Tết này cười thả ga với kịch và nhạc kịch Tấm Cám

Thứ sáu - 29/01/2016 11:41

Tết này cười thả ga với kịch và nhạc kịch Tấm Cám

Sau 16 năm ra mắt, vở kịch Tấm Cám - vở được xem là hot nhất trong chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf - vừa trở lại với khán giả vào tối 27-1 tại sân khấu Trần Cao Vân, TP.HCM.

Không chỉ có kịch Tấm Cám, nhóm Buffalo tết này cũng chơi sang thuê luôn nhà hát Bến Thành để Tấm Cám không chỉ nói mà còn hát, còn nhảy tưng bừng trong vở nhạc kịch Tấm Cám.

Ở lĩnh vực điện ảnh, Ngô Thanh Vân sản xuất bộ phim Tấm Cám: chuyện chưa kể ra rạp tháng 4-2016.

Ba kiểu Tấm Cám có gì khác nhau?

Kịch Tấm Cám - 
hào quang của 16 năm...

Đêm mở màn kịch Tấm Cám tối 27-1 không còn một chỗ trống. Khán giả phấn khích vỗ tay rần rần mỗi khi Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long... xuất hiện.

Tấm Cám là vở diễn mở màn chương trình kịch dành cho thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf vào năm 2000. Từ đó tới nay, nhiều khán giả vẫn nhắc nhớ về Tấm Cám như một “hoa khôi” ấn tượng nhất trong các chương trình Ngày xửa ngày xưa từ dạo ấy đến giờ.

Huỳnh Anh Tuấn - ông bầu sân khấu Idecaf và cũng là tác giả kịch bản Tấm Cám - kể lại thời đó vở diễn cả tháng mà khán giả vẫn đông nghịt.

Đó cũng là lần đầu tiên NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu giả gái để vào vai mẹ con Cám. Dư luận phản ứng gay gắt vì bảo thiếu gì diễn viên nữ, sao tự nhiên lại để diễn viên nam phải giả gái.

“Khi viết kịch bản này, tôi rất cẩn thận trong việc xây dựng hình tượng Tấm. Vì theo đúng cổ tích, những lần trả thù của Tấm khốc liệt quá, nói cách khác thì Tấm là nhân vật... xã hội đen nhất trong các nhân vật cổ tích VN! Nên chúng tôi muốn xây dựng câu chuyện nhẹ nhàng hơn, dưới một lăng kính hài hước.

Mẹ con Cám không quá độc ác, họ chẳng qua là xấu tính, ích kỷ, tị nạnh với Tấm, kiểu như hai đứa con nít ganh ghét nhau. Kịch bản cũng được đẩy mạnh để... phô ra sự kệch cỡm của mẹ con Cám một cách hài hước.

Và với hai nhân vật này, chúng tôi nhận thấy chỉ có Thành Lộc và Hữu Châu mới gánh nổi. Ngay đêm công diễn, trước phản ứng của dư luận, tụi tôi lo lắm. Nhưng không ngờ vở thành công ngoài sức tưởng tượng.

Thành Lộc - Hữu Châu diễn quá xuất sắc và có thể nói cặp mẹ con nhà Cám này quá ấn tượng, quá độc đáo khó ai vượt qua được!” - Huỳnh Anh Tuấn khẳng định.

Sau đợt đầu diễn tại nhà hát Bến Thành, Tấm Cám được chỉnh sửa và đem về biểu diễn tại sân khấu Idecaf sau đó một năm, thật bất ngờ vở không chỉ thu hút khán giả nhí mà người lớn cũng kháo nhau đi coi rần rần.

Năm 2016, ông bầu Tuấn quyết định sẽ dàn dựng lại những vở diễn ấn tượng của Idecaf để kỷ niệm 20 năm thành lập. Tấm Cám được chọn mở màn chuỗi sự kiện này vì là vở diễn ấn tượng nhất của Ngày xửa ngày xưa, lại mang màu sắc dân gian, vui nhộn rất phù hợp với không khí tết.

Ngay khi Idecaf tung ra thông tin dựng lại Tấm Cám, “fan” của sân khấu này rộn ràng hẹn nhau đi coi. Tấm Cám với hào quang rực rỡ của 16 năm trước và diễn xuất ngày càng điêu luyện của mẹ con nhà Cám Thành Lộc - Hữu Châu hứa hẹn là vở diễn xôm tụ nhất nhì trong mùa kịch tết năm nay.

NSƯT Hữu Châu: "Ba thế hệ đã xem chúng tôi diễn"

Tôi diễn vai mẹ Cám trong kịch Tấm Cám lần đầu năm tôi 34 tuổi, giờ tôi 50 rồi vẫn diễn lại vai diễn ấy, cảm giác rất vui. Có những hành động, tình tiết mà hồi xưa còn trẻ tôi làm được, giờ lớn tuổi rồi phải khác nhưng cách diễn sẽ đậm đà hơn. Mừng vì nghe Idecaf diễn lại Tấm Cám, khán giả còn sung lắm.

Vậy là Tấm Cám đã phục vụ đến ba thế hệ khán giả. Ngày xưa cha mẹ dẫn con đi xem, giờ đứa con ngày ấy lớn lên và tiếp tục dẫn con đến xem chúng tôi diễn. Tôi nhớ hồi đó sau mỗi suất diễn, khán giả nhí ào lên sân khấu chụp hình với cô Tấm, hoàng tử, còn mẹ con Cám nhà tui đứng dựa vô góc cột kế cánh gà mà hổng ai thèm chụp chung. 

Tụi tui ngoắt tay mà mấy anh chị nhỏ cũng dòm dòm rồi quay lưng bỏ đi. Mắc cười lắm!

Khi Tấm 
nắm tay Cám... hát!

Nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo cũng ra mắt tại nhà hát Bến Thành trong dịp Tết Nguyên đán này. Từ trước đến nay, nhóm Buffalo từng làm những vở nhạc kịch nước ngoài như Chicago, High school musical, Broadway in Saigon...

Lần này, nhóm tiếp tục con đường nhạc kịch với câu chuyện Tấm Cám hoàn toàn Việt Nam với các diễn viên Cát Tường, Tấn Beo, Công Ninh, Hoàng Quân, Hoàng mập...

Ở nhạc kịch Tấm Cám, Nguyễn Khắc Duy vừa viết kịch bản vừa viết nhạc lẫn dàn dựng. Phần âm nhạc có lẽ là thử thách đầu tiên với Nguyễn Khắc Duy. Nhưng có vẻ đạo diễn trẻ này rất tự tin với những gì mình đang làm.

Duy cho hay: “Lúc đầu tôi cũng định nhờ các nhạc sĩ viết nhạc, nhưng nếu vậy thì chi phí lên đến cả trăm triệu đồng nên nhóm thấy... ngại. Hơn nữa các nhạc sĩ trong nước cũng không có nhiều kinh nghiệm viết nhạc kịch.

Sẵn trước đây từng tham gia chương trình Bài hát Việt, tôi muốn bắt tay viết thử rồi nhờ nhạc sĩ phối nhạc. Lúc đầu thì chỉ một bài xem sao, nhưng đến nay nhạc kịch của vở cũng đã lên hơn 15 bài”.

Hoàng Quân - người sẽ đóng vai hoàng tử, cũng là đồng sản xuất của vở (với diễn viên Cát Tường vào vai dì ghẻ) - cho hay nhạc kịch Tấm Cám khácTấm Cám trong nguyên bản cổ tích khoảng... 40%.

Vậy khả năng những người trẻ này sẽ “phá” Tấm Cám đến đâu? Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho biết vở sẽ dựng theo phong cách nhạc kịch của Hãng hoạt hình Disney, đối tượng là trẻ em và người lớn vẫn xem được, nên sẽ không “phá phách” gì nhiều.

“Ở nửa phần đầu, từ lúc Tấm là cô gái nghèo bị hắt hủi đến lúc lấy được hoàng tử, câu chuyện chủ yếu là vui vẻ. Đây cũng là môtip lọ lem lấy được hoàng tử quen thuộc, từ nàng Cinderella của Anh đến Tấm Cám của VN, hay cổ tích các nước như Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc... đều có.

Nhưng từ phần sau của câu chuyện, khi Tấm nhiều lần bị hại chết đến lúc Tấm trả thù, chúng tôi chỉ muốn đề cao ý nghĩa của tình thân yêu trong gia đình. Những gì nặng nề cũng nên làm nhẹ bớt...” - Nguyễn Khắc Duy 
cho biết.

Tết này cười thả ga với kịch và nhạc kịch Tấm Cám
Tạo hình nhân vật trong nhạc kịch Tấm Cám
 
L.ĐOAN - Q.THI

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây