Quái kiệt Mai Đình Tới & khám phá mới trên cây đàn bầu

Thứ tư - 07/01/2015 18:35
Sáng 6/1/2015, nghệ sĩ - kỷ lục gia Mai Đình Tới đã tổ chức buổi găp gỡ với các cơ quan truyền thông, báo đài và các nhà nghiên cứu âm nhạc tại CLB Văn hóa – Thể dục Thể thao Nguyễn Du (TP.HCM) để công bố khám phá mới của anh trên cây đàn bầu. Phát hiện này được anh gọi là “biến điều bí ẩn” trên cây đàn bầu “thành hiên thực”.
Nghệ sĩ Mai Đình Tới đang trình bày khám phá mới của mình trên cây đàn bầu
Nghệ sĩ Mai Đình Tới đang trình bày khám phá mới của mình trên cây đàn bầu
Ai cũng biết cây đàn bầu là một nhạc cụ rất gần gũi và thân thuộc với người Việt Nam, là một nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc dân tộc. Tuy chỉ có một dây nhưng đàn bầu vẫn thể hiện được tất cả các nốt nhạc với âm thanh đầy luyến láy, bổng trầm và da diết của nó. Thế nhưng, điều bí ẩn trên cây đàn bầu từ trước đến nay, đó là các nhạc công chỉ biểu diễn trên một nửa bên trái của cây đàn (từ cần đàn đến giữa thân đàn), một nửa thân còn lại (từ giữa thân đàn xuống đến ngựa đàn) thì bỏ không.

Vốn là một nghệ sĩ đam mê sáng tạo, luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi để tìm tòi và khám phát. Thế là nghệ sĩ Mai Đình Tới bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Tại sao có điều bí ẩn này? Có thể hóa giải nó hay không?
 

























Nghệ sĩ Mai Đình Tới đã mày mò khám phá để cải tiến cây đàn bầu cho thật hoàn chỉnh

Điều bí ẩn này của cây đàn bầu, thật ra nằm ở chỗ:

- Nếu gảy các nốt nhạc ở cuối thân đàn, lúc đó dây và tay gảy đều chạm vào mặt đàn sẽ không tạo được nốt nhạc có cao độ chuẩn xác.
- Từ cần đàn đến những điểm gảy ở cuối đàn khá xa nên việc tạo được độ rung, luyến láy là rất khó.
- Tư thế ngồi chơi đàn không thuận tiện.


Nghệ sĩ Hoàng Cầm, HCV Liên hoan đàn bầu toàn quốc tổ chức tại Huế, sẽ là người đầu tiên chơi trên cây đàn cải tiếng của chồng mình - nghệ sĩ Mai Đình Tới

Có thể rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân biết được những khó khăn cố hữu này, nhưng gần như chưa có ai có câu trả lời thấu đáo, hoặc tìm ra cách hóa giải. Cho nên sự hóa giải của nghệ sĩ, kỷ lục gia Mai Đình Tới tuy rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả! Thật ra, đó là một cải tiến về kỹ thuật:

Một là: Dịch chuyển điểm đặt ngựa đàn mới hướng về phía cần đàn, cách điểm đặt ngựa đàn cũ là 1,25cm.
Hai là: Ngựa đàn mới sẽ nâng cao dây đàn lên khỏi thân đàn 0,75cm so với dây thông thường; đồng thời đẩy Mobile lên cao theo tỷ lệ thuận với độ cao dây đàn. Khoảng cách giữa Mobile với ngựa đàn mới là 10cm.

Khám phá này của nghệ sĩ Mai Đình Tới cho ra hiệu quả sử dụng gấp đôi trên cây đàn bầu. Điều này được anh ví như đã tìm ra “người em song sinh trên cây đàn bầu”! Nếu như trước đây, các nhạc công chỉ sử dụng được 6 nốt nhạc trên một nửa cây đàn bầu theo hướng từ cần đàn đến giữa thân đàn là: Đố, Sol, Mi, Đô, Sol, Đồ; thì sau khi được điều chỉnh kỹ thuật, cây đàn bầu sẽ cho ra 11 nốt theo hướng đối xứng nhau từ nốt trung tâm (nốt Đồ), đó là: Đố, Sol, Mi, Đô, Sol, Đồ, Sol, Đô, Mi, Sol, Đố.


Nghệ sĩ Hoàng Cầm độc tấu 2 nhạc phẩm Vì miền Nam (Huy Thục) và Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh) trên cây đàn cải tiến của nghệ sĩ Mai Đình Tới

Có mặt tại buổi giới thiệu khám phá mới của quái kiệt Mai Đình Tới, nghệ sĩ đàn bầu Minh Hòa tỏ ra rất xúc động và thán phục trước sự sáng tạo tuyệt vời này: “Hôm nay được nghe nghệ sĩ Mai Đình Tới giới thiệu về khám phá mới này và sau đó được xem nghệ sĩ Hoàng Cầm biểu diễn theo phong cách mới của anh Mai Đình Tới tôi thật sự xúc động. Trước đây các nghệ sĩ đàn bầu chỉ gảy đàn ở phần trên, còn phần dưới gảy không kêu hoặc tiếng bị tắt không phát ra âm thanh được. Nhờ cải tiến này của anh Mai Đình Tới thì từ nay các nghệ sĩ đàn bầu có thể mở rộng quảng chơi và làm cho cách chơi đàn bầu cũng phong phú và uyển chuyển hơn. Hi vọng sau này chiếc đàn bầu cải tiếng kiểu này sẽ được phổ biến rộng rãi và được dạy đàng hoàng trong các lớp dạy đàn bầu”.

Có thể nói “người em song sinh” trên cây đàn bầu được nghệ sĩ Mai Đình Tới tìm ra, có những tính năng kỹ thuật, cao độ, hiệu quả âm thanh giống hệt như “người chị” của mình. Từ khám phá này, người nhạc công có thể gảy đàn bầu một cách thoải mái, phóng khoáng, lả lướt hơn, cánh tay trải đều trên cả cây đàn bầu và gảy vào bất cứ điểm nào tùy thích, chứ không còn phải chịu gò bó, khuôn khổ trong một nửa bên trái của cây đàn bầu!



Thêm một khám phá mới nữa, thêm một sự khẳng định về tài năng và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của anh, nghệ sĩ, quái kiệt, kỷ lục gia Mai Đình Tới, người đang nắm 5 kỷ lục, trong đó có 2 kỷ lục châu Á và 3 kỷ lục VN. 

HỒNG SƠN - THANH HÙNG

Tổng điểm nội dung là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Xem tiếp...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây