Đừng Hoang Tưởng Về Biển Lớn

Thứ sáu - 21/09/2012 13:45

Đừng Hoang Tưởng Về Biển Lớn

T.S Alan Phan đưa ra 4 thành tố có thể coi là bản đồ để doanh nghiệp Việt vào Trung Quốc cùng 4 rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó khi niêm yết trên thị trường Mỹ.

Với kinh nghiệm của một doanh nhân 43 năm làm việc tại Mỹ và Trung Quốc, là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, TS Alan Phan chia sẻ những trải nghiệm quý báu của bản thân cho các doanh nhân Việt khi "ra biển lớn" trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

4 thành tố quan trọng để thâm nhập thị trường Trung Quốc

Theo Alan Phan, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc gần gũi với Việt Nam song không có nghĩa rằng một doanh nghiệp lớn, nhỏ nào của Việt Nam có thể cạnh tranh hữu hiệu tại sân chơi của họ.

Với kinh nghiệm của bản thân, tác giả đưa ra các thành tố có thể là bản đồ của con đường "đi vào Trung Quốc" cho các doanh nghiệp Việt.

- Thứ nhất, về sản phẩm: Tuyệt đối đừng bắt chước Trung Quốc là lời nhắc nhở hàng ngày, trừ những mặt hàng có tính siêu cấp và độc đáo bởi doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại sân nhà của họ.

- Thứ hai, về đối tác: kiên nhẫn tìm cho được một đối tác lớn mạnh, tin cậy và thân tình. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt cũng cần tạo dựng những quan hệ lâu dài với doanh nhân và quan chức, trừ trung ương đến địa phương.

- Thứ ba, về thị trường: nhắm vào thị trường trung lưu và trẻ trung. Ngành nghề tiềm năng là quán ăn Việt, hàng hóa đặc thù Việt.

- Thứ tư, về chiến lược: suy nghĩ dài hạn và độc đáo. Doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng bỏ tiền thuê tư vấn để tìm hiểu con người và văn hóa Trung Quốc giúp doanh nghiệp hòa đồng vào môi trường và phong cách của họ.

Theo đánh giá của Alan Phan, "Trung Quốc là một thị trường có sức tăng trưởng GDP hay FDI lớn hơn những con số tăng trưởng chính thức nhiều. Lý do là dù chính phủ Trung Quốc, trung ương và địa phương, có thổi phồng thành quả của họ qua các con số, thì con số phỏng đoán của nền kinh tế ngầm của Trung Quốc lại lớn hơn mọi sự thổi phồng này".

"Trong khi đó, với bản tính truyền thống của giới cầm quyền, những vấn nạn và đe dọa cho sự bền vững của nền kinh tế Trung Quốc cũng lớn lao hơn rất nhiều so với những tài liệu được thông báo.

Trong tương lai gần, bong bóng tài sản về địa ốc và chứng khoán sẽ vỡ và chưa ai có thể biết những hậu quả của nó tại Trung Quốc và toàn cầu. Do đó, khi Quỹ Viasa đầu tư vào thị trường chứng khoán của Trung Quốc, hoàn toàn ngắn hạn và dùng kỹ thuật lướt sóng cùng các nguồn tin ngoài luồng để quyết định".

Niêm yết sàn Mỹ - ra biển lớn trước khi có bão

Mặc dù nhiều chuyên gia phân tích đang cảnh báo về một "thiên nga đen" có thể xảy đến vào năm 2012, song nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua các thách thức thì cửa sổ của cơ hội vẫn đang còn mở với họ khi ra biển lớn để tìm vốn trên sàn Mỹ.

Trên hết, sàn Mỹ vẫn có một thanh khoản rất cao vì dòng tiền đầu tư đang quá dư thừa. Giá chứng khoán vẫn gia tăng kỷ lục trong 2 năm qua, dù tình trạng vĩ mô toàn cầu đang bị đe dọa với rất nhiều rủi ro.

Alan Phan thống kê 4 rào cản chính khiến doanh nghiệp Việt chưa thành công khi niêm yết trên sàn Mỹ:

* Thứ nhất, tư duy của ban quản lý. Đó là thực thi nghiêm túc những nguyên tắc căn bản khi lên sàn Mỹ: minh bạch, trung thực và khai báo đầy đủ, kỷ cương đạo đức của công ty và cá nhân ban quản lý.

* Thứ hai, chuyện niêm yết và chuyện bán cổ phiếu: chuyện niêm yết trên sàn Mỹ là khá dễ dàng, tuy nhiên chuyện bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư lại là một chuyện vô cùng khó khăn.

* Thứ ba, phí tổn để được tiếp tục niêm yết: với một công ty nhỏ, phí tổn hàng năm cho các luật sư và nhà kiểm toán cũng phải hơn 150,000 USD. Do đó, công ty muốn duy trì niêm yết trên sàn Mỹ phải tìm được một dòng tiền thỏa mãn nhu cầu này.

* Thứ tư, vai trò của các tư vấn: vì không thể thuê đủ nhân viên để lo đầy đủ cho mọi đòi hỏi của việc niêm yết và bán cổ phiếu, nên bạn phải sử dụng đến nhiều tư vấn độc lập. Nếu công ty tiết kiệm khoản chi phí này, đôi khi sẽ dẫn đến hậu quả trái ngược.

"Tôi sẽ tiếp tục giữ vàng"

Trong bối cảnh bất ổn của nhiều nền kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn không biết nên đầu tư vào ngoại tệ nào để đảm bảo được giá trị,chưa nói đến chuyện nâng cao được giá trị của khoản đầu tư đó.

Theo quan điểm của TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa: 4 năm nay, vàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của ông... Trong trường đua thế giới, con ngựa "vàng" của Alan đã qua mặt mọi đối thủ nặng ký, từ chỉ số Dow Jones đến các bản tệ và mọi loại hàng hóa.

Sau 4 năm, kể từ lúc ông mua vàng ở giá 600 USD/ounce, nay giá vàng tăng gấp hơn 2 lần. Ông dự đoán là giá vàng sẽ lên hơn 2.500 USD vào cuối năm 2012. "Vì vậy, nếu ai đó khuyên tôi nắm giữ tiền giấy, thì tôi xin cám ơn. Mọi người cứ việc giữ giấy, còn tôi sẽ cứ giữ vàng... ".

Trên đây là những quan điểm của tác giả Alan Phan trong cuốn sách dành cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt với tên gọi "Đừng hoang tưởng về biển lớn".

*** 

Tác giả: Alan Phan

- Tác giả 9 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi

- Bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Financial Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân - Giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc - Doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc - Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) - Công ty Hartcourt đạt thị giá US $670 triệu vào năm 1999 - Doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997) - Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kông

Mời bạn đón đọc.

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây