Người hát nhạc Trịnh hay nhất là Trịnh Công Sơn

Thứ ba - 01/04/2014 00:00
Đó là nhận định của đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Anh nói :"Trịnh hát hay nhất ca khúc của chính mình. Ngoài ra ai hát cũng như nhau".
Nhiều người rất thích nghe Trịnh Công Sơn hát nhạc của chính mình
Nhiều người rất thích nghe Trịnh Công Sơn hát nhạc của chính mình

Là người bạn nhiều năm của Trịnh Công Sơn, đạo diễn Phạm Hoàng Nam ngưỡng mộ tài năng của người nhạc sỹ tài hoa. Vị đạo diễn sẽ tái hiện hình ảnh Trịnh Công Sơn hư ảo như mây khói trong đêm nhạc “Bóng núi” sắp tới tại Hà Nội để tưởng nhớ 13 năm ông “về cõi Phật nghe câu kinh”.

* Thưa đạo diễn Phạm Hoàng Nam, anh là người bạn với Trịnh Công Sơn và cũng đã làm nhiều đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sỹ. Vậy với “Bóng núi” lần này liệu có lặp lại các chương trình anh đã thực hiện?

Hàng năm, gia đình anh Sơn và nhiều nơi vẫn có những đêm nhạc tưởng nhớ ngày mất của Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, gia tài ca khúc của Trịnh với 600 bài hát có làm bao nhiêu đi nữa nếu có sáng tạo cũng không bao giờ cũ.

Ở Hà Nội, đây là lần đầu tiên tôi làm đạo diễn đêm nhạc Trịnh, còn ở TP. Hồ Chí Minh, tôi làm khoảng 6-7 chương trình. So với 600 bài hát của Trịnh Công Sơn thì chưa thể cạn hết ý tưởng.

Thực tế giai điệu, lời bài hát của Trịnh Công Sơn luôn gợi mở những ý tưởng sáng tạo, vì thế tôi không bao giờ lo sự trùng lặp.

* Nhưng cách đây khoảng 3 năm đã từng xuất hiện một chuỗi những chương trình âm nhạc  rất hay mang tựa đề “Bóng núi”?

Kỷ niệm 10 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, chương trình “Bóng núi” đã được thực hiện tại Hồ Chí Minh, Nhà Hát Lớn và 2 trường đại học. Đây cũng chính là ý tưởng của tôi và nó không trùng với tên một bài hát nào của anh Sơn.

Thường thì những chương trình ca nhạc Trịnh Công Sơn hay lấy tên một ca khúc để làm tựa đề. “Bóng núi”, không phải muốn nhắm tới hình tượng anh Sơn là “cây cao bóng cả”, đơn giản chữ núi nghĩa là Sơn, còn bóng là khuất bóng, là người đã đi xa. “Bóng núi” hoàn toàn mang nghĩa tưởng niệm.

Năm nay, lấy tựa đề “Bóng núi” là do nhà sản xuất lựa chọn, nhưng nó cũng là lần đầu xuất hiện ở  Cung Việt Xô để diễn cho đông đảo  khán giả Hà Nội với sự đạo diễn của Hoàng Nam. Tôi nghĩ tên tựa đề này chỉ mang tính gợi mở và nội dung sẽ hoàn toàn khác.

 - 1
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang phiêu

* Vậy sự khác ấy sẽ được anh thể hiện bằng những ý tưởng cụ thể như thế nào?

Có hai vấn đề để gợi mở cho tựa đề “Bóng núi”. Thứ nhất là những bài hát của anh Sơn hầu hết không bao giờ cụ thể, nó rất trừu tượng. Nên sân khấu tôi thiết kế sẽ không cụ thể, chi tiết nói cái gì là chính cái đó, mà ở đây hình ảnh này lại để diễn tả một ý nghĩa khác ẩn đằng sau.

Thứ hai, đây là chương trình kỷ niệm ngày mất của anh Sơn nên cũng có tính tâm linh. Yếu tố tâm linh bảng lảng thể hiện trong những thứ rất khó lắm bắt. Tôi cứ hình dung nó mơ hồ tựa như mây khói. Trông là hình ấy mà mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau theo cách riêng, cảm xúc, tâm trạng riêng. Vì thế, chủ đề lần này tôi sẽ lựa chọn là mây khói. Nó luôn luôn bồng bềnh, mờ ảo không xác định.

* Phải chăng vì chủ đề cũng mang tính huyền ảo, hư thực nên chương trình đã lựa chọn giọng ca Tùng Dương thể hiện những ca khúc mang yếu tố tâm linh?

Đúng là Tùng Dương khá hay và tiêu biểu cho hình thức, trường phái tâm linh.Nhưng Tùng Dương lại không phải người hát nhiều nhạc Trịnh, trong khi chương trình đã có Cẩm Vân, Hồng Nhung đã quá nổi tiếng với dòng nhạc này.

Con người và âm nhạc của Trịnh Công Sơn hay ở chỗ ai nhìn vào thế nào cũng được. Và người nghe luôn giống như “thầy bói xem voi” ai nhìn ở khía cạnh nào thì khăng khăng với góc độ đó.

Tôi có diễm phúc làm việc với anh Sơn rất lâu, từ khi anh còn khoẻ, anh Sơn tâm sự những điều riêng và những điều anh gửi gắm trong bài hát. Tôi thấy rằng, những người nói về nhạc của anh Sơn, ca sỹ hát phải thế này, phải thế kia không giống anh Sơn, anh ấy không bao giờ nghĩ thế.

Trịnh Công Sơn lớn vì anh không để ý những điều ấy và không bao giờ đưa cái gì cụ thể để mọi người tranh luận. Vì thế, nhạc của Trịnh không viết dành riêng cho ai. Tôi nghĩ người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất chính là anh ấy, còn ngoài ra ai hát cũng như nhau. Hễ ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn là sẽ hát ca khúc của anh thôi.

* Có lẽ vì thế Trịnh Công Sơn không bao giờ đặt ra vấn đề lựa chọn ca sỹ cho ca khúc của mình, hoặc chẳng bao giờ thắc mắc tại sao ca sỹ này hát nhạc Trịnh thế này, ca sỹ kia lại hát ra thế khác?

Đấy là vấn đề âm nhạc, ngoài giọng hợp hay không hợp, anh Sơn theo Phật giáo nên với anh ấy, ý nghĩa trên hết là mang bài hát đến cho đời. Ca sỹ chỉ là cầu nối, là phương tiện thể hiện. Còn giai điệu bài hát, ca từ ở lại mới là quan trọng, chứ không phải cô này, cậu kia hát mới là quan trọng.

Tất cả ai, dù là di va, ca sỹ ngôi sao hay một người bình thường ngoài phố hát cũng vang lên ý nghĩa giống hệt nhau đối với anh Sơn. Vì thế, Hồng Nhung hay Tùng Dương hoặc ai khác là do sự lựa chọn, sắp xếp của người thực hiện chương trình sao cho phù hợp với gu thưởng thức của khán giả và sự yêu thích hát nhạc Trịnh của ca sỹ đó.

 - 2
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam

* Với đêm nhạc “Bóng núi”, anh có lồng vào đó những câu chuyện kể bên lề của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hay không?

Thực ra nếu ai đó muốn biết những chuyện gì đó bên lề của Trịnh Công Sơn họ có thể nghe tại những cuộc nói chuyện, hoặc đọc sách viết về anh Sơn. Tôi muốn đêm nhạc hướng tới người nghe được thưởng thức những tác phẩm của anh Sơn chứ không phải mượn tác phẩm để nói về cuộc đời của anh ấy qua những câu chuyện kể.

Thứ hai, khi những người nào kể câu chuyện về Trịnh Công Sơn thì họ thường kể kỷ niệm của riêng họ với anh Sơn, không giúp gì thêm cho việc vẽ chân dung của Trịnh. Tôi làm nhạc của anh Sơn nhiều, thường thì tôi không sử dụng MC và không có khâu kể chuyện vì âm nhạc của anh đã nói lên tất cả.

Nhạc của anh hay, không cụ thể nó sẽ gợi sự tưởng tượng trong thân phận, tình yêu của bản thân mỗi người với nhân loại chứ không phải những chuyện cụ thể của cuộc đời. Anh Sơn để lại cho cuộc đời là gia tài bài hát của anh ấy chứ không phải chuyện riêng, chuyện bên lề về thân phận của anh ấy.

* Nếu nói một câu ngắn gọn khi anh làm đêm nhạc “Bóng núi”, anh muốn gửi gắm gì với khán giả về Trịnh Công Sơn?

Tôi chỉ muốn nói đơn giản một điều, tôi tôn vinh âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Mỗi chương trình là dịp để tôn vinh, đưa nhạc phẩm của anh Sơn đến với mọi người. Qua đó, người nghe sẽ đồng cảm và tự mỗi người gợi mở những tư duy theo âm nhạc và lời ca của anh, thế thôi. Và 1.000 lần âm nhạc của anh vang lên thì cũng là 1.000 lần khác nhau. Và như thế, âm nhạc sẽ là mãi mãi, chứ không phải là câu chuyện cụ thể nào hết.

* Xin cảm ơn anh.
 

(Theo KHAMPHA.VN)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây