Vì sao Nguyễn Chánh Tín làm đạo diễn?

Thứ tư - 28/01/2015 18:14
Bộ phim nhựa CKC, Thợ săn biệt kích có chủ đề mô tả cuộc đối đầu của các biệt kích, lính bắn tỉa… trong chiến tranh đang được coi là một trong những kịch bản có góc nhìn mới lạ của điện ảnh Việt. Gần đây, khá nhiều sự kiện gây tranh cãi quanh bộ phim này trên báo chí, đặc biệt là khi đạo diễn Nguyễn Chánh Tín rời bỏ. Tuy nhiên, cũng từ đó, điện ảnh Việt lại có thêm một ví dụ mới về những bất cập mà lâu nay chưa được bàn sâu đến. Giám đốc hình ảnh Dương Phúc, thông qua những điều chưa kể về bộ phim này, mở ra những suy nghĩ mới cùng với Thế Giới Tiếp Thị.
Đạo diễn Chánh Tin vào vai trung tá trong phim - Ảnh Tiểu Vũ
Đạo diễn Chánh Tin vào vai trung tá trong phim - Ảnh Tiểu Vũ
CKC, Thợ săn biệt kích (CKC) dường như đã trải qua quá nhiều biến cố. Trong một cái nhìn bao quát, anh có thể mô tả về chuyện đó như thế nào?

Tôi nghĩ rằng phim CKC đã vấp phải vấn nạn ban đầu là việc chọn đạo diễn và sự phối hợp thiếu tư duy hiện đại cho công việc sản xuất phim. May mắn là chúng tôi đã nhanh chóng bước qua những ngày khó khăn này và hoàn thành mọi thứ như ý.

Diễn viên Quốc Vinh; Ảnh: Tiểu Vũ

Đạo diễn và phối hợp thiếu tư duy hiện đại, theo anh là những câu chuyện ra sao?

Ở Việt Nam, có rất nhiều người được nâng chức lên đạo diễn từ vai trò người của công chúng hay do quen việc quay phim chẳng hạn. Ở thời kỳ điện ảnh còn mò mẫm thì mọi thứ vẫn chấp nhận được ở góc độ nào đó, nhưng khi tiếp cận với nền điện ảnh thế kỷ 21 thì những bất cập đó lộ ra rất rõ. Lúc này, không phải ai cũng có thể dễ dàng xưng danh là đạo diễn, không phải ai cũng có thể làm một bộ phim một mình mà không có sự phối hợp chặt chẽ với nhóm kỹ xảo, với ánh sáng, khói lửa hay thời tiết. Nếu một bộ phim chỉ được xây dựng theo ý chủ quan của một người, có thể sẽ dẫn đến một sản phẩm tồi.

Với CKC, điều đó đã từng xảy ra?

Tôi chỉ muốn nhắc lại như một ví dụ. Đã qua thời đạo diễn ngồi một chỗ và phó mặc chuyện chọn cảnh, góc hình cho chủ nhiệm hay quay phim. Kịch bản phân cảnh (storyboard) phải được hình dung từ trước với ánh sáng theo mùa. Việc ra đến nơi rồi đi tìm cảnh, ngẫu hứng liên tục… chỉ khiến một tập thể 50 – 60 người vất vả và tiến độ làm phim trì trệ mà thôi. Thậm chí, không phải đạo diễn nào cũng dành thời gian để tham khảo sâu với bên kỹ xảo để biết nên chọn quay tách lớp, tách hình, phục vụ cho dàn dựng hậu kỳ.

Diễn viên Quốc Vinh và Phan Như Thảo trong phim. Ảnh: Tiểu Vũ

Chúng tôi đã trải qua những điều đó với sự lo lắng từng ngày. Dự kiến thời quan quay của bộ phim 90 phút này là 30 – 45 ngày, nhưng do không phối hợp được giữa đạo diễn và đoàn phim, chúng tôi mất mười ngày trong rừng mà chỉ quay được có 1/5 lượng thời gian theo kịch bản dự tính.

Đó là chúng tôi chưa nói đến việc nếu không chuyển đổi được tư duy phim truyền hình khi làm phim nhựa sẽ biến khán giả ra rạp mệt mỏi vì sự thiếu súc tích và lê thê.

Ví dụ, CKC đã gặp phải sự kiện cụ thể ra sao?

Chẳng hạn, với màn ảnh đại vĩ tuyến ở ngoài rạp, chúng ta không thể liên tục cận ảnh diễn viên khi đối thoại. Gương mặt diễn viên tràn màn ảnh kéo dài sẽ làm khán giả bị ngộp. Chỉ có nhiêu đó, chúng tôi đã tranh cãi kịch liệt. Những cú máy trên màn ảnh rộng cũng không thể cắt vụn như trên truyền hình. Thậm chí ánh sáng trên phim nhựa cũng phải hết sức tinh tế chứ không thể rực rỡ, rõ ràng như truyền hình được. Những điều cơ bản vậy cứ phạm lỗi liên tục trong đoàn sẽ làm nản chí mọi người, cũng khi không còn tốt cho không khí làm nghệ thuật của dự án.

Nhưng nghe rằng các anh tiết kiệm quá mức, chỉ xài súng gỗ cho một bộ phim chiến tranh?

Thật buồn khi phải nói lại rằng chúng tôi không có một cây súng gỗ nào trong bộ phim này. Ngoài những cây súng thật mượn từ bên quân đội, còn lại tất cả là súng được làm bằng composite mà mọi đoàn phim trên thế giới đều sử dụng (xem hình). Ngoài việc không thể bắn được, súng này không có gì khác biệt cả. Tôi rất tiếc, không hiểu thông tin này sao lại có thể rêu rao ở bên ngoài một cách kỳ lạ và vô trách nhiệm từ người tham gia làm phim với vai trò đạo diễn như vậy. Phim đã được tổ chức công phu ở nhiều chi tiết, thậm chí từ các cú nhảy ra khỏi xe cũng được các chuyên gia biệt kích hướng dẫn cho đúng cách. Chúng tôi có tiết kiệm với ngân sách trên tinh thần một bộ phim Việt, nhưng chúng tôi không dối trá với khán giả.

Trở lại câu chuyện đạo diễn thời hiện đại, dường như có vẻ như việc các bộ phận trong đoàn phản ứng với đạo diễn là không nên…

Với nghệ thuật thứ bảy, đạo diễn là nhân vật quan trọng nhất và được tôn trọng hết mực trong công việc, tuy nhiên, đó là chuyện như tôi đã nói: khi đạo diễn chuyên nghiệp và phối hợp tốt cho công việc. Trong CKC, chúng tôi không phản ứng mà chỉ góp ý, nhưng vẫn không được. Khác với thế kỷ trước, đoàn phim chỉ là người làm công và không màng các chuyện khác, giờ thì danh dự và trách nhiệm của một đoàn phim cũng chia sẻ cho nhau trong thành công hay thất bại của bộ phim đó. Việc nhắm mắt làm theo lệnh mà biết chắc đó sẽ là sai lầm và tổn hại cho nhà sản xuất thì chúng tôi phải lên tiếng. Trong cuộc trò chuyện này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh ý rằng nền điện ảnh Việt cần một lớp đạo diễn mới, am tường và được cập nhật đủ mọi quy trình và công nghệ hiện đại, chỉ có như vậy thì điện ảnh Việt mới mong cất cánh. CKC chỉ là một ví dụ để tham khảo mà thôi. Còn riêng công việc của mình, tôi tin rằng CKC sẽ chứng minh những gì mà anh em trong đoàn đã cùng nhau gánh vác và tin tưởng vào sản phẩm của mình sau biến cố.

TUẤN KHANH (Sài Gòn Tiếp Thị ghi)
 

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây