SAI GON GIAI TRI

https://saigongiaitri.net


Hội ngộ Gốm Nam bộ lần 3

Chi hội Di sản văn hóa Gốm Nam bộ vừa tổ chức Triển lãm Hội ngộ Gốm Nam bộ lần 3-2013, tại Nhà hàng Sao Biển trong khuôn viên KDL Kỳ Hòa cũ. So với hai lần tổ chức trước thì lần này qui mô triển lãm nhỏ hơn và số lượng hiện vật cũng ít hơn.
Một trong những hiện vật được bình chọn trao giải năm nay
Đây là cuộc hội ngộ hằng năm của những người sưu tập Gốm Nam bộ. Những họat động như thế này chính là thực hiện "xã hội hóa” việc bảo tồn di sản văn hóa, nhưng xuất phát từ cộng đồng yêu thích cổ vật chứ không phải từ một tổ chức hay hội nào. Qua đó cộng đồng sưu tầm cổ vật cũng có dịp gặp gỡ trao đổi, nâng cao sự hiểu biết về Gốm Nam bộ, từ đó giá trị của các di sản văn hóa càng được phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội.


Đa số hiện vật đem ra triển làm lần này là các lọai gốm được sản xuất ở khu vực xóm lò gốm Sài Gòn xưa, trong đó có khu lò Cây Mai nổi tiếng, cùng các lò gốm ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Lái Thiêu (Bình Dương), niên đại khỏang từ thế kỷ XVIII và phát triển nhất từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Gốm Nam bộ phát triển mạnh mẽ và sớm trở thành hàng hóa cung cấp cho một thị trường rộng lớn chứ không chỉ tự cung tự cấp trong một địa bàn nhỏ. Gốm Nam bộ có tính chất bình dị và phổ biến: từ dân thường đến nhà giàu có đều có thể mua và sử dụng các lọai sản phẩm gốm Nam bộ.


 
Chức năng phổ biến của Gốm Nam bộ là gốm gia dụng, sinh họat, đồ thờ cúng trong đình chùa, gốm trang trí kiến trúc… Trang trí hoa văn cũng giản dị, gần gũi với cuộc sống người bình dân. Những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao thì cũng có chức năng sử dụng thật sự chứ không chỉ là tác phẩm "mỹ nghệ” để trưng bày ngắm nghía.

 

 
Gốm Nam bộ thể hiện sự giao lưu tiếp nhận rất nhanh về kỹ thuật sản xuất, mẫu mã mới, với những chức năng mới, thích nghi với lối sống và sinh họat mới. Hiện nay, sản phẩm gốm Cây Mai vẫn còn được lưu giữ trong dân gian, trong các đình miếu, hội quán ở Nam bộ với các sản phẩm dân dụng như: ơ, siêu, bát, bình, lu, hũ, thống có nắp, khạp có nắp, chậu tròn, chóe có quai, đôn tròn, đôn lục giác, lân, gạch trang trí hình vuông… Có thể nói gốm Sài Gòn đặc biệt phát triển vào nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, sản phẩm được sử dụng không những ở Nam bộ mà còn được ưa chuộng ở nhiều nơi khác nữa.
 





Và lần triển lãm nào cũng vậy, BTC đều tổ chức bình chọn những hiện vật được yêu thích nhất để trao giải. Năm nay có tất cả 11 hiện vật được bình chọn. Ngoài ra một số hiện vật cũng được bán đấu giá tại chỗ để gây quỹ và kinh phí cho triển lãm. Do đây chỉ là triển lãm mang tính giao lưu và trao đổi lẫn nhau giữa các nhà sưu tập gốm Nam bộ, nên triển lãm chỉ diễn ra một ngày duy nhất.
 

Các nhà sưu tập và hiện vật của mình được bình chọn trao giải năm nay



Đức Huy, nhà sưu tập Gốm Nam bộ nhỏ tuổi nhật với bộ sưu tập đồ thờ cúng tại triển lãm
 
SGGT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây