SAI GON GIAI TRI

https://saigongiaitri.net


Họa sĩ Thành Chương quyết làm rõ vụ 'mạo nhận tranh của tôi'

Họa sĩ Thành Chương trả lời báo chí

Họa sĩ Thành Chương trả lời báo chí

Sáng nay 15.7, cuộc đối chất ai là tác giả của bức tranh “Trừu tượng” đã bất thành vì không có mặt nhà sưu tập Vũ Xuân Chung. Tuy nhiên họa sĩ Thành Chương tiếp tục khẳng định ông mới là chủ nhân đích thực của bức tranh.

Đỉnh điểm của sự việc được bùng phát vào ngày hôm qua (14.7) khi họa sĩ Thành Chương đến thưởng lãm triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì vô tình phát hiện bức tranh có tên Trừu tượng do chính mình vẽ vào khoảng năm 1970-1971 đã được gắn tên tác giả là danh họa Tạ Tỵ, vẽ vào năm 1952. 

Bức tranh Trừu tượng mà họa sĩ Thành Chương khẳng định mình mới là người vẽ đã được gắn tên tác giả Tạ Tỵ, vẽ vào năm 1952


Họa sĩ Thành Chương đã phản ứng bằng cách mời Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đến lập biên bản sự việc. Sau đó ông đề nghị có một buổi gặp mặt giữa ông và nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại phòng tranh để đối chất làm rõ vấn đề với sự chứng kiến của giới báo chí. 

Họa sĩ Thành Chương (thứ ba trái sang) đã có mặt từ rất sớm (thứ 3 từ trái sang) để đối chất với nhà sưu tập Vũ Xuân Chung


Sáng nay (15.7), đúng 8 giờ 30, họa sĩ Thành Chương và bà Ngô Hương, trợ lý đồng thời cũng là vợ ông cùng ông Nguyễn Trọng Chức, Trưởng ngành lý luận-phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM cùng bạn bè đã có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.  Tham gia cuộc đối chất, Ban Giám đốc Bảo tàng có hai ông Hứa Thanh Bình, Trịnh Xuân Yên. 

Họa sĩ Thành Chương tỏ ra rất bức xúc khi nói về bức tranh


Tuy nhiên cuộc đối chất đã không thể diễn ra vì tới phút chót Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thông báo ông Vũ Xuân Chung, chủ nhân của bộ sưu tập, trong đó có bức tranh gây tranh cãi, đã vắng mặt do bận việc riêng. 

Ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thông báo ông Vũ Xuân Chung không có mặt nên không thể đối chất

Trao đổi với giới báo chí xung quanh bức tranh Trừu tượng được gắn tên họa sĩ Tạ Tỵ, họa sĩ Thành Chương vô cùng bức xúc. Ông bảo đây là sự sỉ nhục nền hội họa Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng to lớn đến thị trường tranh Việt Nam khi tiếp cận với những nhà sưu tập quốc tế. 

Họa sĩ Nguyễn Thành Chương khẳng định: "Bức tranh Trừu tượng của Tạ Tỵ vẽ năm 1952 đang trưng bày trong triển lãm về các họa sĩ Đông Dương "Những bức tranh từ châu Âu trở về" tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, bức tranh đó tôi khẳng định là của tôi. Hoạ sĩ Thành Chương chính là tác giả bức tranh đó. Tôi đã vẽ bức tranh đó vào khoảng năm 1970-1971 trên chất liệu bao tải của Liên Xô và được vẽ bằng dao vẽ trên chất liệu sơn dầu, dao vẽ và sơn vẽ của Liên Xô, Trung Quốc và sơn nghiền bằng tay. Tác phẩm vẽ về bạn gái của tôi thời đó là cô Kim Anh… Tôi xin khẳng định một lần nữa bức tranh chân dung Kim Anh là của tôi vẽ, không phải là Trừu tượng của họa sĩ Tạ T".

Họa sĩ Thành Chương cùng vợ là bà Ngô Hương bên bức tranh mà ông khẳng định do chính mình vẽ


Chúng tôi đề nghị họa sĩ Thành Chương nói về cảm hứng sáng tạo ra đời bức tranh “Chân dung Kim Anh”. Ông Chương kể: “Vào thời điểm năm 1970-1971, tôi say đắm một phụ nữ có tên là Kim Anh, cô gái đó đã cho tôi sự cảm hứng và tôi đã vẽ chân dung của cô ấy. Có thể thấy tôi vẽ bức này chịu sự ảnh hưởng về phong cách của Cézanne về màu sắc và Georges Braque về ngôn ngữ tạo hình lập thể. Nếu nhìn kỹ trên bức tranh các bạn sẽ thấy đường nét khuôn mặt một cô gái và phía sau có hình ảnh giá vẽ và tấm toan. Cô ấy hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, lẽ ra cô ấy đã có mặt tại đây sáng nay nhưng hiện cô đang đi công tác tại Hà Nội không về kịp”.

Họa sĩ Thành Chương không còn nhớ rõ đã bán bức tranh đó cho ai vào thời điểm nào. Có thể bức chân dung này được bán tại một cửa hàng mỹ thuật của Xunhasaba tại Hà Nội. Và ông cũng không biết được tại sao bức tranh lại có mặt ở cuộc triển lãm này.
 

Nói về điểm mấu chốt để nhận dạng bức tranh này của tác giả nào, họa sĩ Thành Chương chỉ ra “cụ thể bức tranh tên là Trừu tượng được triển lãm ở đây không phải là tranh trừu tượng mà là tranh lập thể, một phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân của tôi”.

“Tôi đã choáng váng khi đứng trước bức tranh của mình bị đổi thành tên Tạ Tỵ. Đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp này. Để làm sáng tỏ, tôi sẽ theo đuổi sự việc đến cùng, để trả lại tên tuổi tác giả đích thực của bức tranh, lấy lại sự trong sáng cho ngành mỹ thuật Việt Nam. Không loại trừ khả năng vụ việc sẽ được tôi chủ động đưa ra đưa ra pháp lý để giải quyết dứt điểm”, họa sĩ Thanh Chương bày tỏ.

Có mặt trong buổi sáng nay, ông Nguyễn Trọng Chức, Trưởng ngành Lý luận - phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM tỏ ra rất tiếc về sự vắng mặt của ông Vũ Xuân Chung. Khi được hỏi về các văn bản mà ông Jean François Hubert, chuyên gia cao cấp về mỹ thuật - văn hóa Việt của Hãng đấu giá Christie’s (Hồng Kông) cấp cho ông Vũ Xuân Chung để chứng nhận đó là tranh do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ vào năm 1952 có giá trị đến đâu, ông Chức khẳng định: “Các giấy chứng nhận đó hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý”.

"Đây là sự việc rất tệ hại sẽ gây tổn thương và tác động rất lớn về cái nhìn của giới sưu tập trong và ngoài nước đối ngành hội họa Việt Nam. Cần phải sớm có một hội đồng kiểm định bao gồm những người có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm về hội họa nhằm tránh tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai", ông Chức nói.

Về phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, sau khi tiếp thụ ý kiến từ các bên, Ban Giám đốc quyết định vẫn tiếp tục mở cửa triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" đến ngày 21.7 như chương trình đã định. Mục đích chính là để lấy ý kiến từ các chuyên gia mỹ thuật và họa sĩ có uy tín xung quanh những nghi vấn về tranh “giả” để có hướng xử lý thích hợp.
 

Theo: Tiểu Vũ (Một Thế Giới)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây