SAI GON GIAI TRI

https://saigongiaitri.net


Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời

Tác giả "Em và tôi", "Giọt nắng bên thềm", "Lối cũ ta về" qua đời hôm nay tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi.
Nhạc sĩ Thanh Tùng trên xe lăn tại nhà riêng ở Hà Nội vài tháng trước

Anh Thông - con trai nhạc sĩ Thanh Tùng - xác nhận thông tin nhạc sĩ qua đời. Còn anh Thắng - trợ lý nhạc sĩ Thanh Tùng - cho biết nhạc sĩ nhập viện được 12 ngày trước khi mất.

Năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, nhạc sĩ không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.

Nhiều năm qua, ông sống trên chiếc xe lăn nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan. Ngày thường, ông được con cháu đưa đi dạo Hồ Tây ngắm cảnh. Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình 2008.

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Năm sáu tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên năm 1971, khi mới 23 tuổi. Trở về nước, Thanh Tùng đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II từ 1971 tới 1975. Sau đó, ông vào sống tại TPHCM và là một trong những người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài truyền hình TPHCM. Ông cũng từng chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen trước khi công tác tại Hội Âm nhạc TPHCM.

Sinh thời, Thanh Tùng nổi tiếng là người có tâm hồn lãng du, phóng khoáng. Ông là tác giả của nhiều tình khúc được nhiều thế hệ yêu thích như Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...

Nhạc sĩ Thanh Tùng: ​"Không có gì sướng bằng cười cho đã đời"

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng đã có những chia sẻ, những câu nói về cuộc sống, âm nhạc, tình yêu đáng nhớ. 

Nhạc sĩ Thanh Tùng: ​'Không có gì sướng bằng cười cho đã đời'
Cố nhạc sĩ Văn Cao và Thanh Tùng lúc cả hai còn sinh thời. Ảnh tư liệu của NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

- Âm nhạc của tôi đã được trải nghiệm trong đời sống âm nhạc của TP.HCM, một thị trường âm nhạc khó tính nhất.

- Tình yêu mới, đơn giản là sự phục sinh của một con người, một tâm hồn. Dù thành công hay thất bại, dù hạnh phúc hay bất hạnh, thì tình yêu vẫn cần thiết cho con người.

- Tôi muốn tìm trong công viên âm nhạc và tình yêu của Trịnh Công Sơn một chỗ nào đó để có thể trồng một bụi cỏ nhỏ mang tên Thanh Tùng. Một bụi cỏ nhỏ mà thôi.

- Thị trường âm nhạc hiện nay đang "bán" những món hàng chợ. Nên biết rằng, chất lượng mới là quan trọng và vẫn mãi là tôn chỉ của chúng ta. Đừng bao giờ để mình phải xấu hổ khi nghe lại những tác phẩm của chính mình.

- Tôi viết tác phẩm vì không viết thì không chịu được. Không bao giờ cố gắng viết ra một cái gì đó mà thực sự không rung động. Cho nên, việc tôi viết ít là hợp lý. Cố đừng viết dở, vì viết dở là thiếu tự trọng và coi thường người nghe"

- Vấn đề đầu tiên mà người nghệ sĩ phải luôn tâm niệm: không bao giờ đạt được sự yêu mến, kính trọng của quần chúng nếu không thực sự là một người lao động sáng tạo có lòng tự trọng, có nhân cách. 

- Tôi viết âm nhạc có giai điệu. Đối với tôi, giai điệu, ca từ là thành tố cơ bản; các vấn đề tiết tấu, hoà thanh, thậm chí cả khúc thức là những quy tắc khoa học mang tính bổ trợ. Người ta ví âm nhạc như một con người. Khi người ta trẻ, người ta sống bằng bản năng. Khi càng lớn lên và già đi, con người mới phát triển về trí tuệ và tình cảm.

- Tôi rất thích cười. Không có gì sướng bằng cười cho đã đời. Cách tốt nhất là nghe chuyện tiếu lâm, nghe càng nhiều càng tốt, biết càng nhiều; rảnh rỗi họp mặt nhau nghe rồi kể, kể rồi nghe, rồi… cười. Hơn mười thang thuốc bổ đó!

- Những người có tác phẩm hay thì thường có tâm hồn mơ mộng, lãng tử. Nhưng những người chỉ có tâm hồn mơ mộng, cuộc sống lãng tử thì không phải ai cũng có tác phẩm hay!

(Theo VNE & TTO)
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây