ga xe lửa, nó ngon làm sao. Phải là những người cả một thời ăn don như chị Xuân Sương mới nói được hết cái ngon – phải chăng trong nó là thứ hồn sắc Chiêm Thành đã đọng lại – của loài nhuyễn thế bà con gần với hến nhưng đáng mặt nữ vương hến trong bài “Gion của tôi” của Xuân Sương?

 
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây