Phim rạp mùa lễ 30-4

Thứ tư - 29/04/2015 20:58
Ma dai, Đường xuyên rừng và Oan hồn (phim hợp tác Thái - Việt) là ba phim nói tiếng Việt có mặt trên màn ảnh lớn mùa nghỉ lễ dài năm nay.
Cảnh trong phim Ma dai
Cảnh trong phim Ma dai

Có lẽ đây là lần đầu tiên có hai phim Việt cùng ra mắt một giờ một ngày, chỉ khác là ở hai địa điểm bởi hai nhà phát hành khác nhau.

Tất nhiên, đây là sự lạ với phim Việt bởi dù mỗi năm phim Việt đang nhiều lên nhưng con số ấy cũng chưa đủ để các nhà phát hành không thể sắp xếp lịch ra mắt sao cho không trùng nhau.

Ðây chính là băn khoăn của nhiều người được mời dự ra mắt cả hai phim Ma dai (CGV phát hành) và Oan hồn (Lotte Cinema phát hành) vào chiều 27-4.

Phim giải trí có ma và có hài

Bên cạnh các phimĐường xuyên rừng (chiếu từ ngày 20-4), Oan hồn, Ma dai (khởi chiếu từ 28-4), hệ thống rạp chiếu VN còn đón nhận bộ phim bom tấn The Avengers - Đế chế Ultron khởi chiếu từ 24-4.

Ngoài ra còn có Longest ride - Con đường bất tận, phim tâm lý tình cảm vàAsterix và vùng đất thần thoại - phim hoạt hình có lồng tiếng dành cho trẻ em.

Ðược quảng bá có cả hai gương mặt đang là con át chủ bài phòng vé phim Việt là Hoài Linh và Thái Hòa, Ma dai khá thu hút sự chú ý.

Và không khó để nhận ra nhân vật Thố (Ðức Thịnh) có lẽ được viết cho Thái Hòa với kiểu chọc cười... quen thuộc. Thố bất ngờ trở thành ma sau một tai nạn, để lại nơi dương gian một ông bố (Hoài Linh) cùng hai đứa em thơ.

Gương mặt cuối cùng mà Thố nhìn thấy trước khi chết chính là Lam (Ngân Khánh). Ðây chính là lý do Thố trở thành một con ma dai dẳng bám theo Lam...

Ưu điểm đầu tiên của một phim hài như Ma dai có thể dễ dàng nhận ra chính là các nhà làm phim đã "dũng cảm" không đi theo vết xe đổ của các phim hài Việt vài năm gần đây, đó là triệt để khai thác yếu tố đồng tính trong câu chuyện hay khắc họa nhân vật chỉ nhằm mục đích mua vui cho khán giả.

Ngân Khánh là một bất ngờ của phim này khi ngoài vẻ tươi trẻ hợp vai, cô còn cho thấy một năng lực làm chủ diễn xuất tốt để nhân vật của cô dù phải diễn nhiều cảnh oái oăm thì cũng không đến nỗi bị phô và quá lố.

Tất nhiên, Ma dai cũng có không ít nhược điểm đã thành quen thuộc của phim Việt như kịch bản còn hơi ôm đồm nhưng tựu trung Ma dai vẫn là một phim hài dễ xem, đáng yêu, hình ảnh đẹp (DOP là Trang Công Minh) và có ngôn ngữ điện ảnh tốt.

Ra mắt cùng thời điểm với Ma dai, nhưng Oan hồn là phim chưa được tốt theo nhận xét của nhiều khán giả có mặt trong buổi chiếu đầu tiên. Oan hồn là phim hợp tác giữa Supstar House Thái Lan và Metal Film VN.

Khá giống với cái cớ của vở kịch Người vợ ma, phim kể về đôi vợ chồng Troy và Cherman (Lily Luta) vừa dọn về căn nhà mới thì người vợ trẻ bất ngờ tự tử khiến anh chồng đau đớn và hóa điên. Anh luôn khẳng định rằng chính ngôi nhà đã giết chết Cherman.

Lo sợ cho sức khỏe của Troy, cô em gái Ploi (nữ diễn viên Thái Lan Pumwaree Yodkamo) và người bạn thân Song Kỳ (Song Ngư) vội vã mời vị thầy pháp (Saichia Wongwirot) cùng biệt đội bắt ma để trừ tà cho ngôi nhà. Nhưng không ngờ họ lại phát hiện một bí mật khủng khiếp khác.

Oan hồn cũng đồng thời khá giống với môtip các phim ma Thái gần đây được khán giả Thái yêu thích và ủng hộ. Nhưng phần dựng phim chưa tốt cộng với kịch bản sơ sài có lẽ là những yếu tố sẽ làm khó khán giả.

Phim chiến tranh chưa cuốn hút...

Bộ phim truyện về chiến tranh duy nhất ra rạp thời điểm này là Ðường xuyên rừng. Là câu chuyện về Vinh (Trương Thế Vinh) - một anh bộ đội chủ lực từng bắn rơi máy bay Mỹ đang trên đường tìm về đơn vị và Thu Hà (Tăng Huỳnh Như) - một cô văn công đang được cử đi học thêm về múa... balê.

Họ cùng với một đơn vị lính thông tin, một số nhà văn  tình cờ gặp nhau trong một khu rừng và họ sẽ phải tìm cách xuyên rừng để mỗi người đến được đúng đích. Máy bay rải bom, bắn phá, biệt kích liên tục sục sạo.

Vinh với tư cách là đội trưởng của nhóm người đó sẽ phải làm cách nào để đưa được mọi người xuyên rừng an toàn mà hạn chế được thương vong?

Ðường xuyên rừng (kịch bản Văn Lê, đạo diễn Xuân Cường, Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng sản xuất theo đặt hàng của Bộ VH-TT&DL) có một ý tưởng tốt để hình thành câu chuyện phim khi ngay từ đầu đã cho khán giả chờ đợi một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc của nhóm người lính tinh nhuệ có, văn nghệ sĩ có, và thậm chí thêm cả hai người bán thuốc tây trước một hành trình xuyên rừng đầy thử thách nguy hiểm.

Tiếc thay, Ðường xuyên rừng chỉ dừng ở mức minh họa vụng cho một câu chuyện từng được nhà văn Lê Văn Thảo kể trong cuốn sách đã góp phần mang lại giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả.

Ðặt khán giả trước bối cảnh xôi đậu của một khu rừng mà trên là trực thăng quần đảo, dưới là biệt kích tìm cách tiêu diệt bộ đội ta nhưng các nhân vật trong phim vừa hồi hộp lẩn tránh bom đạn lại vừa nói chuyện to, hát hò, múa, rồi... tắm nhiều khi rất thời bình.

Chiến tranh trong phim dường như chỉ dừng ở máy bay, ở một số cảnh bom đạn giống... pháo hoa, ở những cảnh người chết sau trận càn mang "mùi vị" của dàn dựng hơn là cảm giác thật của chết chóc, của đau đớn.

Ngoại trừ nhân vật Vinh với một vài hồi tưởng cho thấy thân phận, các nhân vật còn lại cứ như từ... trên trời rơi xuống, ngẫu nhiên mà can dự vào hành trình của phim.

Rất nhiều cảnh quay, các nhân vật giống như đang đứng trên sân khấu để đọc thoại, và tất nhiên, khâu lồng tiếng quá kịch cũng là một trong những yếu tố góp phần làm cho bộ phim thêm khô cứng.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây